Trải lòng của 1 nữ du học sinh: Mệt mỏi vì bố mẹ quá khắt khe

Bức thư của 1 nữ du học sinh Pháp gửi đến chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Wedo - Wegood) sẽ khiến nhiều cha mẹ phải suy nghĩ, bởi có thể họ đang yêu thương con theo cách khiến con bị tổn thương, đau khổ.

Trải lòng của 1 nữ du học sinh: Mệt mỏi vì bố mẹ quá khắt khe

p-t-1.jpg

Bố mẹ thương con nhưng cháu không định nghĩa được tình thương đó khiến chị em cháu cảm thấy hạnh phúc hay bị tổn thương. Ảnh minh họa internet.

Cháu đi du học sau khi học xong THPT ở Việt Nam. Cháu có 1 em gái. Mối quan hệ của chị em cháu rất thân thiết. Cháu rất yêu em gái, đi học xa nhà cháu rất nhớ em, thậm chí còn nhớ hơn bố mẹ.

Những ngày đầu, em hay kể với cháu rằng hôm nay em bị bố mẹ mắng như thế nào và cảm thấy rất buồn và tủi thân. Những lúc như vậy, cháu rất thương em vì cháu hiểu cảm giác đó. Nói một cách công bằng thì bố mẹ cháu rất thương con, nhưng cháu không định nghĩa nổi tình thương đó làm cho chị em cháu cảm thấy hạnh phúc hay tổn thương.

Cháu không phủ nhận bố mẹ cháu sẵn sàng hy sinh nhiều thứ để dành những điều tốt đẹp cho chúng cháu. Đối với việc cháu đi du học cũng vậy. Dù kinh tế gia đình cháu chỉ ở mức trung bình, không phải giàu có, nhưng bố mẹ cháu vẫn cố gắng để bọn cháu có được cuộc sống đầy đủ. Nói chung, chị em cháu không thiếu thốn gì so với bạn bè. Cháu hiểu điều đó nhưng cháu không thể gần gũi được với bố mẹ.

Từ ngày cháu còn ở nhà, không khí trong gia đình cháu luôn luôn căng thẳng, mặc dù chị em cháu không hư hỏng, không làm gì quá đáng. Nếu những gia đình khác gặp vấn đề vì bố mẹ nuông chiều con cái quá thì gia đình cháu ngược lại. Bố mẹ cháu khắt khe với chúng cháu quá.

Nhiều khi chỉ là những việc nhỏ như việc cháu tự mua 1 cái áo hay 1 cái quần thì bố mẹ cháu cũng nói rằng suốt ngày quần quần, áo áo, không chịu học hành. Mẹ cháu mua cái gì là bắt cháu mặc cái đó. Dù cháu thấy nó rất kì cục và cháu không thích mặc nó chút nào.

Bố mẹ cháu nói rất nhiều, gắt gỏng từ những chuyện rất nhỏ như nhặt rau, quét nhà, nấu cơm, gọi cháu dậy buổi sáng... Chỉ cần không đúng ý là mẹ cháu gắt ầm lên, mặt nhăn nhó. Cháu chưa thấy mẹ cháu nhẹ nhàng với cháu bao giờ.

Lúc nào cháu cũng có 1 cảm giác lo lắng, không an toàn, mặc dù trong chính ngôi nhà của mình, vì bất cứ khi nào bố mẹ cháu cũng ở tâm thế “bùng nổ”. Cháu góp ý thì bố mẹ cháu hoặc nhăn nhó, hoặc quát lại. Chỉ cần không theo ý bố mẹ cháu thì bố mẹ cháu không muốn nghe. Dần dần cháu trở nên khá nhút nhát, ít khi dám bày tỏ ý kiến của mình.

Nhiều khi cháu định nói điều gì, nhưng sau đó nghĩ đến phản ứng của bố mẹ cháu lại thôi. Thậm chí đến bây giờ, cháu vẫn nhút nhát như vậy, có nhiều lúc định nói ra ý kiến, nhưng lại sợ người ta phản đối. 

p-t-2.jpg

Lúc nào cháu cũng có cảm giác lo lắng, không an toàn trong chính ngôi nhà của mình. Ảnh minh họa internet.

Bố mẹ cháu đều là công chức, khá khéo léo và hiểu biết trong việc đối nhân xử thế. Vậy mà, đối với chị em cháu, bố mẹ cháu lại chọn cách giáo dục khiến không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Dần dần cháu cảm thấy cháu không gần gũi với bố mẹ, lúc nào cháu cũng cảm thấy buồn và ngày càng ít nói.

Nhiều đêm, cháu nằm ngủ mà nước mắt ướt cả gối, vì tủi thân, vì quá nhiều tâm sự trong lòng mà không ai hiểu. Ban ngày, cho dù cháu có bất cứ chuyện gì thì lúc về nhà cháu cũng không được phép thể hiện ra.

Cô ơi, bố mẹ cháu không biết rằng, cháu là con người, cháu có cảm xúc. Một ngày có thể có rất nhiều chuyện khiến người ta phải suy nghĩ, đó có thể là chuyện gia đình, chuyện điểm số, học hành, chuyện thầy cô hay chuyện bạn bè mà. Đâu phải chỉ cần cháu không phải làm việc nhà, cháu không phải bận tâm lo chuyện cơm áo gạo tiền thì cháu sẽ không phải buồn vì bất cứ chuyện gì khác.

Cháu biết tự chăm sóc bản thân, cháu cũng không ngại việc phụ giúp bố mẹ, nhưng những gì cháu làm không bao giờ khiến bố mẹ cháu hài lòng. Nếu cháu làm sai, hãy góp ý nhẹ nhàng, lần tới cháu sẽ sửa. Nhưng bố mẹ cháu luôn phản ứng bằng cách gắt gỏng, hoặc than vãn, hoặc không tin tưởng cháu nên giành làm luôn, sau đó lại chì chiết rằng cháu lười.

Thế nên, đến giờ, cháu không tự tin làm bất cứ điều gì, cho dù nhỏ nhất. Cháu vẫn luôn sợ cháu sẽ làm sai, cháu cũng sợ rằng khi cháu làm sai thì người khác sẽ chế nhạo cháu hoặc không hài lòng với cháu.

Bố mẹ cháu lại mắc tật cẩn thận quá mức nữa. Chuyện gì dù nhỏ xíu thôi, trước khi cháu làm thì bố mẹ cháu cũng dặn dò đủ điều, phải thế này, phải thế kia. Nếu có lần nào cháu tự làm gì đó mà không đúng ý là bố mẹ cháu lại kết luận là sao cháu lớn vậy rồi mà còn dại như thế, không khôn ngoan được như con người khác. 

Cháu không tự quyết định được nhiều việc, vì từ trước đến nay bố mẹ cháu luôn khuyên cháu quá nhiều, dặn dò cháu quá nhiều, bảo cháu nên làm thế này thế kia quá nhiều. Cháu cảm giác bố mẹ cháu không cho phép được xảy ra sai sót gì, cho dù nhiều lúc cháu thấy những sai sót đó không nghiêm trọng.  

p-t-3.jpg

Chưa khi nào nhà là nơi cháu cảm thấy ấm áp, bình yên khi nghĩ về. Ảnh minh họa internet.

Ngoài ra, mẹ cháu luôn đổ lỗi cho cháu trong mọi việc. Vì cháu thế này, vì cháu thế kia nên mới dẫn đến kết quả như vậy. Cháu cảm giác chắc không bao giờ mẹ cháu đứng về phía cháu. Điều đó dần hình thành nên tính cách của cháu sau này. Xảy ra việc gì cháu cũng lo sợ không biết đấy có phải lỗi tại mình không, dù đôi khi có những việc sau này cháu nhìn lại, rõ ràng là người khác có lỗi với cháu, vậy mà cháu lúc đó cũng không dám phản ứng lại để bảo vệ mình.

Sống ở nhà căng thẳng đến mức có 1 lần ngồi học 1 mình, cháu vừa khóc vừa lấy bút chì viết lên bàn học rằng "mình nhất định sẽ học thật chăm, thi đỗ đại học rồi đi du học để thoát khỏi nơi này".

Chưa khi nào nhà là nơi cháu cảm thấy ấm áp khi nghĩ về, hoặc là nơi mỗi khi gặp khó khăn hay bế tắc trong cuộc sống cháu mong được trở về để có được cảm giác yên bình.

Ngoài những lúc mắng cháu thì bố cháu rất tình cảm. Lúc vui vẻ, bố cháu thường nói đùa hoặc trêu chọc chị em cháu. Nhưng vì những lời nói của bố mẹ cháu khi nóng giận đã làm tổn thương cháu không hề ít nên cháu không thể nào gần gũi bố mẹ được. Mỗi khi, bố cháu có ý định gần gũi với bọn cháu, cháu cảm thấy không thoải mái, cháu hay vô thức né tránh điều đó.

Bố mẹ thương con nhưng đâu biết được rằng, có những lúc con ngồi một mình và khóc, thậm chí có những lúc con cái đã giận bố mẹ đến thế nào.

Hy sinh nhưng luôn lấy sự hy sinh đó làm áp lực cho con, rồi định hướng con sống một cuộc sống như bố mẹ mong muốn.

Sau này cháu có con, cháu hi vọng rằng nó sẽ không bao giờ phải khóc một mình.

Cháu chỉ mong rằng, con mình sẽ được sống vui vẻ và mỗi khi có bế tắc gì trong cuộc sống thì về với bố mẹ, vì ở đó sẽ không ai trách cứ bởi con đã làm sai nên con phải nhận lấy hậu quả này. 

Theo phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...