Trị bệnh phải tìm đúng căn nguyên

Trị bệnh phải tìm đúng căn nguyên

Mới đây, PGS.TS Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Y Dược Huế cho chúng tôi xem bức thư của một cụ bà 83 tuổi ngụ tại số 39 - Nguyễn Trãi - thị trấn ĐRan huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng xin được hướng dẫn thủ tục hiến xác, trong thư có đoạn: “Tôi thương các cháu sinh viên không có đủ tư liệu để học tập, vậy tôi xin gửi thư này đến nhà trường, xin ý kiến trường cho tôi biết khi tôi còn sống tôi phải làm thủ tục như thế nào gửi đến nhà trường, để khi tôi chết, tôi được hiến xác cho các cháu sinh viên học tập; các con tôi sẵn sàng bằng lòng vì việc làm của tôi là đúng”.

Câu chuyện trên đây là một trong muôn vàn câu chuyện cảm động về sức thuyết phục của thành tựu nghiên cứu khoa học với đời sống con người mà điểm xuất phát của nó là từ các trường đại học!

Phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, trung thực thực trạng của công tác NCKH như vậy mới có thể tìm ra những liều thuốc hữu hiệu để trị tận gốc “căn nguyên của bệnh”, nghĩa là tìm giải pháp tích cực để NCKH phát huy đúng ý nghĩa
Phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, trung thực thực trạng của công tác NCKH như vậy mới có thể tìm giải pháp tích cực để NCKH phát huy đúng ý nghĩa

Vấn đề nghiên cứu khoa học (NCKH) không phải là mới nhưng hiện tại lại đang trở thành vấn đề “ nóng” được đề cập nhiều ở bậc đại học. Đó không chỉ xuất phát từ nhu cầu bức thiết của yêu cầu phát triển đất nước, của đổi mới và hội nhập mà còn là từ sự cần thiết phải thay đổi thực trạng buông lỏng quản lý ở một số trường những năm qua.

Khách quan mà nói, sự đầu tư vốn của Nhà nước cho NCKH ở Đại học không phải là nhỏ; các trường đại học được trang bị khá nhiều phòng thí nghiệm, thiết bị NCKH hiện đại, đồng bộ; NCKH ở các trường đại học đã đạt những thành tích đáng kể, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước. Các thành tích ấy đã được công bố tại các Hội nghị khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên công tác NCKH ở các trường đại học cũng còn bộc lộ không ít những bất cập: Chế độ đãi ngộ đối với người làm NCKH chưa thỏa đáng, dẫn đến tình trạng các nhà khoa học phải tham gia công tác quản lý mới có địa vị xã hội, mới có thu nhập; một thực tế, người có học hàm, học vị càng cao thì đảm nhận cương vị quản lý càng lớn, mất đi nhiều khoảng thời gian và sức lực cho NCKH. Hiện tượng quá tải trong các trường đại học, tỉ lệ SV/ giáo viên còn quá cao, dẫn đến giáo viên dạy nhiều giờ, giáo viên “chạy sô” thỉnh giảng không tập trung cho NCKH.

Tác động của kinh tế thị trường cũng làm cho một bộ phận giáo viên và phần lớn sinh viên không mấy mặn mà với công tác NCKH. Chế độ “xin cho” trong quản lý nguồn kinh phí cho NCKH vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Chi phí dàn trải cho nhiều người, nhiều đề tài, dẫn đến không đề tài nào đủ tiền để thực hiện đến nơi, đến chốn. Đã có tình trạng, một số đề tài có kết quả nghiên cứu không tốt vẫn được thanh quyết toán, hoặc thanh quyết toán với số tiền lớn hơn nhiều so với khối lượng công việc đề tài thực hiện.

Từ quan niệm về NCKH sai lệch, cộng với quản lý yếu kém như đã nói trên đã nảy sinh hiện tượng ở một vài trường chia kinh phí NCKH cho người có thu nhập thấp, mặc nhiên coi đó như một sự “đãi ngộ”; lại có cán bộ làm Quản lý khoa học luôn dành nhiều đề tài NCKH cho mình, đề tài này chưa làm xong đã nhận đề tài khác…

Hội đồng xét duyệt, Hội đồng nghiệm thu, đánh giá đề tài của nhà trường cũng có những vấn đề đáng bàn, chẳng hạn như ở một số trường cơ cấu Hội đồng theo kiểu “chức sắc” chứ không hẳn tất cả là những nhà chuyên môn, những người có trình độ và kinh nghiệm NCKH.

Phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, trung thực thực trạng của công tác NCKH như vậy mới có thể tìm ra những liều thuốc hữu hiệu để trị tận gốc “căn nguyên của bệnh”, nghĩa là tìm giải pháp tích cực để NCKH phát huy đúng ý nghĩa, tác dụng, không những thế, trở thành khâu đột phá về chất lượng.

Đặc biệt là ở thời điểm năm 2010 được ngành GD-ĐT xác định là năm mở đầu thực hiện đổi mới về “chất” quản lý giáo dục đại học, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012. 

Thúy Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ