Mô hình mới áp dụng thành công ở vùng khó
Mô hình Trường học mới là một mô hình thực hiện chuyển đổi từ mô hình giáo dục truyền thụ nội dung sang giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất cho người học, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29.
Mô hình Trường học mới được triển khai tại Lào Cai từ năm học 2011-2012. Qua các năm triển khai, mô hình này đã khẳng định được tính ưu việt, phù hợp và hiệu quả với giáo dục Lào Cai, cả ở các trường vùng thấp và vùng cao để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên Lào Cai mở rộng triển khai mô hình trường học mới ở 95 trường có cấp học THCS. Theo nhận định của Giám đốc Sở Nguyễn Anh Ninh, Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, các nhà trường đã chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện với sự quyết tâm cao, khá quyết liệt và có sự sáng tạo; bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực.
Theo đó, công tác tuyên truyền được chú trọng với trọng tâm là tuyên truyền mục tiêu, ý nghĩa, hiệu quả thực tiễn của mô hình Trường học mới; qua đó tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Triển khai mô hình Trường học mới trở thành một hoạt động chuyên môn có ý nghĩa tích cực thúc đẩy hoạt động đổi mới ở các trường THCS, trọng tâm là đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra - đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất, lấy học sinh làm trung tâm.
Các trường áp dụng mô hình này đã có nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã tâm huyết, tận tụy, sáng tạo, tích cực nghiên cứu, quyết tâm đổi mới, trưởng thành qua thực hiện nhiệm vụ; bước đầu đã có một số cán bộ quản lý, giáo viên thể hiện rõ năng lực, có thành công trong đổi mới rất đáng khích lệ.
Những kết quả bước đầu đạt được trong triển khai mô hình Trường học mới ở cấp THCS của Lào Cai đã được tự tổng kết, đánh giá, đồng thời Bộ GD&ĐT ghi nhận, đánh giá cao, giới thiệu với các địa phương khác; là căn cứ thực tiễn quan trọng để UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai mô hình Trường học mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020.
Tiếp tục triển khai Trường học mới: Tránh mọi biểu hiện hình thức, không đi vào bản chất
Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Anh Ninh, Lào Cai sẽ từng bước mở rộng triển khai mô hình Trường học mới ở các cấp học tiểu học, THCS theo Kế hoạch số 194/KH-UBND; tạo sự đổi mới đồng bộ, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường triển khai mô hình này; xây dựng đội ngũ giáo viên trong đó chú trọng xây dựng cốt cán giỏi qua triển khai mô hình Trường học mới để làm nòng cốt trong thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ sau năm 2018.
Để thực hiện mục tiêu này, nhiệm vụ cùng giải pháp được đặt ra là tăng cường tuyên truyền về mô hình Trường học mới. Theo đó, tập trung tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh mục tiêu, bản chất, tính ưu việt của mô hình, hiệu quả thực tế của mô hình, định hướng những nhận thức chưa đúng, chưa hiểu sâu sắc về mô hình.
Cùng với đó, các phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai mô hình Trường học mới trên địa bàn huyện, thành phố giai đoạn 2016-2020, trước khai giảng năm học 2016-2017. Các trựờng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện mô hình Trường học mới cụ thể, phù hợp, hiệu quả.
Theo chỉ đạo của Giám đốc Sở, cần thống nhất nhận thức trong lãnh đạo, cán bộ chỉ đạo chuyên môn phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường về mô hình Trường học mới, trong đó tập trung vào: Mục tiêu của mô hình Trường học mới; mục đích triển khai mô hình Trường học mới (đặc biệt với khu vực vùng cao); sự phù hợp của mô hình đối với thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.
Quán triệt yêu cầu trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện là nâng cao hiệu quả thực chất, tránh mọi biểu hiện hình thức, không đi vào bản chất; linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện từng đơn vị về học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất; đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của cấp học và phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất học sinh.
Lào Cai đồng thời tăng cường các giải pháp để nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên triển khai mô hình Trường học mới, trong đó chú trọng các giải pháp: Tự bồi dưỡng, bồi dưỡng thường xuyên; sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học cấp trường, cụm trường; phong trào “trường giúp trường, phòng giúp phòng”; xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả của đội ngũ giáo viên cốt cán các cấp; linh hoạt, sáng tạo trong triển khai các hoạt động của mô hình để phù hợp điều kiện thực tiễn địa phương; phát huy ưu điểm của các phương pháp dạy học truyền thống trong triển khai mô hình Trường học mới...
Với hiệu trưởng nhà trường, phải sâu sát, có năng lực chuyên môn, có bản lĩnh, thuyết phục được cán bộ, giáo viên trong nhà trường; tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng, đặc biệt trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Nhận thức của một số cán bộ phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên về bản chất, các nội dùng hoạt động của mô hình Trường học mới chưa đầy đủ, còn hình thức.
Quyết tâm trong chỉ đạo, quản lý và khắc phục khó khăn, vướng mắc của một số phòng GD&ĐT, một số hiệu trưởng chưa cao; còn có tư tưởng ngại khó, chưa linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện. Một số hiệu trưởng chưa thể hiện vai trò “nòng cốt chuyên môn” trong triển khai.
Năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu trong triển khai cá hoạt động đổi mới giáo dục, nhất là trong việc tổ chức hoạt động giáo dục theo mô hình Trường học mới.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học không được các cơ sở giáo dục bổ sung hàng năm, phần lớn đã xuống cấp, nên gặp khó khăn trong triển khai mô hình trường học mới cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục.
Năm học 2015-2016, Nghị định 74 hết hiệu lực, việc triển khai Nghị định 86 còn chậm nên việc chi trả chế độ cho học sinh ở một số nơi rất muộn (có nơi đến cuối năm học mới chi trả).