(GD&TĐ)-Hàng loạt những vấn đề giáo dục quan trọng đã được đề cập tới tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ GD&ĐT về kết quả học kỳ I năm học 2010-2011 và kế hoạch công tác năm 2011 vào sáng nay (16/2). Đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, các thứ trưởng: Nguyễn Vinh Hiển, Nguyễn Thị Nghĩa, Trần Quang Quý, Bùi Văn Ga cùng đại diện Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành có liên quan tham gia buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cùng đại diện các bộ ngành liên quan, Văn phòng Chính phủ và các vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT tại buổi làm việc quan trọng. Ảnh: gdtd.vn |
Cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ học kỳ 1 năm học 2010-2011
Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ học kỳ I và phương hướng nhiệm vụ học kỳ II năm học 2010-2011, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, ngành GD&ĐT đã có nhiều nỗ lực cố gắng phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những khó khăn thực hiện chủ đề “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Học kỳ 1 năm học 2010-2011, hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo tiếp tục được mở rộng với tổng số 28.559 trường phổ thông (tăng 121 trường), 504.231 lớp (tăng 19.524 lớp). Tổng số học sinh là 14.856.933 (giảm 143.519 em, chủ yếu giảm ở cấp THCS); tổng số giáo viên trực tiếp dạy là 820.843 (tăng 15.331).
Giáo dục ĐH tiếp tục mở rộng với tổng số 227 trường CĐ (tăng 4 trường) và 149 trường ĐH (tăng 3 trường). Giáo dục TCCN cũng tăng về quy mô với 282 trường (tăng 9 trường) và 685.163 học sinh (tăng 59.393 em).
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2010 đã diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế, được xã hội hoan nghênh và đánh giá cao. Tuyển sinh ĐH đạt 91,5% (thực hiện 272.262/297.390 chỉ tiêu); CĐ đạt 93,1% (thực hiện 214.537/230.435 chỉ tiêu). Năm 2010, đào tạo trình độ thạc sĩ đạt 92,9% (32.146/34.861), tiến sĩ đạt 74,78% (2.269/3.034).
Tỷ lệ học sinh bỏ học nhìn chung giảm so với cùng kỳ năm học trước, việc giúp đỡ học sinh yếu kém được quan tâm hơn nhờ sự nỗ lực của các nhà trường, các thầy cô giáo, đặc biệt sự quan tâm phối hợp của các tổ chức, đoàn thể, của cha mẹ học sinh.
Đội ngũ nhà giáo được bố trí sắp xếp ổn định ngay từ đầu năm học, tăng tỷ lệ đạt chuẩn trình độ đào tạo ở các cấp học. Các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện đánh giá, xếp loại hiệu trưởng, giáo viên theo chuẩn quy định. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở các cơ sở giáo dục đều đạt cao.
Vấn đề đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở các cấp học tiếp tục được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được tập trung chỉ đạo; giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng cho học sinh, sinh viên tiếp tục được chú trọng. Bộ đã hoàn thành việc biên soạn bộ tài liệu Hướng dẫn tích hợp nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vào giảng dạy trong một số môn học chính khoá và các hoạt động ngoại khoá ở các cấp học...
Đề án ngoại ngữ giai đoạn 2010-2020 được triển khai thông qua nhiều hoạt động cụ thể như: xây dựng chương trình Tiếng Anh tiểu học mới; biên soạn sách giáo khoa, cung ứng thiết bị dạy học lớp 3, tập huấn cho gần 5.000 lượt giáo viên cốt cán tiếng Anh trên phạm vi cả nước. Đã có 92 trường trên 18 tỉnh dạy học tiếng Anh lớp 3 theo chương trình mới. Đang biên soạn chương trình mới về đào tạo giáo viên tiếng Anh bậc Tiểu học, THCS, THPT.
Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020; chỉ đạo tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm 2011 an toàn, nghiêm túc.
Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá được tăng cường. Các Sở GD&ĐT đã triển khai kế hoạch tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, khắc phục tình trạng dạy học theo lối “đọc – chép”. Hầu hết các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo chọn 2-3 trường THPT, mỗi phòng GD&ĐT chọn 2-3 trường THCS xây dựng điển hình về Mô hình nhà trường đổi mới PPDH, đổi mới kiểm tra đánh giá...
Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo cung ứng đầy đủ sách giáo khoa phục vụ năm học 2010-2011 về các địa phương, đáp ứng đầy đủ nhu cầu, không để thiếu sách, sốt sách; vận động sử dụng, quyên góp, mua - bán sách giáo khoa cũ, tặng sách giáo khoa mới cho con thương binh, liệt sĩ; cho con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Học kỳ I năm học này, tình hình bão lụt xảy ra trên diện rộng (đặc biệt đối với các tỉnh Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ) đã gây hậu quả nghiêm trọng đến hạ tầng cơ sở, thiết bị trường học, đời sống, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, các Sở GD&ĐT vùng lũ lụt đã chủ động chỉ đạo các cơ sở giáo dục bố trí cho học sinh nghỉ học để tránh bão lụt, có nhiều giải pháp khắc phục thiên tai và nhanh chóng ổn định các hoạt động dạy và học. Lãnh đạo Bộ đã kịp thời đến các tỉnh lũ lụt kiểm tra và chỉ đạo toàn ngành tổ chức cuộc vận động quyên góp, cứu trợ các tỉnh vùng lũ lụt...
Về giáo dục ĐH, đến nay có 215 trường ĐH, CĐ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của ngành đào tạo (tỷ lệ 52,82%); 246 trường (tỷ lệ 60,45%) công bố cam kết chất lượng đào tạo; có 303 trường (đạt tỷ lệ 74,5%) tổ chức xây dựng, rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Hiện có 23 trường ĐH thí điểm đào tạo 35 chương trình tiên tiến. Từ tháng 9/2010 đến nay, Bộ trưởng ký ban hành 32 chương trình khung trình độ ĐH, CĐ; triển khai đại trà việc giảng dạy các môn lý luận chính trị theo kết cấu, nội dung mới; đã thu được 270 giáo trình để đưa lên thư viện giáo trình điện tử. Tính đến ngày 11/2/2011 đã có 1.158 giáo trình điện tử đưa lên website...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết một số những hạn chế còn tồn tại. Đó là, việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp ở một số địa phương còn hạn chế. Cơ sở vật chất, phòng học thiếu. Chất lượng chăm sóc giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền. Đào tạo ĐH, CĐ hệ không chính quy của nhiều trường còn mất cân đối về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và hình thức đào tạo; hoạt động liên kết đào tạo có nơi chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đội ngũ giáo viên ở một số địa phương còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, đời sống giáo viên ngoài biên chế còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng học sinh đánh nhau còn xảy ra ở một số địa phương; còn hiện tượng vi phạm qui định về nhà giáo; tình trạng khiếu nại vượt cấp; giáo viên phản ánh không đúng tình hình và kết quả hoạt động giáo dục với báo chí, gây nhiễu thông tin. Tình trạng ép buộc học sinh học thêm dưới danh nghĩa tự nguyện ở một vài nơi vẫn chưa được khắc phục...
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: gdtd.vn |
Những nhiệm vụ GD sẽ được triển khai với cách làm mới
Đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục đạt được trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần làm rõ thêm một số vấn đề trọng tâm như việc triển khai chính sách học phí mới; đổi mới quản lý giáo dục ĐH; chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; đề án đổi mới giảng dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; đề án kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; vấn đề phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục; dự kiến xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới; vấn đề dạy thêm, học thêm, thu tiền thêm trong nhà trường...
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng đại diện các vụ, cục Bộ GD&ĐT đã báo cáo những vấn đề được Phó Thủ tướng, đặt ra, đồng thời trình bày những khó khăn, đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn các công việc trong thời gian tới.
Bà Lê Minh Hà – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cho biết, mặc dù đã tích cực triển khai, xong đến nay, mới chỉ có 35 tỉnh, thành đã phê duyệt đề án phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi. 11 tỉnh đã đăng ký phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2012, hầu hết tập trung vào các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Việc triển khai đề án cũng gặp một số khó khăn do một số địa phương xây dựng nguồn vốn chưa đúng; thiếu giáo viên, việc tổ chức ăn bán trú cũng gặp không ít khó khăn...
Bà Hà đề nghị, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc dạy tiếng Việt cho trẻ dân tộc; công tác phổ biến tập huấn nghiệp vụ và đặc biệt là vấn đề chính sách. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non như hiện nay, bà Hà cũng đề nghị thêm chức danh “bảo mẫu” trong trường mầm non...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ băn khoăn vì đội ngũ nhà giáo vùng miền núi, dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập; đồng thời nhấn mạnh đến 2 khó khăn lớn nhất trong việc triển khai thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đó là điều kiện cơ sở vật chất và chế độ chính sách cho giáo viên mầm non. Theo Thứ trưởng Nghĩa, hiện, trường lớp cấp học mầm non mới chỉ có trên 40% là kiên cố; phần lớn giáo viên mầm non là ngoài biên chế nên đời sống còn rất khó khăn.
Về vấn đề triển khai cơ chế tài chính mới, ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, Bộ đã ban hành 5 văn bản để triển khai cơ chế Tài chính mới, riêng về phụ cấp thâm niên đang trong giai đoạn hoàn thành. Riêng cơ chế học phí mới, đến nay, đã có 41/63 tỉnh thành phê duyệt đề án học phí mới. Tất cả các trường ĐH công lập, các trường trung cấp thuộc hệ thống theo dõi của Bộ GD&ĐT cũng đã thực hiện đề án học phí mới. Phần học phí tăng, các trường dùng vào việc cải cách tiền lương, cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện học tập... Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, nên có quy định cứng về tỷ lệ đầu tư cho cơ sở vật chất với phần tăng học phí, vì nếu không, có trường sẽ dành khoản kinh phí này để đầu tư hết cho con người.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu việc đổi mới công tác thi cử phải đồng bộ với cả quá trình dạy và học, phải gắn với việc đổi mới phương pháp dạy học. Hình thức tổ chức các kỳ thi cơ bản vẫn ổn định như trước. Riêng vấn đề dạy thêm, học thêm, thứ trưởng Hiển khẳng định sẽ tích cực làm nhưng chưa dám chắc thời gian chấm dứt được tình trạng này. Việc thu thêm, quan điểm của thứ trưởng Hiển là vẫn phải làm vì đó không chỉ là nhu cầu của nhà trường mà còn là nhu cầu của cả người dân, có điều việc thu phải trên nguyên tắc tự nguyện...
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đề nghị, Chính phủ cần có chính sách đầu tư để tăng nhanh số lượng trường, quy mô học sinh học nghề và TCCN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tăng nguồn đầu tư ngân sách nhà nước và huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho giáo dục và đào tạo, đồng thời tăng cường vai trò, vị trí, trách nhiệm của địa phương với giáo dục. Tiếp tục tích cực chỉ đạo để các Bộ, Ngành hữu quan phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc banh hành các văn bản quy phạm pháp luật...
Tiếp thu ý kiến của các bộ ngành cũng như các cục, vụ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sau buổi làm việc này sẽ hoàn thiện các kế hoạch của học kỳ, năm học. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh những vấn đề, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới liên quan đến việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; vấn đề nhân sự, công tác cán bộ, đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên...; vấn đề quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch mạng lưới và quy hoạch cán bộ. Những đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng yêu cầu cần phải trở thành công việc trọng tâm được triển khai thường xuyên...
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, xung quanh vấn đề kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ, mục tiêu đến giữa năm 2011 phải xử lý được 80% khối lượng được giao; sớm triển khai chương trình trường chuyên.
Với các trường ĐH, CĐ, chậm nhất đến tháng 8/2011, phải công bố được chuẩn đầu ra, cam kết chất lượng và xây dựng kế hoạch chiến lược của trường. Những trường chưa làm tốt, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT nên có giao ban riêng để những trường này đăng ký tiến độ cụ thể.
Về đề án dạy học ngoại ngữ, Phó Thủ tướng cho rằng, nên chọn cách làm như thế nào để khai thác được cơ chế sẵn có, đặc biệt quân tâm đến việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho cấp tiểu học. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ là vấn đề cấp bách, cần khẩn trương thực hiện. Riêng vấn đề dạy thêm, học thêm, thu tiền thêm, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý trên quan điểm, chủ trương không cấm nhưng phải dựa trên việc đáp ứng nhu cầu người học, đồng thời khẳng định, đã đến lúc phải nói không với dạy thêm mang tính cưỡng bức...
Hiếu Nguyễn