Triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động

Triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động

(GD&TD)-Đó là chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương – Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tại Công điện gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi triển khai phương án chống lũ theo cấp báo động, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân bảo đảm an toàn về người và tài sản.

Mực nước sông Thạch Hãn đã ở mức báo động 3
Mực nước sông Thạch Hãn đã ở mức báo động 3

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du, chủ động triển khai lực lượng cứu hộ để xử lý sự cố phát sinh đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình. Trước khi xả nước hồ, chủ công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vung hạ lưu biết để chủ động sơ tán, đồng thời báo cáo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp liên quan để chỉ đạo kịp thời.

Tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, đò ngang, đò dọc để hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.

Chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm 4 tại chỗ (lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm...) sẵn sàng đối phó với tình huống bị lũ chia cắt, kéo dài ngày; duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý khi có yêu cầu.

Theo báo nhanh của các địa phương, mưa lũ đã làm 7 người chết và mất tích, trong đó Quảng Bình 3 người, Quảng Trị 3 người và Phú Yên 1 người.

Mưa lũ lên nhanh tại các tỉnh miền Trung trong mấy ngày qua đã làm 7 người chết và mất tích, 4 người bị thương, hàng ngàn ngôi nhà bị ngập chìm trong lũ.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn TƯ, dự báo ngày và đêm nay (17/10), các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất mưa to và dông khiến lũ trên sông Hương và sông Vu Gia-Thu Bồn tiếp tục lên.

Trưa 17/10, lũ sông Hương sẽ đạt đỉnh là 2,8m, dưới báo động 3: 0,7m; sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 8,5m, trên báo động 2: 0,5m, hạ lưu sông Thu Bồn lên mức báo động 1, sau đó còn tiếp tục lên. Người dân cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.

Hiện nay, lũ trên các sông thuộc tỉnh Quảng Nam, sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế và hạ lưu sông Kiến Giang, tỉnh Quảng Bình đang lên, các sông thuộc Quảng Trị và sông Gianh, tỉnh Quảng Bình đã đạt đỉnh và đang xuống chậm.

Mưa lũ đã làm 23.500 ngôi nhà bị ngập lụt. Quốc lộ 1 A, đường Hồ Chí Minh và nhiều tuyến tỉnh lộ qua địa bàn các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngập cục bộ nhiều đoạn. Có nơi sâu hơn 1m gây ách tắc giao thông.

Trên Quốc lộ 1A qua tỉnh Quảng Trị, từ cầu Lai Phước đến Bắc cầu Ái Tử bị ngập sâu hơn nửa mét, hàng ngàn xe cộ bị ách tắc. 

Tại khu vực Trung Trung Bộ: Đợt mưa lũ từ 13-16/10 khiến 2 người chết (tỉnh Quảng Bình 1; tỉnh Quảng Trị 1); 4 người bị thương (tỉnh Quảng Bình); ngập 23.572 căn nhà; ngập 390 ha nuôi trồng thủy sản, 635 ha hoa mầu; 6.361 hộ phải di dời.

Tại đồng bằng sông Cửu Long: Theo tổng hợp số liệu thiệt hại tính đến ngày 16/10, 46 người chết, tăng 2 người; 80.686 căn nhà bị ngập (tăng 2.401 nhà); 21.451 ha lúa bị ngập úng(tăng 829 ha); 1.455,7 km đê bao, bờ bao bị sạt lở; 1.294 km đường giao thông nông thôn bị ngập (tăng 36km).

Ngày 3 tháng 10 năm 2011, UBND tỉnh Đồng tháp ra công văn số 233/UBND-VX về việc quyết định cho học sinh nghỉ lũ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
 
Theo tinh thần công văn thì UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục và các địa phương phải căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình mà quyết định cho học sinh nghỉ học.

Theo đó các huyện như: Thị xã Hồng Ngự, Huyện Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh quyết định cho học sinh nghỉ học đến ngày 22 tháng 10 năm 2011 sẽ đi học trở lại.

Khánh Duy

Phương Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ