Tham quan triển lãm khoa bảng sáng 23/11 |
(GD&TĐ) - Hôm nay (22/11), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) tổ chức triển lãm chuyên đề “Truyền thống khoa cử Việt Nam”.
Nho giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu Công nguyên, cho đến thời kỳ độc lập tự chủ thì xác lập được vị trí, chỗ đứng trong đời sống văn hoá xã hội của người Việt. Với sự kiện thành lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long vào thế kỷ XI, cùng với các khoa thi liên tiếp được mở ra sau đó trong suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, trên đất nước ta đã dần dần hình thành và phát triển một nền giáo dục - khoa cử Nho học.
Song hành chặng đường lịch sử hơn 8 thế kỷ từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long đến Văn Thánh miếu Huế, nền giáo dục Nho học đã đào tạo nên một đội ngũ trí thức quan lại đông đảo, có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước và dân tộc. Đồng thời, chế độ giáo dục khoa cử Nho học cũng để lại cho chúng ta ngày hôm nay một di sản văn hoá vật thể, phi vật thể đồ sộ, trong đó có hệ thống Văn Miếu và các tấm bia Tiến sĩ. Đó là những pho sử liệu chân xác để nghiên cứu về chế độ giáo dục Việt Nam thời quân chủ cùng nhiều truyền thống quý báu của dân tộc.
Khoa cử Việt Nam vốn có truyền thống cả ngàn năm, dưới thời phong kiến được đánh dấu từ năm 1075 với khoa thi Tam trường để kén Minh kinh bác học. Trải qua các triều đại như triều Trần, triều Hồ, triều Lê, triều Mạc, triều Lê Trung Hưng và triều Nguyễn, khoa cử và giáo dục Việt Nam được kế thừa, bổ sung và hoàn thiện. Với 183 khoa thi đại khoa đã tuyển chọn được 2898 nhà khoa bảng bao gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ và Phó bảng.
Thầy đồ dạy học từ ngày xưa |
Bên cạnh việc hoàn thiện nền giáo giục và khoa cử, các cơ sở giáo dục, đào tạo cũng được thiết lập với hai trung tâm lớn là Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội và Phú Xuân - Huế.
Văn Miếu Thăng Long - Hà Nội được xây dựng năm 1070 là nơi thờ Khổng Tử và các bậc Tiên hiền, Tiên nho…
Quốc Tử Giám xây dựng năm 1076 phía sau Văn Miếu là Trường học cao cấp đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây vẫn đang lưu giữ 82 tấm bia Tiến sĩ ghi họ tên, quê quán của 1304 vị Tiến sĩ đỗ đạt trong 81 khoa thi triều Lê và 1 khoa thi triều Mạc từ năm 1442 đến năm 1779.
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết: Khi Phú Xuân - Huế trở thành Kinh đô của Việt Nam, đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn chủ trương xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại Huế vào năm 1808 nằm bên bờ sông Hương, phía Tây Kinh thành Huế. Quốc Tử Giám xây dựng chính thức cạnh Văn Miếu vào năm 1820, là nơi tập trung các học sinh trong nước về Kinh dùi mài kinh sử.
Vào thời Thành Thái, năm 1908, Quốc Tử Giám được dời về khu vực phía đông của Kinh thành như hiện nay.
Triển lãm “Truyền thống khoa cử Việt Nam” đã khái quát nên bức tranh chung về các cơ sở giáo dục - đào tạo trong lịch sử; về khoa cử Việt Nam dưới thời Trung đại.
Qua hơn 50 bức ảnh tư liệu về khoa cử, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội, Phú Xuân - Huế; một số tài liệu tranh khắc như 9 văn bản hành chính Châu bản; đặc biệt là thác bản 82 văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội, 32 thác bản văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu. Phú Xuân - Huế và 2 thác bản văn bia Tiến sĩ võ tại Võ Miếu Huế…đã khái quát nên truyền thống giáo dục - đào tạo của Việt Nam xưa từ năm 1075 -1919 với tên tuổi của gần 3.000 nhà khoa bảng.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, đây là một triển lãm rất có ý nghĩa góp phần tôn vinh việc học, tôn vinh những con người học hành nghiêm túc, có đầy đủ nhân cách. Triển lãm truyền thống khoa bảng của cha ông cần được tổ chức thường xuyên, rộng rãi để thế hệ trẻ học tập, noi gương đồng thời nhận thấy các bậc tiền nhân ngày trước học hành, thi cử rồi đỗ đạt để làm quan là một quá trình phấn đấu học tập nghiêm túc và không biết mệt mỏi.
Minh Ngọc