Triều Tiên phóng tên lửa, chấm dứt đàm phán liên Triều

GD&TĐ - Ngày 16/8, Triều Tiên lại phóng 2 quả tên lửa, sau khi tuyên bố đàm phán liên Triều kết thúc. Đây là động thái của Bình Nhưỡng nhằm đáp trả cuộc tập trận Mỹ - Hàn vừa diễn ra vào tuần trước. Trong khi đó, chính quyền Mỹ nói chung vẫn rất lạc quan.

Chủ tịch Kim Jong-un trực tiếp theo dõi vụ thử tên lửa hôm 10/8.	Ảnh AP
Chủ tịch Kim Jong-un trực tiếp theo dõi vụ thử tên lửa hôm 10/8. Ảnh AP

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã sẵn sàng cho một cuộc họp mới, thực chất hơn với ông.

Cơ hội đối thoại Bắc - Nam đã mất

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin Triều Tiên phóng tên lửa hôm 16/8 . Ảnh: ABC News.go.com
 Người dân Hàn Quốc theo dõi tin Triều Tiên phóng tên lửa hôm 16/8 . Ảnh: ABC News.go.com

Vụ phóng tên lửa mới nhất được thực hiện từ bờ biển phía Đông của CHDCND Triều Tiên lúc 8 giờ 1 phút và 8 giờ 16 phút, ngày 16/8. Theo quân đội Hàn Quốc, các tên lửa đạn đạo tầm ngắn đã được thử nghiệm. Độ cao bay trên đỉnh của quỹ đạo đạt 30 km, tầm bay là 230 km và tốc độ tối đa vượt quá 6 Mach.

Những cuộc thử nghiệm tên lửa như vậy đã được Bình Nhưỡng tiến hành liên tục, nhưng gần đây tần suất phóng tên lửa phá vỡ mọi kỷ lục. Trong 3 tuần qua, Triều Tiên đã phóng tên lửa 6 lần, và tổng cộng là 8 lần kể từ đầu năm. Cuộc thử nghiệm vào ngày 10/8 đã được đích thân nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi. Như cơ quan Thông tấn Trung ương Triều Tiên thông báo, ông Kim Jong-un đã kiểm tra các vũ khí mới trên bệ phóng, giám sát vụ phóng và cuối cùng là “bày tỏ sự hài lòng khi thấy một vũ khí mới khác xuất hiện”. Vào ngày 12/8, Kim Jong-un đã ký sắc lệnh tăng cấp bậc quân sự cho 103 nhà khoa học, những người “phát triển và cải tiến hệ thống vũ khí mới mạnh mẽ, là chìa khóa trong việc bảo vệ đảng, cách mạng, tổ quốc và nhân dân”.

Trong bối cảnh ấy, những tuyên bố công khai của đại diện Triều Tiên đã trở nên cứng rắn hơn. Trước đó, Ủy ban Thống nhất Hòa bình của CHDCND Triều Tiên tuyên bố: “Cơ hội đối thoại Bắc - Nam đã mất”. Tuyên bố trên được cho là đáp trả bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng “động lực đối thoại vẫn còn”, rằng hai miền Triều Tiên sẽ được thống nhất vào năm 2045.

Các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc, nhằm đối phó với khủng hoảng, với các mối đe dọa khiêu khích hoặc khủng bố, và (không chính thức, ngay cả trong trường hợp chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên), đã bị Ủy ban Bắc Triều Tiên chỉ trích đặc biệt. Một tuyên bố từ Bình Nhưỡng cho biết: Không còn nghi ngờ gì nữa, các cuộc diễn tập quân sự được chỉ đạo chống lại Triều Tiên.

Trong khi đó, ông Lee Sang Min, người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định rằng cuộc tập trận không nhằm vào Triều Tiên và không vi phạm các thỏa thuận liên Triều. Ông Lee Sang Minh nhấn mạnh thêm rằng Hàn Quốc vẫn cam kết với các thỏa thuận đạt được giữa hai miền Triều Tiên về mối quan hệ sâu sắc vào năm ngoái. Nhưng hành động của CHDCND Triều Tiên, như tuyên bố hôm 16/8 của thư ký báo chí của đảng cầm quyền tại Hàn Quốc Lee He Sik, đã "gây nguy hiểm cho những nỗ lực thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên". Văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, các vụ phóng tên lửa liên tục có thể dẫn đến sự leo thang quân sự căng thẳng.

Sẽ tạm thời ổn định?

Trong khi Bình Nhưỡng liên tiếp phóng tên lửa, chính quyền Donald Trump tuyên bố rằng họ không hài lòng với các vụ phóng tên lửa, nhưng sẽ không sử dụng các biện pháp cứng rắn để đối phó. Ngày 14/8, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng việc Triều Tiên phóng tên lửa là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng bày tỏ hy vọng sẽ sớm nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng ở cấp độ chuyên gia. Ông Bolton cũng chia sẻ rằng, trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên vào tháng 6/2018, người đứng đầu Nhà Trắng đã cho người đối thoại của ông xem một bộ phim rất ấn tượng về một tương lai kinh tế của Triều Tiên sẽ như thế nào nếu họ từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Đại diện của CHDCND Triều Tiên, theo John Bolton, đã xem bộ phim này một cách cẩn thận.

Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lưu ý rằng “Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân sẽ trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới”. Bình luận về thông điệp từ ông Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump nhận định: Đây là một lá thư dài, hầu hết trong số đó có những lời phàn nàn về các cuộc tập trận quân sự kỳ cục và tốn kém (của Mỹ và Hàn Quốc - ND). Nó cũng có một lời xin lỗi nhỏ đối với các thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn, cũng như khẳng định rằng các thử nghiệm này sẽ dừng lại ngay khi cuộc tập trận kết thúc. Và bổ sung: Nhà lãnh đạo Triều Tiên “nói rất tử tế rằng ông muốn gặp và bắt đầu đàm phán”. Bình Nhưỡng không xác nhận hoặc từ chối những tuyên bố của Donald Trump.

Bình luận về diễn biến mới trên bán đảo Triều Tiên, ông Konstantin Khudoley, giáo sư Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc gia St. Petersburg (Nga) nhận định: “Tôi không nghĩ rằng đó là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như năm 2016 - 2017. Hiện tại, một sự cân bằng rất không ổn định được duy trì ở Đông Bắc Á, nhưng khó có ai muốn phá hủy nó bằng những bước đi đột ngột. Bình Nhưỡng cần phải nhượng bộ bởi các đòn trừng phạt làm kinh tế của họ ngày càng khó khăn hơn”. Tuy nhiên, theo giáo sư Konstantin Khudoley, đây cũng là áp lực đối với chính quyền Donald Trump trong tiến trình đàm phán với Triều Tiên. Nguyên nhân chính là “ở Mỹ, các quyết định trừng phạt được đưa ra bởi Quốc hội, và ở đó họ không có ý định nhượng bộ Bình Nhưỡng”.

Theo ông Konstantin Khudoley, tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh mới (lần thứ ba liên tiếp, nếu không kể cuộc gặp ngắn ở biên giới hai miền Triều Tiên) sẽ có lợi cho chính ông Donald Trump.

“Trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, ông Donald Trump sẽ gặp lại ông Kim Jong-un. Điều này rất quan trọng để cho thấy rằng ông ấy đã đạt được một số tiến bộ về vấn đề Triều Tiên” – ông Konstantin Khudoley nhận định.

Theo các nhà phân tích, cuộc gặp thượng đỉnh lần 3 của ông Donald Trump và ông Kim Jong-un sẽ hết sức quan trọng với ông Trump. Cuộc gặp không khác gì màn “PR” để ông Trump lấy điểm trước các đối thủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới phải hết sức công phu, tỷ mỉ, chu đáo và quan trọng nhất là cuộc gặp phải đạt được những thỏa thuận mang tính đột phá.

Trong bối cảnh ấy, Washington không sử dụng những biện pháp cứng rắn, kể cả những tuyên bố thù địch chống lại CHDCND Triều Tiên cũng là điều dễ hiểu.

Tình hình Triều Tiên sẽ tạm thời ổn định tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, còn sau đó là cả một câu chuyện dài chưa có lời giải cụ thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.