Triết lý giáo dục Việt Nam truyền thống và sự biến động trong hiện tại

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm phát biểu tại hội thảo.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm phát biểu tại hội thảo.

Đề tài do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQGHCM) tổ chức chủ trì. Đây là một trong số các đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết, đề tài đang tiến hành tổ chức chuỗi hội thảo khoa học tại 3 thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, với chủ đích là lần lượt thảo luận về 3 vấn đề:

Triết lý giáo dục: Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thế giới; Triết lý giáo dục Việt Nam truyền thống và sự biến đổi của nó trong giai đoạn hiện tại; Triết lý giáo dục Việt Nam mới: Nội dung và giải pháp.

GS Trần Ngọc Thêm mong muốn, trong hội thảo sẽ nhận được ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại”.

PGS.TS Triệu Thế Hùng phát biểu tại hội thảo.
 PGS.TS Triệu Thế Hùng phát biểu tại hội thảo. 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Triệu Thế Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cho rằng, Quan tâm phát triển giáo dục là truyền thống quý báu hằng xuyên các thời kỳ lịch sử dân tộc.

Nhiều thập niên gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng diễn ra nhiều cuộc tranh luận về triết lý giáo dục nhằm tìm định hướng cụ thể cho giáo dục Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Trên diễn đàn Quốc hội, trong nhiều năm, các đại biểu Quốc hội cũng đã có rất nhiều lần nêu vấn đề triết lý giáo dục.

 “Triết lý giáo dục Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại” là đề tài nghiên cứu rất quy mô và sâu sắc, bao quát nhiều vấn đề về khoa học giáo dục, nhưng trọng tâm, đề tài có nhiệm vụ khoa học trả lời 3 câu hỏi lớn:

Triết lý giáo dục là gì, nhận diện nó như thế nào và tình hình nghiên cứu trên thế giới trong lĩnh vực này ra sao?

Triết lý giáo dục Việt Nam truyền thống là gì và hiện nay nó đang biến động như thế nào, gây ảnh hưởng đến thực trạng giáo dục Việt Nam ra sao?

Chúng ta cần một triết lý giáo dục Việt Nam mới như thế nào và cần những chính sách và giải pháp gì để thực hiện hóa nó?

PGS.TS Triệu Thế Hùng cho rằng, với 3 câu hỏi lớn như vậy sẽ cơ bản giải quyết được các vấn đề khoa học mà mục tiêu đề tài đã đặt ra:

Thứ nhất: Tổng kết các nghiên cứu đã có trên thế giới và Việt Nam về triết lý giáo dục, xây dựng bộ máy khái niệm và bộ tiêu chí nhận diện làm cơ sở lý luận cho việc nghiên cứu và xây dựng triết lý giáo dục.

Thứ hai là xác định, tổng kết triết lý giáo dục Việt Nam truyền thống và sự biến động của nó trong giai đoạn hiện tại, đánh giá được tác động của nó (mặt mạnh, mặt yếu) đối với giáo dục – đào tạo và xã hội;

Thứ 3 là đề xuất triết lý giáo dục Việt Nam mới (tầm nhìn đến 2050); đề xuất và kiến nghị hệ thống các giải pháp, chính sách để tạo môi trường hiện thực hóa triết lý giáo dục, nhằm làm thay đổi nhận thức và hành động trong hoạt động giáo dục, quản lý giáo dục và phát triển giáo dục.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, các chuyên gia và nhà khoa học.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà quản lý, các chuyên gia và nhà khoa học. 

PGS.TS Triệu Thế Hùng nhận định, trong quá trình nghiên cứu, Chủ nhiệm đề tài GS.TSKH Trần Ngọc Thêm và các thành viên đã tham gia tích cực vào việc góp ý xây dựng Luật Giáo dục (sửa đổi) và cũng đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng vào dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội lĩnh vực văn hóa- giáo dục phục vụ công tác chuẩn bị Đại hội Đảng XIII do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội chủ trì.

Cho đến nay, dù Luật Giáo dục (sửa đổi) 2019 đã được Quốc hội thông qua, nhưng những vấn đề lý luận và thực tiễn về triết lý giáo dục vẫn còn nguyên giá trị và rất quan trọng đối với nhận thức của xã hội. góp phần trong việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để đưa Luật Giáo dục (sửa đổi) vào thực tiễn. “Bởi vậy, hội thảo này có giá trị thực tiễn rất cao đối với giáo dục đào tạo nước ta” – PGS Triệu Thế Hùng khẳng định.

Tại hội thảo, cùng báo cáo chi tiết của Chủ nhiệm đề tài – GS.TSKH Trần Ngọc Thêm với chủ đề “Từ lý luận về triết lý giáo dục đến triết lý giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện tại”, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham dự hội thảo đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề đề tài nêu ra, giúp hoàn thiện công trình nghiên cứu. Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng đánh giá cao ý nghĩa và tính khoa học của đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam – từ truyền thống đến hiện đại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ