Tìm nơi trao gửi thanh xuân

GD&TĐ -Sau khi biết điểm THPT, các sĩ tử luôn phải đối mặt với một vấn đề muôn thuở: chọn trường đại học để gửi gắm thanh xuân. Và khi đứng trước ngưỡng cửa quá quan trọng này, không ít sĩ tử băn khoăn, lo lắng, thậm trí gặp rất nhiều khó khăn. Theo đuổi niềm đam mê hay chạy theo nỗi lo cơm áo ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định của các em.

Tìm nơi trao gửi thanh xuân

Giữ tinh thần lạc quan và không bỏ cuộc

Điều đầu tiên, cũng là điều quan trọng nhất, bạn phải hoàn toàn tin vào bản thân mình. Thật tốt nếu bạn chọn được ngôi trường phù hợp với bản thân, nhưng cũng đừng quá hoang mang khi cảm thấy mình đang "sập bẫy" vào một ngành nghề mình không hề yêu thích. Một yếu tố không kém phần quan trọng trong bất cứ thành công nào là sự lạc quan. Tự tin theo đuổi lựa chọn của bản thân và luôn giữ bản thân ở trạng thái tích cực, nếu làm được điều này, bạn đã thành công một nửa rồi. Một điều nữa, tuyệt đối không cho phép bất cứ ai giới hạn suy nghĩ và lập trường của bản thân bạn về nghề nghiệp cũng như ngôi trường đại học bạn quyết định theo đuổi.

Tìm hiểu các tiền bối trong trường

Tham khảo một số anh chị đi trước tại các trường đại học "trong tầm ngắm" là một trong những yếu tố khiến bạn "nhảy vọt" trên con đường tìm hiểu về ngành nghề. Những anh chị hơn 1-2 tuổi sẽ cho bạn biết liệu mình có phù hợp với văn hóa, môi trường, cách thức học tập,… ở ngôi trường đó hay không. Còn đối với các bậc tiền bối hơn 4-5 tuổi, những trải nghiệm về nghề là điều bạn nên khai thác từ họ. Và hãy nhớ rằng, tạo mạng lưới quan hệ xã hội rộng chưa bao giờ là không tốt trong bất cứ ngành nào.

Nghĩ về các lĩnh vực thay vì nghề cụ thể

Một điều sai lầm của tất cả các bạn học sinh khi chọn trường đại học là nghĩ về một nghề quá cụ thể. Điều này dễ dàng dẫn đến suy nghĩ vô cùng tiêu cực: "Rốt cuộc mình chẳng giỏi gì cả!". Cách giải quyết rất đơn giản, hãy cho bản thân cơ hội nghĩ về các công việc khác trong lĩnh vực đó. Ví dụ, nếu bạn yêu động vật, đừng nghĩ mình chỉ có thể làm bác sĩ thú y. Những công việc như: dược sỹ, nhân viên trại chó, chủ cửa hàng thú cưng,… cũng rất phù hợp với bạn.

Một quy tắc là phải luôn nghĩ khác đi. Rõ ràng kỹ năng của nghề này hoàn toàn có thể phù hợp với một công việc khác. Ví dụ, kỹ năng của một giáo viên dạy ngôn ngữ là giảng giải cho học sinh những đoạn văn khó và truyền tải thông điệp của tác giả. Đây cũng là những kỹ năng hoàn toàn phù hợp với một nhà văn chuyên nghiệp.

Nghĩ về những điều bạn làm tốt

Nghĩ về những điều bạn thích chưa đủ, bạn phải dành cả "đất diễn" cho cả khả năng của bản thân nữa. Thử đặt ra hàng tá các câu hỏi về bản thân xem sao. Bạn có giỏi trong việc giữ các mối quan hệ? Bạn có giỏi trong việc đưa ra lời khuyên? Bạn có tư duy rành mạch và rõ ràng không? Liệu bạn có khiếu viết lách? Bạn có phải người yêu động vật?...

Cứ như vậy, càng nhiều câu hỏi sẽ càng mở ra cho bạn nhiều lựa chọn với các ngành nghề khác nhau. Nếu chưa thực sự hiểu rõ bản thân, hãy hỏi hội bạn thân để ra những ý kiến khách quan nhất. Một bí kíp siêu hay là hãy nghĩ đến những kỹ năng bạn sử dụng khi làm chuyện mình thích nhất. Cứ viết tất cả ra, nhất định một trường đại học có ngành phù hợp với khả năng của bạn sẽ không quá xa vời đâu.

Nghĩ về những thứ khiến bạn hứng thú

Chúng ta vẫn thường nghĩ chuyện chọn một công việc có liên quan đến sở thích và đam mê ở Việt Nam là… xa xỉ. Nhiều người thậm chí còn không muốn nói về sở thích của mình khi đang làm việc. Điều này dẫn đến hậu quả rất khôn lường, bởi dù có vẻ không thực tế lắm, việc chọn nghề mình thích là vô cùng chính đáng. Hãy nhớ, một ngày làm việc dài sẽ chỉ không chán khi bạn thực sự yêu công việc của mình.

Đừng bao giờ nghĩ đến một công việc kiếm nhiều tiền mà bỏ qua sở thích. Chỉ cần bạn thực sự giỏi và hứng thú với ngành nghề mình đang theo đuổi, "tài chính" sẽ luôn theo đuổi bạn. Thử nghĩ mà xem, bạn sẽ gắn bó với một sự nghiệp cả vài chục năm, làm sao có thể không hứng thú với nó được cơ chứ?

Dung hòa giữa cái tôi và nhu cầu xã hội

Ai cũng có cái tôi và ước mơ riêng. Nhưng để thành công, bạn cần biết dung hòa cái tôi cá nhân và nhu cầu của xã hội. Hay nói cách khác, công việc bạn yêu thích phải đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tế của xã hội. Dung hòa cái tôi cá nhân và nhu cầu xã hội có nghĩa là bạn dùng đam mê, ước mơ của bản thân để làm ra những thứ xã hội cần. Nhu cầu xã hội ngày càng đa dạng và phong phú. Đó là lý do nhiều ngành nghề mới ra đời. Chỉ cần bạn có đam mê và vì cộng đồng, bạn sẽ thành công ngay cả trong những lĩnh vực mới mẻ, cần sự sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ