Triển vọng mới của y học Việt Nam

GD&TĐ - Một loạt các bệnh viện từ tuyến quận/huyện, tỉnh đến tuyến Trung ương đã triển khai áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc điều trị các bệnh lý về tim mạch, ung thư…

Triển vọng mới của y học Việt Nam

Điều này đã mở ra những triển vọng phát triển cho nền y học Việt Nam, giúp giảm quá tải cho y tế tuyến trên và giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

Nhiều BV tuyến dưới mổ tim thành công

Có lẽ đối với nhiều người, việc một bệnh viện đa khoa quận có thể mổ tim thành công là một điều bất ngờ của ngành y Việt Nam năm 2017. Đó là ca phẫu thuật hở van tim thành công cho nam bệnh nhân 23 tuổi diễn ra tại BVĐK quận Thủ Đức, TPHCM vào ngày 12/12/2017.

Ca mổ được thực hiện bởi các bác sĩ thuộc ê kíp mổ BV quận Thủ Đức phối hợp với Viện Tim TPHCM. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, thành công của ca phẫu thuật này đã góp phần ghi dấu cho sự kiện BV tuyến quận/huyện đầu tiên tại Việt Nam làm chủ kỹ thuật hiện đại trong điều trị các bệnh lý tim mạch - mổ tim.

Ngày 1/1/2018, các bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cũng đã thực hiện thành công ca phẫu thuật tim hở vá lỗ thông liên thất thành công ở trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.

Hai bệnh nhân may mắn là bé Đặng Văn T (5 tháng tuổi, ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) và Lê Bảo N (3 tháng tuổi, ở xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).

Sau hơn 6 giờ phẫu thuật, hai ca phẫu thuật tim hở vá lỗ thông liên thất đã thành công tốt đẹp do các bác sĩ Khoa Ngoại và Chuyên khoa – Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh thực hiện dưới sự hỗ trợ của ê-kíp can thiệp cấp cứu của Trung tâm Tim mạch (BV Nhi T.Ư).

BS Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc BV Sản nhi Quảng Ninh cho biết, đây là ca phẫu thuật tim hở cấp cứu bệnh nhân đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện.

Nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng

BS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc BV Ung bướu cho biết, với những bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn khối u có kích thước còn nhỏ dưới 3 cm, thay vì phải phẫu thuật mở bụng để cắt bỏ khối u với thời gian nằm viện kéo dài thì nay đã được xử lý bằng phương pháp mới nhẹ nhàng hơn không cần phải phẫu thuật.

Chỉ cần đưa điện cực xuyên da để đốt bằng vi sóng dưới hướng dẫn của siêu âm, thời gian nằm viện chỉ còn 1 ngày, không có biến chứng như tràn dịch màng phổi, bỏng da vùng đưa điện cực vào.

Một phương pháp tiên tiến nữa là dùng robot phẫu thuật ung thư gan. Mới đây nhất, BV Bình Dân đã phẫu thuật cắt trọn vẹn hai thùy gan trái với sự hỗ trợ của robot thế hệ mới cho bệnh nhân C.M.T (nam, 59 tuổi, ở Long An) được phát hiện có một khối ung thư gan kích thước 6cm vùng hạ phân thùy II và III, chưa di căn hạch.

Để giảm thấp nhất nguy cơ tổn thương mạch máu gan, nhất là tổn thương tĩnh mạch, dẫn tới nguy cơ chảy máu ồ ạt, gây nguy hiểm tính mạng cho người bệnh, các bác sĩ đã quyết định lựa chọn phẫu thuật bằng robot để thực hiện cắt trọn vẹn các thùy gan có tế bào ung thư.

Đây cũng là trường hợp ứng dụng robot cắt gan trên người lớn đầu tiên tại Việt Nam nhằm giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị, phẫu tích tinh tế các mạch máu quan trọng của gan với sự xâm lấn tối thiểu.

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K, hiện các phương pháp điều trị ung thư phổ biến bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và chăm sóc giảm nhẹ, trong đó việc xạ trị chiếm vị trí quan trọng. Trong xạ trị thì xạ trị proton và hạt nặng là phương pháp tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay và an toàn đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Do đó, Bệnh viện K đang làm đề án trình Bộ Y tế, Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Xạ trị proton và hạt nặng tại bệnh viện. Ưu điểm của phương pháp chữa trị xạ trị bằng ion nặng cho phép xạ trị những khối u kháng với xạ trị khác (xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc…).

Các nghiên cứu, ứng dụng lâm sàng cho thấy, với ung thư phổi không tế bào nhỏ, tỷ lệ này là trên 90%; ung thư gan là 80 - 90%; gần 100% ung thư tiền liệt tuyến. Điều này sẽ giúp kéo dài thời gian sống thêm của bệnh nhân ung thư.

Cụ thể, tỷ lệ sống thêm sau 3 năm của ung thư phổi giai đoạn 1 và 2 là 86%; ung thư gan là 72%; sống thêm sau 2 năm của ung thư tụy là 36%, ung thư đầu cổ: 74%… Phương pháp này áp dụng rất hiệu quả cho điều trị ung thư đầu cổ, tiền liệt tuyến, nhi khoa; ít tác dụng phụ.

Tuy nhiên, cản trở lớn nhất trong việc áp dụng phương pháp này ở Việt Nam là chi phí quá cao, khoảng 150 triệu USD. Vì thế, Bệnh viện K tính toán sẽ làm từng bước một, bắt đầu từ proton, đánh giá hiệu quả, sau đó làm hệ thống ion nặng. Vì thế, ông Thuấn hy vọng, BHYT sẽ hỗ trợ chi trả một phần chi phí để có nhiều người bệnh ung thư được tiếp cận phương pháp điều trị tiên tiến này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ