Tạp chí Popular Science đưa tin, các chuyên gia thuộc Đại học Stanford (Mỹ) quyết định dùng bạc sản xuất loại vật liệu mới, vì nó phản xạ bức xạ hồng ngoại trở lại cơ thể.
Để khiến cho vật liệu kim loại có thể mặc được thoải mái, nhóm nghiên cứu đã nhúng coton vào một dung dịch bạc. Các sợi nano do đó có thể bám ở phần trên cùng của vải may quần áo thường ngày cho con người.
Bằng cách trên, các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra một loại vải có khả năng nhốt giữ 80% nhiệt cơ thể, theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nano Letters.
Chất liệu này được coi là giữ nhiệt hiệu quả như lông cừu. Nếu được dùng để may quần áo, nó sẽ giúp phản xạ lượng bức xạ hồng ngoại do người mặc phát tỏa ra trở về chính cơ thể của người đó. Ngoài ra, quần áo bằng sợi nano bạc còn có thể kết nối qua ổ cắm với máy tính để khiến người được giữ ấm hơn nữa.
Ý tưởng của nhóm sáng chế là, một lượng điện nhỏ có thể biến áo khoác sợi nano bạc thành một chiếc chăn điện. Khai thác các chuyển động của điện qua các sợi vải có thể sản sinh thêm nhiệt làm ấm cơ thể người mặc.
Một ưu điểm nữa của loại vải mới là tương đối mỏng, nhẹ và thông thoáng. Vì vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng một ngày nào đó nó sẽ được dùng để may thay thế các loại áo khoác đồ sộ dành cho người trượt tuyết ngoài trời. Nếu được sử dụng trong nhà, quần áo may bằng vải sợi nano bạc sẽ giúp người mặc không cần phải sưởi ấm nữa.
Mặc dù chúng ta dễ mường tượng rằng vải làm từ bạc có thể rất đắt đỏ, nhưng nhóm sáng chế quả quyết, tổng chị phí bạc cần thiết để tạo ra một bộ quần áo hoàn chỉnh chỉ là 1 USD.
Mặc các loại quần áo may từ chất liệu mới này có thể giúp một người tiết kiệm tới 200 USD chi phí sưởi ấm mỗi năm hoặc tiết kiệm được số năng lượng đủ để thắp sáng 1.000 bóng đèn điện trong 10 giờ đồng hồ.
Loại vải siêu giữ nhiệt bằng sợi nano bạc hiện vẫn chưa được bày bán do cần kiểm nghiệm thêm. Tuy nhiên, nhóm sáng chế cũng đã xúc tiến nghiên cứu phát triển thêm một lớp phủ vải nữa nhằm giúp quần áo và người mặc mát trong thời tiết nóng bức.