Mụn là bệnh do nang lông - tuyến bã ở da hoạt động thái quá làm tiết nhiều bã nhờn trong khi miệng nang lông lại bị bịt kín do tăng sừng hoá. Chất bã nhờn bị ứ đọng lại ở lỗ chân lông tạo thành nhân mụn.
Khi nhân mụn hình thành, thường có sự phát triển, tăng sinh một loại vi khuẩn có tên Propionibacterium acnes ở lỗ chân lông gây nên tình trạng viêm đỏ của mụn mủ. Đối với thanh niên, thiếu nữ ở tuổi dậy thì, nổi mụn ở mặt có thể xem là chuyện bình thường.
Khi đến tuổi dậy thì, cơ quan sinh dục phát triển bài tiết các hormon nội tiết tố làm tuyến bã ở da mặt hoạt động quá mức đưa đến nổi mụn. Hormon góp phần gây nổi mụn chính là androgen (tức hormon sinh dục nam nhưng trong cơ thể người nữ vẫn có androgen).
Thuốc trị mụn có hai loại:
Thuốc điều trị tại chỗ: thường là thuốc bôi, có loại chỉ chứa một hoạt chất và có tác động chuyên biệt như thuốc bôi chứa lưu huỳnh, thuốc bôi chứa benzoyl peroxyd (ôxy 10), thuốc bôi chứa kháng sinh là erythromycin, clindamycin, thuốc bôi chứa retinoid...
Thuốc điều trị toàn thân: gồm các loại thuốc uống và do bác sĩ chuyên khoa chỉ định và thường phải dùng kéo dài (trong nhiều tháng). Thuốc có thể gây tác dụng phụ và chỉ dùng khi bị mụn loại nặng. Bao gồm:
- Kháng sinh loại uống như tetracyclin, minocyclin clindamycin, erythromycin...
- Isotretinoin là dẫn chất vitamin A acid, được dùng khi bị mụn trứng cá rất nặng. Thuốc có thể gây quái thai ở phụ nữ có thai.
- Nội tiết tố sinh dục nữ: chỉ dùng cho phụ nữ trưởng thành (dưới 16 tuổi không được dùng) khi có sự tăng tiết bã nhờn quá nhiều và các cách điều trị khác không đem lại kết quả.
Như vậy trong điều trị có khi phải dùng đến thuốc nội tiết và chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy có trường hợp bác sĩ chỉ định dùng thuốc ngừa thai trị mụn cho nữ giới mặc dù bệnh nhân còn rất trẻ và chưa lập gia đình. Vì thuốc ngừa thai chính là thuốc nội tiết.
Khi bị mụn, đặc biệt là bị các loại mụn trứng cá nặng phải đi đến bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh và điều trị đúng cách.