Trọ học nơi vùng cao Mường Hoong

GD&TĐ - Không ngại khó ngại khổ, những thầy cô giáo ở Mường Hoong, huyện Đăk Glei, Kon Tum vẫn ngày ngày băng rừng, lội suối hàng chục cây số, tận tụy gieo chữ, ươm mầm bên ngọn núi Ngọc Linh hùng vĩ. Ngược lại, những đứa trẻ vùng cao cũng không quản ngại đường xa, quyết học lấy con chữ để nuôi những giấc mơ về tương lai…

Bữa cơm ở Trường PTDT BT – THCS Mường Hoong
Bữa cơm ở Trường PTDT BT – THCS Mường Hoong

A Mới, học sinh lớp 9 Trường phổ thông Dân tộc Bán trú – THCS (PTDTBT - THCS) Mường Hoong có phòng nghỉ ở khu bán trú trong trường. A Mới thổ lộ: Nhà ở tận làng Đăk Bối - làng xa nhất của xã Mường Hoong, nhưng suốt 4 năm qua, cứ sau một tuần học, chiều thứ sáu A Mới lại trở về làng thăm gia đình; đến 5 giờ sáng thứ hai lại bắt đầu cuộc “hành quân” mang sách vở vượt mấy con dốc, đèo và suối chừng chục km trở lại trường.

Bốn năm đi lại trên con đường ấy đã quen. Thường A Mới ngồi nghỉ bên suối nước Tương cho bớt mồ hôi rồi vào lớp để học chữ, nuôi ước mơ…

Nghe chuyện trọ học ở Mường Hoong như thế ai cũng khá bất ngờ, nhưng đó lại là sự thật ở dưới chân núi Ngọc Linh này. Không chỉ một vài em mà ở xã có đến hàng chục em đang làm điều đó để nuôi ước mơ…

Chúng tôi theo chân 3 học sinh Y Hàng, Y Điệu (lớp 8) và A Quân (lớp 7) đến làng Đăk Bể. Bước vào nhà trọ vách ghép bằng ván bìa, nền đất, mái tôn, Y Điệu chỉ cho xem căn phòng lụp xụp có một giường là chỗ ngủ. Ở phòng bên ngoài có duy nhất cái bàn dài hơn một mét là chỗ học ban đêm của 3 chị em.

Y Điệu kể, cách đây 3 năm, em về xã học, mới đầu nhớ làng, nhớ nhà, muốn băng núi về lắm. Nhưng khi cuối tuần về nhà thăm ba mẹ, ba mẹ động viên phải học nhiều chữ vào nên yên tâm dần.

Bây giờ nhờ các cô giáo dạy cho nhiều chữ, sau còn về giúp làng nữa. “Hồi học lớp 6, đầu tuần về trường thì cõng theo bó củi. Giờ các thầy, cô bảo không cõng củi nữa, chỉ “cõng” sách vở thôi” - Y Điệu thủ thỉ.

Với ý chí quyết học, cuối năm lớp 6 và lớp 7, Y Điệu đều nhận giấy khen. “Em ước gì sau này làm cô giáo để đi dạy chữ cho người Jẻ Triêng” - Y Điệu nói.

Cũng như Y Điệu, em Y Hàng (lớp 8, cùng làng Đăk Bối với Y Điệu) tâm sự: Nhà có 4 anh chị, nhà nghèo, chỉ có mình em là em út trong nhà theo học đến nay. Em quyết tâm học lấy cái chữ sau này ước sẽ làm giáo viên để về dạy cho bà con mình…

Thầy Trần Nhật Lam - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Mường Hoong cho biết: “Trường có 135 em được hưởng chế độ bán trú, nhưng do không đủ phòng nên có 44 em phải trọ ngoài.

Các em nay trọ chỗ này, mai trọ chỗ khác nên giáo viên chủ nhiệm theo dõi quản lý rất vất vả, nhưng thầy cô vẫn cố gắng và nêu cao tinh thần trách nhiệm vì học sinh”.

Ngoài việc truyền chữ, thầy cô giáo ở đây còn chăm lo cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ. Bên cạnh chị nuôi Y Bác, ngày ngày giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường tham gia chăm lo cho các em.

Thầy Trần Nhật Lam kể: Các em xuống núi học, mang theo nếp sinh hoạt của làng. Ngay cả ăn cũng lạ, bàn này chỉ 4 em, bàn kia hơn 10 em nhưng vẫn không chịu sang bàn này ăn cơm, bởi ở khác làng.

Các thầy cô “năn nỉ”, các em miễn cưỡng chịu nghe lời. Chỗ ở cũng vậy, các em cũng chỉ muốn ở với người cùng làng mình. Các thầy cô lại phải khuyên nhủ, động viên, phân tích… Có hôm, thầy cô vào lớp thấy vắng hoe, mới thấy sai lầm của mình là “biên chế” các em cùng làng học chung một lớp.

Theo thầy Lam, điều đó thỉnh thoảng xảy ra, khi làng có việc là HS ở cùng làng sẽ cùng nghỉ một loạt. Những lúc ấy, thầy cô giáo lại phải băng rừng, lội suối đến tận từng nhà vận động học sinh ra lớp trở lại.

Thầy Lam đã gắn bó với nơi này gần 20 năm. Suốt ngần ấy thời gian, thầy đã rèn và dạy bao thế hệ học sinh nơi này và đã không ít người đã trưởng thành. Giờ thầy vẫn ăn cơm tập thể, ở nhà tập thể ngay trong chính ngôi trường của mình.

Những tấm gương trọ học thành công nơi đây, có thể kể: A Thiên - bây giờ là bác sĩ giỏi ở Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei; Y Hồng, A Vang đều nghèo nhưng thi đỗ và hiện là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Quy Nhơn… Và còn nhiều em nữa. Họ là niềm động viên để thầy Lam và các thầy cô giáo ở Mường Hoong còn muốn tiếp tục sự nghiệp gieo chữ chốn vùng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.