Sáng ngày 16/2 (tức ngày mùng 9 Tết âm lịch), bác sĩ Đỗ Mạnh Hùng, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tổng số trẻ tới khám tại bệnh viện mỗi ngày hơn 1000 trẻ.
Riêng trong ngày 15/2, tổng số trẻ khám là 1.709 cháu (tương đương như số khám những ngày bình thường trước kỳ nghỉ Tết), trong đó chủ yếu mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa.
Ghi nhận của phóng viên sáng ngày 16/2, khoa khám bệnh của bệnh viện khá đông từ nhiều địa phương tới khám với các độ tuổi khác nhau.
Tuyệt đối không sưởi bằng than củi trong phòng kín
Theo BS Hùng, thời tiết đang rét đậm, vì vậy, những gia đình có trẻ nhỏ phải cẩn trọng trong vấn đề giữ ấm cũng như sưởi ấm cho trẻ.
BS Hùng lưu ý, thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra những vụ ngạt khí, tử vong do sưởi bằng than tổ ong, củi trong phòng kín. Đáng tiếc, trong đó có những cháu nhỏ và trẻ sơ sinh.
Vì vậy, BS Hùng khuyến cáo, không nên sưởi ấm trong phòng kín bằng bếp than tổ ong hoặc củi thời gian kéo dài hay sưởi qua đêm. Bởi khi đốt, than củi trong phòng kín dẫn tới nguy cơ phát sinh khí cacbonic, giảm khí ôxy, dẫn tới nguy cơ phát sinh khí cacbonic, giảm khí ôxy.
Theo BS Hùng, ở những vùng miền núi, người dân vẫn dùng bếp than, củi để sưởi nhưng không xảy ra ngộ độc ngạt khí vì cấu tạo nhà thông thoáng, có nhiều cửa thông gió. Những vụ ngạt khí vừa qua thường xảy ra đối với các hộ dân ở đồng bằng, nhà nhỏ, phòng kín.
Với những gia đình dùng đèn sưởi, điều hòa nhiệt độ chiều nóng, cần chú ý nhiệt độ để phù hợp, không để quá nóng, trẻ có thể bị vã mồ hôi và thấm lạnh gây cảm, ho. Mặt khác, nhiều trẻ sơ sinh, da mỏng, nếu để quá gần đèn sưởi sẽ dẫn tới hiện tượng bỏng da.
“Các gia đình cũng lưu ý, không dùng túi sưởi cho trẻ khi đang cắm sạc. Đã có trường hợp túi sưởi cắm sạc khi đang sử dung phát nổ, khến trẻ bị bỏng”, BS Hùng nói.