(GD&TĐ) - Cuối tuần qua cả thế giới hướng về bán đảo Triều Tiên, nơi được coi là chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khởi đầu là Bình Nhưỡng tuyên bố chiến tranh với Hàn Quốc, tiếp đến là đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong, triển khai thêm tên lửa thứ 2 vào vị trí sẵn sàng nhả đạn... Tuy nhiên, điều làm dư luận lo ngại rằng Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên vừa khuyến cáo một số đại sứ quán nên sơ tán các nhân viên ngoại giao khỏi nước này.
Có lẽ trong lịch sử ngoại giao hiện đại đây là trường hợp độc nhất vô nhị. Gọi là độc nhất bởi chính quyền nước sở tại lo lắng cho sự an toàn của các nhà ngoại giao nước ngoài, trong lúc các nhà ngoại giao lại không cảm nhận được bất cứ sự đe dọa nào. Chuyện kể về chiều thứ sáu (5/4), khi Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên khuyến cáo một số đại sứ quán nước ngoài nên sơ tán các nhân viên của họ khỏi lãnh thổ Triều Tiên. Xin nhắc lại, chỉ một số đại sứ quán chứ không phải tất cả?!
Bộ Ngoại giao Anh cho biết, cơ quan ngoại giao của họ ở Bình Nhưỡng nhận được thông báo: Kể từ ngày 10/4, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên sẽ không thể đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao. Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng cũng nhận được thông báo tương tự, tuy nhiên người đại diện của đại sứ quán Nga cho biết, mọi hoạt động của đại sứ quán vẫn diễn ra bình thường, “tất cả đều bình yên, không cảm thấy căng thẳng leo thang”. Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hàn Quốc đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga George Toloraya thì đấy chỉ là hành động tiếp theo của CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng muốn đẩy tình hình leo thang đến mức nghiêm trọng, rằng chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tầm bắn của các loại tên lửa CHDCND Triều Tiên đang sở hữu |
Tuy nhiên, nếu bình tĩnh mà phán xét sẽ thấy một điều: Chẳng ai có ý định tấn công CHDCND Triều Tiên nên cũng chẳng cần phải sơ tán các nhân viên ngoại giao khỏi nước này. Các phương tiện truyền thông quen thói thổi phồng mọi chuyện và chắc chắn điều này sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền, gây áp lực không nhỏ đến lãnh đạo các nước có đại sứ quán tại Triều Tiên. Và như vậy, Bình Nhưỡng sẽ đạt được mục đích.
Các nhà phân tích cho rằng, mục đích cuối cùng của CHDCND Triều Tiên là kéo Mỹ vào bàn đàm phán trên nguyên tắc bình đẳng giữa hai nước. Trong cuộc họp báo hôm 5/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ CHDCND Triều Tiên có lựa chọn khác thay vì làm căng thẳng thêm tình hình. Sự lựa chọn khác theo cách nói của bà Victoria Nuland được hiểu rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng và như vậy, mọi nỗ lực của họ đã có kết quả.
Có điều, câu nói nước đôi của Victoria Nuland không có nghĩa rằng Mỹ sẽ đàm phán tay đôi với CHDCND Triều Tiên. Những ngày này, tại Kazhstan đang diễn ra vòng đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Theo các nhà phân tích thì có vẻ như Washington không mấy nhiệt tình trong việc chấm dứt câu chuyện hạt nhân kéo dài từ năm này sang năm khác. Với CHDCND Triều Tiên cũng vậy. Washington không đánh giá cao khả năng sẽ xảy ra chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vì theo họ “Triều Tiên sẽ không dại gì lại tự sát” và những tuyên bố lớn tiếng của Bình Nhưỡng chỉ là đòn gió mà thôi.
Duy Long (TH)