Triển lãm ảnh Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris

Triển lãm ảnh Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris

(GD&TĐ) - Triển lãm ảnh Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 23/1 đến hết ngày 28/1. Tại đây, lần đầu tiên công chúng được chiêm ngưỡng nhiều tư liệu, hiện vật quý, tái hiện sinh động quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại triển lãm
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại triển lãm

Tham dự sự kiện có Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam tại Hội nghị Paris; Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Nguyễn Phương Nga; Thứ trưởng Bộ VH TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cùng đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế.

Triển lãm nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam,  gồm 140 bức ảnh, 21 lời trích, 23 hiện vật, 3 tài liệu và 8 cuốn sách, trong đó có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày kể từ 40 năm qua như văn bản gốc Hiệp định Paris. Triển lãm góp phần làm sống lại các hình ảnh và sự kiện của những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến tranh, sự phối hợp giữa ba mặt trận đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự giúp đỡ, ủng hộ và cổ vũ của các bạn bè, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới.

Triển lãm đã làm rõ cuộc đấu tranh cam go trên mặt trận ngoại giao kéo dài 4 năm 8 tháng và 16 ngày với hàng trăm cuộc gặp công khai và bí mật. Hiệp định Paris được kí kết ngày 27/1/1972 đã buộc Hoa Kỳ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ VN, rút hết quân Mỹ và đồng minh ra khỏi VN, tạo bước ngoặt mở đường cho thắng lợi mùa xuân 1975 thống nhất đất nước sau này.

Thông qua triển lãm, người xem có thể cảm nhận được toàn cảnh cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường, mưu trí, khôn khéo và đầy bản lĩnh của những nhà ngoại giao cách mạng Việt Nam trên bàn đàm phán, sự kết hợp tài tình giữa ba mặt trận quân sự- chính trị- ngoại giao, sự ủng hộ, cổ vũ, của loài người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình và công lý đối với nhân dân Việt Nam, cả những giây phút khó khăn cũng như những giây phút xúc động, hân hoan trong niềm vui chiến thắng”.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga bày tỏ: “Hội nghị Paris với việc ký kết Hiệp định Paris lập lại hòa bình ở Việt Nam là Hiệp định thể hiện sự đấu tranh kiên cường, bền bỉ, nhưng cũng rất sáng tạo, mưu trí, đầy chất nhân văn của các nhà ngoại giao Việt Nam tại bàn đàm phán, kết hợp với nghệ thuật vừa đánh, vừa đàm. Đồng thời để lại nhiều kinh nghiệm cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thế hệ ngoại giao của Việt Nam hiện nay và sau này”.

Sau đây là một số hình ảnh tại triển lãm:

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại buổi họp báo quốc tế
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại buổi họp báo quốc tế
Cuộc đấu bóng bàn giữa bà Dương Thị Duyên và bà Nguyễn Thị Bình tại Paris
Cuộc đấu bóng bàn giữa bà Dương Thị Duyên và bà Nguyễn Thị Bình tại Paris
Cuốn sổ tập hợp 10.000 chữ ký của nhân dân Cuba ủng hộ nhân dân Việt Nam
Cuốn sổ tập hợp 10.000 chữ ký của nhân dân Cuba ủng hộ nhân dân Việt Nam
Bộ trưởng Xuân Thủy cùng cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ rời cuộc gặp riêng tại địa điểm của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở 11 phố Darthe
Bộ trưởng Xuân Thủy cùng cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ rời cuộc gặp riêng tại địa điểm của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở 11 phố Darthe
Nhân dân Liên Xô mít tinh ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước tại Thủ đô Matxcova ngày 8/2/1965
Nhân dân Liên Xô mít tinh ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước tại Thủ đô Matxcova ngày 8/2/1965
Mít tinh tuần hành đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam tại London, tháng 4/1969
Mít tinh tuần hành đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam tại London, tháng 4/1969
Cuộc đối đầu lịch sử giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger
Cuộc đối đầu lịch sử giữa Lê Đức Thọ và Henry Kissinger
Ngày 27/1/1972, Hiệp định Paris được kí kết
Ngày 27/1/1972, Hiệp định Paris được kí kết

Quỳnh Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ