Trở thành tỷ phú từ cây mận

GD&TĐ - Đến Nà Bó 1, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) ai cũng sẽ được nghe kể câu chuyện về gia đình ông Phó trưởng bản Vì Văn Lít, dân tộc Thái, người được bà con đề cao về mô hình kinh tế từ cây mận trở thành tỷ phú.

Vườn mận của gia đình ông Vì Văn Lít cho thu hoạch gần 100 tấn quả một năm. (Trong ảnh: Bà Vì Thị Tuyết, vợ ông Lít đang chăm sóc vườn mận).
Vườn mận của gia đình ông Vì Văn Lít cho thu hoạch gần 100 tấn quả một năm. (Trong ảnh: Bà Vì Thị Tuyết, vợ ông Lít đang chăm sóc vườn mận).

Đặc biệt ông là người “kéo” bà con thôn bản cùng thoát nghèo từ thay đổi tư duy về phát triển kinh tế.

Bán bò trồng mận

Năm 1986, gia đình ông Vì Văn Lít không may bị hỏa hoạn thiêu rụi, tài sản duy nhất còn lại là đôi bò (1 bò mẹ và 1 bò con) thoát được do chuồng ở xa. Cơ nghiệp cháy rụi không làm người đàn ông dân tộc Thái này bi quan. Ông Lít có suy nghĩ rất tích cực, phải chăng đây là cơ hội để gia đình ông thay đổi, để làm điều gì đó mới mẻ. Được sự giúp đỡ của người thân, họ hàng, chính quyền, ông dựng lại nhà cửa, đồng thời tính toán cách làm ăn. Nghĩ đến việc đợi đôi bò lớn, nhân giống cũng chừng 4, 5 năm, thời gian cho sữa cũng chỉ giới hạn vài năm, ông Lít bắt đầu nghĩ về đầu tư “dài hơi”.

Mặc cho sự căn ngăn của bà con họ hàng, ông bà quyết định bán đôi bò, lấy tiền mua giống mận về trồng trên vùng đất mới khai hoang của gia đình. Thời điểm ấy ai cũng ngờ vực, bởi nhiều người dân vẫn chỉ đợi mỗi dịp Xuân về để chặt mận, đào bán cho người ta chơi Tết chứ chẳng ai nghĩ sẽ trồng mận lấy quả.

Mày mò đi khắp nơi tìm hiểu các giống mận, học hỏi những mô hình thành công, ông Lít bắt đầu trồng những cây mận đầu tiên trên mảnh đất nhà mình. Thời điểm ấy, ông là người tiên phong ở bản Nà Bó trồng mận. Nắm bắt được đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, quanh năm mát mẻ của Mộc Châu vô cùng thích hợp với giống mận, lại ít phải mất công chăm sóc, hơn nữa còn có thể xen canh và kết hợp nuôi con vật trong vườn, ông Lít cùng gia đình miệt mài “đổ mồ hôi” trên nương mận.

Tháng 4 này, lên cao nguyên Mộc Châu thăm vườn mận của gia đình ông Lít, bao quanh 4 ngọn đồi và một thung lũng rộng, chứng kiến gia đình ông Lít rộn rã không khí thu hoạch những trái mận đầu mùa, mới thấy quyết định ngày xưa của ông quả thật đúng đắn. Từ năm 2012 đến nay, gần một trăm tấn mận mỗi năm đem về cho gia đình ông Lít thu nhập hơn 1 tỷ đồng”, ông Lít chia sẻ.

Tự chủ để thoát nghèo

Mùa mận kéo dài vài 3 tháng cũng là lúc hàng chục lao động trong thôn bản cũng như các vùng lân cận kéo đến nhà ông để hái mận. Không nghĩ đơn giản chỉ là thuê họ làm việc, ông Lít thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm, khuyến khích bà con thử nghiệm nuôi, trồng như mình. Theo ông, phải tự chủ thì mới thoát nghèo.

Ông Lít luôn nói với bà con, chỉ cần mày mò, chịu khó học hỏi, tìm ra cơ hội để làm kinh tế. Bởi vùng đất nào cũng có những khó khăn đặc trưng nhưng chắc chắn sẽ còn những điều kiện thuận lợi, đất nào cũng có thể làm giàu được.

Điều ông chia sẻ đã được chứng minh qua mô hình kinh tế của gia đình ông. Mỗi mùa hoa mận, ông Lít mở dịch vụ vào thăm vườn, cho khách du lịch thuê trang phục truyền thống của người Thái vào thăm quan, chụp ảnh. Ông vừa thu phí vé vào, vừa có thể bảo vệ giá trị bền vững của mận.

Diện tích vườn mận được khai thác triệt để khi ông Lít xen canh những giống cây thấp như dong riềng, gừng,… và đang thử nghiệm trồng giống hồng giòn. Hơn 200 con gà cũng được thả trong vườn, mỗi năm ngoài mận, người đàn ông năng động có thêm hàng trăm triệu đồng nhờ biết cách tận dụng kiến thức nông nghiệp của mình.

Bà con cũng thấy được lợi ích kinh tế rõ ràng nên hiện tượng chặt đào, mận khi ra hoa bán về thành phố mỗi khi Tết đến Xuân về cũng dần ít đi. Hiện tại hơn 50% các hộ gia đình ở Nà Bó đã có vườn mận của riêng mình, kết hợp trồng trọt chăn nuôi với kinh doanh homestay, kinh tế địa phương có sự thay đổi rõ rệt, đời sống người dân cải thiện đáng kể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.