(GD&TĐ) - Ngày 29/9, Dự án Phát triển giáo viên THPT (Bộ GD&ĐT) và Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá tác động bền vững của Chương trình cấp học bổng hỗ trợ sinh viên người dân tộc thiểu số.
Hội thảo đánh giá Chương trình cấp học bổng hỗ trợ sinh viên người dân tộc thiểu số |
Trong lời phát biểu đề dẫn, PGS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng nhà trường - đã nêu bật mục tiêu cốt lõi của hoạt động này: Có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm thực hiên chủ trương của Đảng và Nhà nước là đảm bảo tính công bằng trong giáo dục, tạo cơ hội phát triển giáo dục cho tất cả mọi người; phát triển giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Các nhà trường có sinh viên hưởng lợi, ngoài tình cảm trách nhiệm của chúng ta với sinh viên dân tộc thiểu số, chúng ta (mỗi nhà trường) còn có những nhiệm vụ chính trị được giao là đào tạo, bồi dưỡng đối tượng này để tạo nguồn nhân lực, phát triển kinh tế xã hội ở vùng miền đặc biệt khó khăn của đất nước.
Hội thảo đã nghe “Báo cáo tổng quan đánh giá kết quả và tính bền vững của Dự án hỗ trợ học bổng cho sinh viên DTTS có cơ hội trở thành giáo viên THPT&TCCN và giải pháp duy trì tính bền vững của Dự án” của trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên).
Theo đánh giá: Chương trình học bổng dành cho sinh viên DTTS được đào tạo trở thành giáo viên THPT và TCCN là hoàn toàn cần thiết và rất cần thiết, có tác dụng tạo động lực cho sinh viên DTTS khắc phục những khó khăn về tài chính, về đặc điểm tâm lý sinh viên DTTS để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ học tập, bồi dưỡng.
Chương trình Dự án hỗ trợ về năng lực hoạt động để giúp sinh viên DTTS trở thành giáo viên thực thụ, tự tin trong nghề nghiệp, chủ động để phát triển. Thông qua các hoạt động giáo dục, hoạt động thực hành, thực tế, sinh hoạt tập thể tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp phát triển các kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng bổ trợ, hình thành tình cảm nghề nghiệp, giúp sinh viên học hỏi chia sẻ lẫn nhau giữa các cộng đồng sinh viên DTTS.
Chương trình giúp các cơ sở đào tạo sinh viên DTTS nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực đào tạo giáo viên DTTS cả về tài chính và nhân lực cũng như cơ sở vật chất...
Hội thảo đã nghe đại diện các trường Đại học có sinh viên DTTS hưởng lợi từ Dự án đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện Chương trình trong sinh viên người DTTS; khẳng định tính bền vững của dự án;
Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp duy trì hiệu quả và tính bền vững của Dự án; Các kiến nghị, đề xuất của đại biểu tại hội thảo tập trung vào: công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng sinh viên là người DTTS sau tốt nghiệp, ra trường; Tăng chi phí cho đào tạo cho các cơ sở đào tạo có sinh viên là người DTTS; Nhà nước cần có đầu tư có chiến lược đầu tư dài hơi, bền vững, sâu hơn cho sinh viên người DTTS...
Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Dự án Phát triển giáo viên THPT (Bộ GD&ĐT) đã triển khai dự án “Chương trình hỗ trợ học bổng cho sinh viên DTTS có cơ hội trở thành giáo viên THPT và TCCN” ở 17 cơ sở giáo dục đại học tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Từ năm 2008 đến 2012 Dự án đã triển khai 5.044 lượt học bổng cho sinh viên thuộc 44 DTTS khác nhau ở các vùng miền trên cả nước. Các hoạt động Dự án tập trung chính vào: Hỗ trợ tài chính, học liệu cho sinh viên; Hỗ trợ các nội dung, hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho sinh viên DTTS; Nâng cao năng lực cho giảng viên của các cơ sở giáo dục có sinh viên hưởng lợi từ Dự án; Nâng cao nguồn lực cho các cơ sở đào tạo hưởng thụ Dự án. |
Bá Hải