Trị trẻ lười học: Đừng nhắc con làm bài tập về nhà mỗi ngày

GD&TĐ - Tuyệt nhiên không nhắc con học, càng không phải kè kè cùng giải bài tập… ấy mới là việc rèn trẻ tự giác học. Đây là cách chuyên gia giáo dục bật mí bí quyết trị trẻ lười học.

Trị trẻ lười học: Đừng nhắc con làm bài tập về nhà mỗi ngày

Bốc hỏa mỗi khi sờ đến sách vở của con

Mỗi khi nhắc đến cô con gái đầu đang học lớp 5, Chị Nga (Cầu Diễn, Hà Nội) không nén nổi nỗi thất vọng. Chị than vãn, không biết cháu giống ai mà lười toàn tập. Từ việc tự vệ sinh cá nhân cho đến học. 

Trị trẻ lười học: Đừng nhắc con làm bài tập về nhà mỗi ngày - ảnh 1

Nhiều trẻ tìm đủ mọi cách để " trốn" học

“Mỗi lần sờ vào sách vở của con tôi chỉ muốn bốc hỏa. Ngay từ hồi lớp 1, mỗi khi bắt cháu ngồi vào bàn học nó đã tìm đủ cách để trốn học. Mà nào có bắt ngồi nhiều đâu, chỉ hơn 1 tiếng thì một lúc cháu lượn xuống bếp xin uống nước vì khát, một chốc lại ra khỏi bàn để đi tìm quyển sách, thậm chí lấy cả lý do… buồn tè để chui vào toilet ngồi nghịch nước” – chị Nga kể lại.

Những tưởng do con đang quen với tác phong hồi mẫu giáo nên chị Nga cũng không uốn nắn gì nhiều. Chỉ đến khi lên lớp 4, nhà trường bắt đầu áp dụng hình thức sổ liên lạc điện tử chị mới nắm được việc học ở trường của con. Một tuần 5 buổi đến trường thì 2 buổi cô nhắn tin con nói chuyện riêng và không làm bài tập.

Theo chị Nga, con bé càng lớn càng khó bảo, nghĩ ra đủ cách để đối phó: "Nếu mẹ hỏi học bài chưa thì bao giờ cũng nhận được câu trả lời là “con làm rồi” hoặc “không có bài” thế nhưng kiểm tra cặp sách thì thể nào cũng còn. Truy con thì cháu lại bao biện “bài này con quên”. Điên lắm, mà không biết làm cách nào".

Chị Nga hết sức lo lắng, với tình trạng lười học như thế này không hiểu con bé lên cấp 2 có theo được các bạn hay không?

Trao đổi về điều này, TSVũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, học với trẻ rõ ràng không có nhiều thú vị cho lắm. Bởi đây là yêu cầu buộc trẻ phải hoàn tất các công việc ở trên lớp được giao. Việc học này không phải là tìm kiếm kiến thức trong cuộc sống một cách tự do thoải mái. Rõ ràng dù bố mẹ có bắt buộc hay không thì học vẫn mang tính gò ép cực cao vì đó là nhiệm vụ do giáo viên giao cho.

“Chưa kể khi lên cấp 2, quá nhiều môn học và việc ham thích mỗi môn học sẽ tùy thuộc vào khẩu vị của từng học sinh. Có bé thích toán, có bé ham lý hóa. Vì thế, hãy theo sát con để tìm hiểu khẩu vị của chúng. Tuy nhiên, khẩu vị có thay đổi theo từng cấp học” – TS Hương nhấn mạnh.

Hãy bắt đầu ngay khi con vào lớp 1

Vậy làm thế nào để trị trẻ lười học, TS Hương cho rằng, thao tác này nên được tiến hành từ lớp 1. Và việc cha mẹ cần làm đầu tiên là không nhắc con học. Điều này dường như trái ngược hoàn toàn với cách dạy con của đại đa số bố mẹ hiện nay nhưng theo TS Hương thì rất có tác dụng.

“Nhiều cha mẹ sẽ thốt lên là tại sao lại không nhắc, không nhắc trẻ sẽ không học. Tôi biết điều này đúng, nhưng bố mẹ cần để trẻ nhận ra việc học là việc của con, không phải của ta, nếu nhắc thì sau này nó cứ chờ ta nhắc rồi nó mới học. Và do đó, nó sẽ nghĩ việc học là việc của bố mẹ (thì mới sốt sắng đến thế chứ). 

Giống như trường hợp một người cháu họ của tôi khi bố mẹ không cho sử dụng điện thoại nó đã quắc mắt lên quát: Nếu vậy thì con không học nữa. (Ý chừng, bố mẹ có muốn con học thì đưa điện thoại đây. Con đã học cho bố mẹ vui còn gì???)”-  TS Hương nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS Hương cũng cho rằng, bố mẹ không cần giảng bài cho con. Nguyên nhân là hầu hết cách giảng bài của bố mẹ khác với cô giáo, điều này khiến con vô cùng hoang mang  không biết đâu là đúng. Vì thế, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ đến gặp cô để hỏi. Đừng lo lắng quá mức nếu con không hiểu 1 chỗ nào đó mà vẫn bỏ qua. Bởi vì giáo dục Việt Nam theo vòng xoáy trôn ốc, bài học đó sẽ quay lại vào lúc nào đó và bổ sung kịp thời cho con.

Mặc dù không nhắc con học nhưng TS Hương lại bày cách cho các phụ huynh là luôn phải kết hợp chặt chẽ với cô giáo để tố cáo những vụ quên làm bài tập. Rõ ràng, khi không bị nhắc học, trẻ sẽ quên luôn. Và người có đủ tư cách nhắc học mà trẻ vẫn hiểu việc học chính là cô giáo. 

Khi cô giáo phạt vì tội không hoàn thành bài tập được giao, đứa trẻ hiểu việc học là của con chứ không phải của ai khác. Người đánh giá con là cô giáo đã nói không hoàn thành nghĩa là sai. Vì thế, hãy để cô giáo làm nhiệm vụ của mình.

TS Hương cũng cho biết, khi con được cô giáo thông báo không hoàn thành nhiệm vụ các bậc phụ huynh hãy phạt thật nặng. Nghĩa là khi con bị mách rồi, bố mẹ hãy phạt, đừng phạt ngay khi con có biểu hiện lười. Khi con thấy cả bố mẹ lẫn cô giáo đều không đồng tình với hành vi lười biếng của con, chắc chắn con sẽ sửa chữa.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia giáo dục thì bố mẹ nên phạt con nhưng cũng không nên thù vặt bằng cách đay đi đay lại những tội lỗi của con. Bởi xét dưới góc độ tâm lý ngay cả người lớn cũng không thích bị người khác nhắc đi nhắc lại lỗi lầm của mình vì thế đừng áp điều này lên con trẻ.

Thay vì hành động chì chiết, cha mẹ hãy khen ngay khi cô thông báo con nhận được điểm tốt. Lời khen đúng lúc, đúng chỗ chỗ bao giờ cũng có tác dụng vô cùng lớn, làm động lực cho “người ta” phấn đấu hơn nữa. 

“Tuy nhiên các bậc phụ huynh tuyệt đối không thưởng khi trẻ học tốt. Bởi việc thưởng ấy vô tình tạo cho trẻ suy nghĩ, học để được thưởng. Bố mẹ nên để con hiểu, việc học là việc của con. Là việc của bản thân, chúng sẽ cảm thấy thoải mái và có trách nhiệm hơn là của người khác” – TS Hương phân tích.

Theo Infonet.vn

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.