Vào trường “săn” người giỏi

GD&TĐ - Để giải quyết bài toán về nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và toàn diện, nhiều doanh nghiệp (DN) đã thay đổi “chiến thuật” trong tuyển dụng nhân sự. Thay vì chờ người lao động có trình độ tìm đến để ứng tuyển như trước, các DN đã chủ động đến tận các cơ sở giáo dục ĐH-CĐ săn tìm nhân sự chất lượng.

Sinh viên ĐH Luật TPHCM tham gia phỏng vấn tại một ngày hội kết nối việc làm. Ảnh: TG
Sinh viên ĐH Luật TPHCM tham gia phỏng vấn tại một ngày hội kết nối việc làm. Ảnh: TG

Canh tại hội đồng bảo vệ luận văn

Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM,  không chỉ tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các ngày hội việc làm, hội thảo chuyên đề, chương trình thực tập sinh…, DN còn được tạo điều kiện tham gia vào hội đồng bảo vệ luận văn, hướng dẫn sinh viên thực hiện khóa luận để từ đó tìm kiếm những nhân sự giỏi cho đơn vị. 

Thạc sĩ Phạm Hữu Thái - Trưởng phòng Quan hệ Doanh nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết: Do trường có thế mạnh về khối ngành kỹ thuật nên ngay từ năm nhất, sinh viên đã được tiếp cận với môi trường DN. Bình quân một năm, trường tổ chức khoảng 200 chuyến tham quan DN cho sinh viên, cũng như kết nối sinh viên với DN thông qua các chương trình “thực tập sinh”, “tuần lễ vàng tuyển dụng”, ngày hội việc làm… với bình quân 3.500 - 4.000 hồ sơ thực tập được tiếp nhận. Nhờ vậy, DN khá chủ động trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng. 

Tương tự, tại Trường ĐH Luật TPHCM, hàng quý, hàng tháng, nhà trường đều mời các đơn vị như tòa án, viện kiểm sát, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các công ty luật, văn phòng công chứng, văn phòng thừa phát lại…  tổ chức sân chơi học thuật, ngày hội tuyển dụng kết nối sinh viên với DN.

Mặt khác, nhà trường còn chủ động mời các công ty luật tham gia sự kiện tuyển dụng, đánh giá luận văn của sinh viên, tham gia phiên tòa giả định cùng sinh viên, qua đó giúp DN phát hiện những nhân tố phù hợp để đặt hàng trước. Nhờ vậy, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng của trường rất cao, như ngành Luật và  Quản trị - Luật là 96%, ngành Quản trị Kinh doanh là 93% và ngành Ngôn ngữ Anh là 89%.

Mới đây hàng loạt các công ty lớn như FPT, VNG, KMS, Zalo, Shopee đến Trường ĐH Bách khoa TPHCM tham dự Ngày hội Poster Day của khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính để săn tìm nhân sự chất lượng từ 130 luận văn tốt nghiệp của sinh viên. Theo PGS.TS Phạm Trần Vũ - Trưởng khoa Khoa học & Kỹ thuật Máy tính, nhiều sinh viên giỏi được DN tuyển dụng ngay. 

DN đến tận trường tham gia sâu vào hoạt động đào tạo giúp Trường ĐH Lạc Hồng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: TG
DN đến tận trường tham gia sâu vào hoạt động đào tạo giúp Trường ĐH Lạc Hồng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.   Ảnh: TG

Đánh giá về sự chủ động của DN trong việc tìm kiếm nhân lực, TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (LHU - Đồng Nai) cho rằng: Đó là tín hiệu tốt, đặc biệt với cơ sở GDĐH. Theo TS Quỳnh, những năm qua, việc đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội trở thành mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo các trường đại học, LHU cũng không nằm ngoài quy luật đó.

“Ngoài chương trình thực tập viên tiềm năng do DN tổ chức, chương trình thực tập sinh có lương để tuyển dụng sinh viên năm cuối, LHU còn có Hội nghị hợp tác tuyển dụng sinh viên của các DN. Hiện LHU đã ký kết, hợp tác với hơn 800 DN để bố trí việc làm và thực tập cho sinh viên. Hàng tuần, bộ phận quan hệ doanh nghiệp cử cán bộ đến các DN để tìm hiểu nhu cầu nhân lực và giới thiệu sinh viên của LHU đến với họ” -  TS Quỳnh cho biết.  

Thúc đẩy  nhà trường thay đổi

Những buổi mini talkshow, trao đổi với CEO các DN mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên.
Những buổi mini talkshow, trao đổi với CEO các DN mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên.

Theo ông Nguyễn Thành An - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên (Trường ĐH Luật TPHCM), thông qua hoạt động trao đổi về khóa luận tốt nghiệp, phản biện khi tham gia hội đồng đánh giá luận văn của sinh viên, DN và sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận trực tiếp.

DN có thể nhận biết được các sinh viên có ý tưởng tốt, tiềm năng và phù hợp với đơn vị mình, còn sinh viên cũng có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm và môi trường phù hợp với bản thân. Chỉ trong năm 2019, có hơn 200 DN liên hệ với trung tâm để tuyển dụng hoặc đề nghị giới thiệu các sinh viên tiềm năng.

Sự chủ động của DN trong việc “săn” tìm nhân sự giỏi sẽ tạo ra hệ sinh thái công việc, khởi nghiệp tốt cho sinh viên và nhà trường. “Tại trường, khi DN xác định được nhân sự chất lượng qua các hoạt động học thuật, đào tạo và săn tìm ứng viên tiềm năng, họ lập tức đặt hàng với các khoa.

Nếu sinh viên mới chỉ năm 2, 3 được DN  tài trợ học bổng toàn phần; hỗ trợ một nhóm sinh viên tiềm năng hoặc trang bị thiết bị thực hành. Với sinh viên năm cuối, khi tham gia hướng dẫn làm luận văn, chấm khóa luận tốt nghiệp, họ sẽ tuyển dụng ngay khi các em chưa tốt nghiệp” - Thạc sĩ Phạm Hữu Thái - Trưởng phòng Quan hệ Doanh nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chia sẻ. 

TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng LHU tin rằng: Khi DN chủ động săn tìm nguồn nhân lực chất lượng cao, hoạt động ấy cũng gián tiếp thúc đẩy các trường phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và kỹ năng “thực chiến” cho sinh viên. Và để có nguồn nhân lực đạt chuẩn mực quốc tế, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động đang được quốc tế hóa mạnh mẽ, các trường buộc phải thay đổi bằng chính sự kết nối với các DN. 

“DN là kênh thông tin nhanh và đáng tin cậy nhất phản ánh trình độ công nghệ và các yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực. Hiệu quả của quá trình hợp tác có lợi cho các bên vì quá trình sinh viên thực tập tại DN giúp các em làm quen với môi trường công nghiệp, xã hội, rèn luyện kỹ năng và cũng là môi trường để thể hiện năng lực của mình. Còn DN có thể tiết kiệm được chi phí và thời gian vì không cần phải đào tạo lại nhân sự dù mới tuyển dụng, bởi họ đã đánh giá chính xác năng lực thông qua quá trình thực tập” - TS Quỳnh nhấn mạnh.

Nhiều trường đại học khi tham gia sâu vào công tác kiểm định chất lượng, xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành, cộng thêm việc gắn kết chặt chẽ với DN đã tự tin thực hiện cam kết đầu ra việc làm với từng sinh viên của mình. Điều này, không chỉ khơi thông dòng chảy việc làm bị tắc cho sinh viên như thời gian trước, quan trọng hơn đó là cách để xây dựng hệ sinh thái giáo dục bền vững và tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ