Tuyên truyền, giáo dục cho HSSV phòng tránh tệ nạn mại dâm

GD&TĐ - Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho HSSV phòng tránh tệ nạn mại dâm là nội dung chính của hội thảo “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy công tác giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội trong nhà trường năm học 2019-2020” được Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 17/12.

Tuyên truyền, giáo dục cho HSSV phòng tránh tệ nạn mại dâm

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai thực hiện, kết quả đạt được, ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bàn giải pháp thúc đẩy công tác trong thời gian tới, đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện, đề xuất, kiến nghị.

Theo đại diện Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT), thời gian gần đây, vấn nạn mại dâm tại Việt Nam đã có những biến tướng hết sức phức tạp, đa dạng và tinh vi; nhận thức, quan điểm về phòng, chống mại dâm chưa thống nhất; còn tồn tại một số tụ điểm, ổ nhóm tội phạm tổ chức hoạt động mại dâm gây bức xúc dư luận.

Ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tá HSSV (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội thảo
Ông Bùi Văn Linh- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tá HSSV (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội thảo

Hiện tượng sinh viên tham gia các hoạt động mại dâm tinh vi này là có nhưng khó đoán biết và phát hiện ra được. Đặc biệt, trong thời gian gần đây nhóm đối tượng được coi là “có học và sang trọng”, đều là những người mẫu, hoa hậu và có cả sinh viên tham gia đường dây bán dâm, mới bị phát giác, được dư luận và báo chí quan tâm và đưa tin.

Dù rằng, theo kết quả báo cáo số lượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mại dâm của Bộ Công an thì số lượng học sinh, sinh viên tham gia hoạt động này rất ít, chiếm 0,3 % trên tổng số vụ việc vi phạm. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, coi thường việc tuyên truyền, giáo dục cho mỗi HSSV nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và kỹ năng, thái độ, ý thức trách nhiệm của mình đối với phòng, chống mại dâm.

Mỗi hiện tượng vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên liên quan đến tệ nạn mại dâm sẽ tạo ra những sự nhìn nhận sai lệch của xã hội về những nỗ lực, cố gắng mà ngành giáo dục từng bước thực hiện thời gian qua. Việc đó còn gây ra những hệ lụy liên quan đến chính bản thân những sinh viên tham gia tệ nạn đó và gia đình của các em ở ngay trong hiện nay và tương lại sau này.

Không ít những gái mại dâm sinh viên ban đầu “bước vào nghề” với ý nghĩ chỉ làm một thời gian ngắn rồi thôi, thậm chí chỉ một lần để kiếm một khoản tiền nhất định mà mình đang cần gấp. Đấy chỉ là trò ngụy biện vì các em không thể cưỡng được sức hút của đồng tiền nên dần dần các em sẽ coi đó như là kế sinh nhai, đồng thời để thỏa mãn lối ăn chơi đàng điếm, bất cần đời.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo
 Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Và số phận của những “tri thức trẻ” này sẽ bước sang một con đường khác. Mại dâm sẽ giúp các em có tiền, nhưng sẽ đẩy các em đến cuộc đời sa ngã, xuống dốc. Các em sẽ phải trả giá bằng chính cuộc đời các em và gia đình các em sau này.

Có lẽ một phần vì các em đang bị kích động vì những nhận thức lệch lạc về quyền con người, về nhu cầu tình dục mà không biết rằng không ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc các em mang thai ngoài ý muốn, hoặc bị lây nhiễm bệnh theo đường tình dục, HIV/AIDS. Đấy là chưa kể nhiều em còn quá trẻ chưa có đầy đủ những kiến thức về tình dục.

Cuối cùng, người thiệt thòi nhất vẫn là các em - những nữ sinh viên. Bởi vì sau khi xảy ra các sự việc thì sẽ bị cả xã hội “ném đá”. Bản thân những sinh viên này đã lừa dối bố mẹ, bạn bè và người thân thì khi bị phát hiện sẽ bị nhục nhã, xấu hổ và cuộc sống sau này sẽ luôn sống trong sự thu mình, khép kín.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.