Trí thông minh đa dạng trong giảng dạy Tiếng Anh

GD&TĐ - Theo giảng viên Huỳnh Văn Sơn (Trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), lý thuyết trí thông minh đa dạng đã có một số tác động đối với giáo viên về cách giảng dạy trong lớp học.

Trí thông minh đa dạng trong giảng dạy Tiếng Anh

Lý thuyết trí thông minh đa dạng yêu cầu người giáo viên nhận ra và chuẩn bị tâm lý cũng như năng lực để dạy học cho các đối tượng học sinh với những kỹ năng, tài năng và tiềm năng khác nhau.

Thay vì chỉ sử dụng một phương pháp giảng dạy, một chương trình học theo quy định, lý thuyết trí thông minh đa dạng cho phép người giáo viên sử dụng những hiểu biết về các loại hình trí thông minh khác nhau như một hướng dẫn, để đề ra mục tiêu, nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm phát triển thế mạnh sẵn có ở học sinh, đồng thời giúp các em khám phá những kiến thức và kỹ năng mới.

Ứng dụng lý thuyết trí thông minh đa dạng vào giảng dạy tiếng Anh

Trong lĩnh lực giảng dạy ngôn ngữ nói chung và giảng dạy tiếng Anh nói riêng, có bốn kỹ năng cơ bản được quan tâm rèn luyện là: Nghe, nói, đọc, viết. Trong thực tế, người học sẽ sử dụng bốn kỹ năng này khi giao tiếp bằng miệng hoặc bằng văn bảng.

Để tìm hiểu vai trò của lý thuyết trí thông minh đa dạng trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh, theo giảng viên Huỳnh Văn Sơn, các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu, trong đó, đáng chú ý là thành tựu của hai tác giả Christison và Kennedy (1999).

Hai tác giả đã xác định được bốn cách thức để ứng dụng lý thuyết trí thông minh đa dạng vào việc giảng dạy tiếng Anh:

Xem lý thuyết trí thông minh đa dạng là một công cụ để giúp học sinh hiểu và trân trọng những điểm mạnh cũng như cách học tiếng của các em.

Xem lý thuyết trí thông minh đa dạng là một công cụ để phát hiện các loại hình trí thông minh của học sinh.

Dựa vào lý thuyết trí thông minh đa dạng để đưa ra các phương pháp học tập khác nhau cho học sinh lựa chọn để học và chứng minh khả năng của mình.

Dựa vào lý thuyết trí thông minh đa dạng để xây dựng kế hoạch bài học phù hợp với đặc điểm của mỗi học sinh.

Như vậy, dựa vào kết nghiên cứu trên của Christison và Kennedy, giáo viên tiếng Anh có thể:

Xác định các hoạt động thường xuyên được sử dụng trong các lớp học và phân loại chúng theo các loại trí thông minh.

Lập kế hoạch giảng dạy bằng cách lựa chọn các hoạt động, nhiệm vụ thích hợp với nội dung bài giảng, đồng thời giúp học sinh sử dụng và phát triển chín các loại hình trí thông minh khác nhau.

Lập danh sách các loại hình trí tuệ được sử dụng trong việc giảng dạy tiếng Anh hàng tuần, hàng tháng để kiểm tra những hoạt động, nhiệm vụ được tiến hành trong lớp.

Mở rộng các hoạt động trong lớp học để phát triển những loại hình trí tuệ thường bị bỏ quên bằng cách kiểm tra, phân tích các danh sách được đề cập ở trên.

Một số kỹ thuật áp dụng lý thuyết trí thông minh đa dạng giảng dạy tiếng Anh

Ngoài ra, giảng viên Huỳnh Văn Sơn cũng cho biết, các nghiên cứu khác được tiến hành trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh cũng đã giới thiệu một số kỹ thuật áp dụng lý thuyết trí thông minh đa dạng vào việc giảng dạy tiếng Anh trong lớp học như sau:

Từ ngữ là không đủ: Các hoạt động dạy học nên bao gồm các chuyện động và liên quan đến các giác quan, màu sắc và âm thanh

Chơi với tiếng Anh: Hãy để học sinh tự nói chuyện với mình bằng tiếng Anh; xây dựng các hoạt động để các em được chơi với tiếng Anh trong lớp học bằng việc làm thơ, kể chuyện, ca hát…

Hợp tác không cạnh tranh: Các hệ tư tưởng của lý thuyết trí thông minh đa dạng dựa trên sự "hợp tác", không cạnh tranh. Vì vậy, tránh đề ra giải thưởng trong các lớp học mà nên nhường chỗ cho sự chia sẻ kinh nghiệm.

Sử dụng sách truyện: Sách truyện đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng cho học sinh. Ban đầu, giáo viên có thể chia sẻ những cuốn sách dễ hiểu và tăng dần độ khó để thúc đẩy sự học hỏi của các em.

Vẽ và tô màu: Giáo viên có thể cho học sinh có thể vẽ lại các nhân vật, vẽ khung cảnh nơi câu chuyện diễn ra, vẽ minh họa bìa truyện.

Thủ công mỹ nghệ: Các hoạt động thủ công cực kỳ hữu ích cho học sinh, qua đó các em có thể phát triển các kỹ năng nghe và đọc khi theo các hướng dẫn bằng văn bản hoặc bằng miệng. Ngoài ra, kỹ năng nói cũng được rèn luyện khi các em chia sẻ về các sản phẩm đó.

Bài hát và giai điệu: Giáo viên có thể giúp học sinh ôn lại những kiến thức cũ về từ vựng, ngữ pháp thông qua bài hát bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, việc học tiếng Anh qua bài hát cũng giúp nâng cao niềm hứng thú học tập bộ môn này của các em.

Hoạt động từ vựng: Học sinh có thể tạo ra "từ điểm hình ảnh" của mình, dựa trên những từ vựng các em đã được học. Các em có thể tham gia các trò chơi đoán từ thông qua hình ảnh hoặc lời nói

Kịch: Giáo viên có thể tạo điều kiện để học sinh có thể diễn lại các câu chuyện mà các em biết, sáng tác kết thúc khác nhau cho các câu chuyện…

Trò chơi: Học sinh có thể muốn tham gia những trò chơi mang tính chất vui vẻ. Tuy nhiên, giáo viên cần phải đảm bảo các hoạt động thực hiện trong lớp học vừa vui và vừa mang tính chất giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ