Bốn nhà giáo ưu tú được mời giao lưu: từ trái qua, cô Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa (Hiệu trưởng Trường MN Nam Sài Gòn), cô Nguyễn Thị Thu Cúc (Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định), cô Võ Ngọc Thu (Trưởng phòng GD quận 5), thầy Trần Văn Long (GV Trường TH Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình). |
Nhiều giáo viên không giấu được sự xúc động sau câu chuyện mở đầu ủa thầy Văn Long khi kể về kỉ niệm với nghề của mình. Ngay từ khi mới 11 tuổi, thầy Long đã phải thay ba mẹ lo cho các em bởi ba mẹ bệnh nằm một chỗ. Thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của người lớn nên khi thấy hoàn cảnh khó khăn của HS nên thầy có một sự đồng cảm sâu sắc.
“Những người thầy như chúng tôi, thấy học trò của mình trưởng thành đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất chứ không phải vì những tấm giấy khen, bằng khen.
Trong hơn 30 năm đứng lớp, tôi vẫn nhớ như in về cậu học trò tên Thanh Quang. Em thường bị các bạn trong lớp gọi là “đại bàng” vì hay đánh bạn, dọa bạn… Khi tìm hiểu kĩ tôi thấy hoàn cảnh em rất khó khăn: Bố nghiện rượu, mẹ bỏ đi từ nhỏ. Vì bố hay đánh đập nên em tỏ ra rất lì lợm và như con nhím bị xù lông, em hay mang theo dao trong cặp để dọa bạn mỗi khi bị ăn hiếp, trêu đùa.
Lúc đó, tôi đã chủ động gặp và nói chuyện với em rất thân tình, lúc rảnh tôi còn phụ đạo thêm cho em, khi mua cho em mẩu bánh mì ăn sáng. Dần dần cũng thấy em thay đổi.
Sau khi chuyển cấp tôi gần như không gặp em. Rồi tình cờ đi ngang con hẻm nhỏ thấy mấy em đang đá banh, một em (lúc đó gần như là gọt trọc đầu) lại chào, tôi mới nhận ra là Thanh Quang. Hỏi ra mới biết em đã bỏ học đi lang thang lêu lổng. Khi đó, ngoài việc trò chuyện khuyên nhủ em, tôi còn nhờ mấy người bạn giới thiệu, tìm giúp em việc làm thêm và chỉ cho em đến học nghề cắt tóc.
Sau này vì bận việc thầy trò cũng ít gặp mặt. Nhưng lần gặp mới đây, em đã thay đổi nhiều, em mở một tiệm cắt tóc và có 4 người thợ. Em bảo, em nhận thợ cũng có hoàn cảnh như em để giúp đỡ họ.
Tôi đã chực trào nước mắt khi em kể: Em đặt tên tiệm cắt tóc là Thanh Long vì muốn ghép tên của em với thầy. Thầy chính là người đã giúp đỡ em rất nhiều và hướng cho em tới nghề…
Thầy Long chia sẻ: Là giáo viên, mình không chỉ dạy các em kiến thức, mà còn phải hiểu tính cách và hoàn cảnh các em để thông cảm động viên các em, nếu có thể thì giúp đỡ các em.
“Tôi vẫn thấy day dứt mãi về một em học trò tên Diễm Quỳnh. Em không bao giờ làm bài tập về nhà, tới lớp cũng hay ngủ gật, tôi đã không ít lần phê bình, thậm chí là nặng lời với em trước lớp…
Rồi khi biết hoàn cảnh của em là bố mất, mẹ lại đau yếu, em sống với người dì và đêm đêm đi hát dạo để kiếm tiền mưu sinh, tôi thấy trò sao giống mình ngày xưa quá. Khi đó, tôi thực sự nghẹn lòng. Tôi chỉ biết ôm học trò và nói “Con cho thầy xin lỗi vì thầy đã không biết được hoàn cảnh của con”.
Thầy Trần Văn Long (giữa) nhận danh hiệu nhà giáo ưu tú |
Nhà giáo ưu tú Lê Thị Nga năm nay đã lớn tuổi, nhưng cô vẫn miệt mài trên bục giảng tại một trường dân lập. Cô được phong tặng nhà giáo ưu tú năm 1997 khi đang công tác tại Trường THPT Võ Thị Sáu.
Cô nói: “Nhìn học trò của tôi ngày ấy giờ đang là hiệu trưởng của trường này trường kia như thầy Lê Văn Phước - Trường THPT Võ Thị Sáu hay cô Thu Cúc - Trường THPT Gia Định đang ngồi giao lưu trên kia, tôi hạnh phúc lắm chứ.
Thực ra chúng tôi đưa đò biết bao thế hệ, cũng không thể nhớ hết được các em, nhưng khi có thông tin hay gặp gỡ và biết được các em trưởng thành đó là điều chúng tôi cảm thấy tự hào, cảm thấy yêu nghề giáo hơn bao giờ hết. Đó chính là quả ngọt của sự nghiệp trồng người cao quý”.
Cần giữ vững danh hiệu nhà giáo ưu tú
Cũng theo các NGƯT, để có được danh hiệu cao quý này, ngoài nỗ lực của các giáo viên còn có sự hỗ trợ rất lớn của các đồng nghiệp, của lãnh đạo Ngành và nhất là của các em HS. Các em HS chăm ngoan, học giỏi là những bông hoa tươi thắm để tôn vinh các thầy cô.
Cô Phương Hoa tâm sự: “Được phong tặng danh hiệu này, mấy ngày nay tôi thực sự có cảm giác lâng lâng hạnh phúc. Có lẽ thế hệ nhà giáo trẻ như chúng tôi hôm nay có nhiều may mắn hơn các thế hệ trước, có rất rất nhiều những nhà giáo đã luôn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, lặng thầm đưa đò bao thế hệ học trò mà chẳng bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ được tuyên dương, hay tôn vinh. Họ lặng lẽ cống hiến cho cây đời để sinh ra bao quả ngọt.
Tôi vẫn thường nói với các đồng nghiệp trong trường rằng: "Mình muốn học trò đối xử với mình ra sao, thì hãy đối xử với học trò như thế. Hãy quan tâm, yêu thương các em thì các em cũng sẽ kính trọng, yêu thương mình”.
Các NGƯT thế hệ đi trước của ngành giáo dục quận 5 và ông Lê Hồng Sơn - GĐ Sở GD&ĐT TPHCM - chia sẻ niềm vui cùng với cô Võ Ngọc Thu (người mặc áo dài màu cam) |
Nói về nghề, cô Nguyễn Thị Thu Cúc chia sẻ: “Thời gian qua, cũng có nhiều chuyện không hay trong giáo dục khiến các nhà giáo buồn lòng, trăn trở. Nhưng dù có khó khăn gì thì chúng tôi vẫn rất vững tâm, vẫn bền lòng với sự nghiệp cao quý này và chính giáo viên quyết định chất lượng của giáo dục. Vì thế mỗi giáo viên phải trau dồi về mọi mặt để là tấm gương cho HS noi theo”.
Còn cô Võ Ngọc Thu nhấn mạnh: “Được phong tặng nhà giáo ưu tú đã khó, nhưng mỗi nhà giáo phải luôn giữ lửa để xứng đáng với danh hiệu ấy là điều khó khăn hơn, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết mình vì các học trò thân yêu”.