Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết lượng bệnh nhi hô hấp nhập viện Nhi Đồng 1 chủ yếu là 2 nhóm: Hô hấp cấp tính và dị ứng đường hô hấp, hen suyễn.
Với nhóm bệnh hô hấp cấp tính bệnh nhi ở độ từ 2 tuổi trở xuống, bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Trời chuyển lạnh, nhiều trẻ bị bệnh hô hấp phải nhập viện. Ảnh: Thanh Huyền. |
“Mô hình bệnh tật hô hấp không có gì thay đổi, nhưng năm nay đặc biệt hơn mọi năm ở chỗ các cháu có sẵn bệnh nền như tim, não, sinh non bị bệnh hô hấp tăng cao. Các trường hợp này một khi đã bị bệnh hô hấp rất dễ bị viêm phổi, nhiễm trùng, trở nặng nhanh. Đặc biệt, những bé càng nằm viện lâu càng dễ bị nhiễm trùng hô hấp”, bác sĩ Tuấn nhận định.
Cụ thể, hiện nay tại khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 số bệnh nhi nặng phải thở oxy chiếm 10% tổng số trẻ bị bệnh hô hấp nội trú.
Theo số liệu thống kê tại bệnh viện, tuần qua, mỗi ngày có khoảng 120-130 bệnh nhi tới khám về hô hấp. Riêng ngày 24/12 lượng bệnh hô hấp mới nhập viện là 30 ca.
Theo dõi cách trẻ thở để đánh giá đúng nhất tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Ảnh: Thanh Huyền |
Bác sĩ Tuấn khuyên, Sài Gòn quanh năm nắng nóng, trẻ chưa kịp thích nghi, đề kháng yếu... sáng sớm, trên đường tới trường trẻ cần được mặc ấm.
Thấy con bị ho, cha mẹ đừng mặc cho trẻ quá nhiều áo, mồ hôi toát ra, thấm ngược làm trẻ dễ bị viêm phổi. Vội vàng mua thuốc ho, tống kháng sinh cho trẻ cũng là một sai lầm.
“Để biết tình trạng con bệnh nặng hay nhẹ không phải qua tiếng ho. Khi trẻ có phản xạ ho, chủ yếu bị mắc bệnh hô hấp trên, chưa đến nỗi nghiêm trọng. Còn các bệnh lý hô hấp dưới (phổi), có bé rất nặng mà không hề ho tiếng nào. Quan trọng nhất là theo dõi cách trẻ thở, bé khó thở, thở nặng nhọc thì phải đưa đi bệnh viện ngay”, bác sĩ Tuấn nói.
Ngoài ra, khi trẻ bị ho, viêm đường hô hấp, các bà mẹ không nên máy móc cho bé bú sữa trước lúc ngủ, đề phòng nguy cơ ói, sặc.