Tiết lộ bí quyết lọt top 1,1% ĐH tốt nhất thế giới của ngôi trường New Zealand

GD&TĐ - Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, Hiệu trưởng ĐH Waikato, một trong những đại học nghiên cứu hàng đầu thế giới tại New Zealand có cuộc trao đổi với PV Dân trí xoay quanh kinh nghiệm gia tăng thứ hạng của trường trên bảng xếp hạng đại học toàn cầu.

Tiết lộ bí quyết lọt top 1,1% ĐH tốt nhất thế giới của ngôi trường New Zealand

Tìm giảng viên vừa nghiên cứu giỏi, vừa dạy tốt

PV: Là Hiệu trưởng ĐH Waikato, một trong những đại học công lập danh tiếng của New Zealand, ông có thể chia sẻ bí quyết đưa ngôi trường lọt top 1,1% trường đại học tốt nhất thế giới trên bảng xếp hạng QS World University Rankings?

GS.Neil Quigley: Là một trong những trường đại học phát triển theo hướng đổi mới và linh hoạt nhất New Zealand, Đại học Waikato liên tục cung cấp những chương trình đào tạo tiên tiến nhất nhằm trang bị cho sinh viên của mình có đủ các kỹ năng và kiến thức đáp ứng được đòi hỏi của môi trường kinh doanh và tiến bộ khoa học kỹ thuật đang phát triển liên tục trên thế giới.

Chúng tôi còn cộng tác với hơn 120 viện nghiên cứu với các chương trình hỗ trợ và trao đổi giáo viên cũng như sinh viên trên toàn thế giới. Nhà trường tập trung vào những công trình nghiên cứu, các bài luận và sự đóng góp trong sự phát triển nền kinh tế trong tương lại.

Chúng tôi cũng phấn đấu liên tục để đảm bảo các chỉ số đạt xếp hạng chuẩn 5 sao của QS Stars dựa vào tỷ lệ có việc làm cao, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại, nghiên cứu khoa học mang tầm cỡ quốc tế, chất lượng giảng dạy xuất sắc và mức độ hài lòng cao của sinh viên. 

 Giáo sư Neil Clayton Quigley, Hiệu trưởng Trường Đại học Waikato đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương New Zealand trong buổi trao đổi với PV Dân trí.

Giáo sư Neil Clayton Quigley, Hiệu trưởng Trường Đại học Waikato đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương New Zealand trong buổi trao đổi với PV Dân trí.

- Ở Việt Nam hiện vẫn có 2 luồng tranh luận về vai trò của đại học, đâu là vai trò quan trọng nhất - giảng dạy hay nghiên cứu và mức độ của 2 yếu tố này. Đối với trường ĐH Waikato, yếu tố nào được tập trung hơn?

Trước hết, tôi muốn đề cập đến lí do ĐH Waikato gia tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng các đại học toàn thế giới. Để tăng hạng như vậy, trường phải đề cập đến cả 2 yếu tố giảng dạy và nghiên cứu.

Trong những năm vừa qua chúng tôi đã cải thiện chất lượng nhiều đề tài giảng dạy và nghiên cứu mà đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên của trường thực hiện.

Một điểm quan trọng, rất nhiều bài báo khoa học của trường được cộng đồng học thuật/ học giả trên thế giới sử dụng và trích dẫn trong nghiên cứu. Trường đứng thứ 92 trên toàn thế giới về số lần các bài báo, công trình nghiên cứu khoa học của trường được học giả toàn cầu trích dẫn.

Trong những năm vừa qua, chúng tôi cũng chú trọng cải thiện tỉ lệ giảng viên/ đầu sinh viên cũng như nỗ lực trong cải thiện chất lượng giảng dạy giúp trường tăng hạng trên bảng xếp hạng thế giới.

Đối với các trường đại học ở New Zealand, chúng tôi luôn đặt ra tiêu chí đó là vừa phải là giảng viên tốt, vừa là nhà nghiên cứu giỏi.

Thực ra, để tìm được những người vừa là nhà nghiên cứu giỏi vừa là giảng viên giỏi không phải dễ dàng. Tuy nhiên, trường ĐH Waikato chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo cân bằng hai yếu tố - vừa là giảng viên giỏi, vừa là nhà nghiên cứu khoa học tốt.

Người lãnh đạo gương mẫu, biết khơi gợi cảm hứng

- Người lãnh đạo đóng vai trò thế nào trong sự phát triển của ĐH Waikato, thưa ông?

Tôi nghĩ, việc quan trọng đối với một người lãnh đạo của một tổ chức là làm sao thuyết phục, tạo cảm hứng cho đội ngũ cán bộ của mình làm việc tốt hơn cũng như cải thiện chính công việc mình đảm nhiệm. Đôi khi, bạn chỉ nói mà không tham gia hành động và truyền cảm hứng cho cán bộ của mình thì việc bạn chỉ đạo chưa chắc đã được thực hiện tốt.

Đối với ĐH Waikato, chúng tôi đưa ra chuẩn rất cao với đội ngũ cán bộ của mình. Khi tuyển dụng cán bộ mới chúng tôi cũng đưa chuẩn rất cao, điều này cũng áp dụng đối với đội ngũ lãnh đạo trong trường. Các vị trí quan trọng ở trường, thường chúng tôi đòi hỏi họ thực hiện công việc ở chất lượng cao nhất.

Tiết lộ bí quyết lọt top 1,1% ĐH tốt nhất thế giới của ngôi trường New Zealand ảnh 2
 Với vai trò là Hiệu trưởng, tôi luôn khẳng định sự hỗ trợ của cá nhân tôi và đội ngũ lãnh đạo của trường để cùng đội ngũ cán bộ cải thiện chất lượng chung. Tránh tình trạng nói và không làm, hoặc nói mà để đó, vì như thế việc thay đổi hay đạt được các mục đích rất khó thực hiện.

- Làm thế nào để trường tuyển được đội ngũ cán bộ đáp ứng chuẩn cao như ông vừa ông?

Như mọi người biết, hệ thống trường công lập không phát triển nhiều và nhanh như các trường đại học khối tư nhân do vậy những vị trí quan trọng trong các trường đại học công lập không nhiều. Tuy nhiên trong những năm vừa qua số lượng các cán bộ giữ vị trí quan trọng của trường về hưu khá nhiều. Vì vậy, chúng tôi có thêm những vị trí mới và tuyển dụng những cán bộ xuất sắc và có năng lực để thay thế.

Khi tuyển dụng, chúng tôi không chỉ quảng cáo ở New Zealand mà quảng cáo trên toàn cầu. Không quan trọng bạn ở đất nước nào, miễn là bạn giỏi thì chúng tôi sẽ liên lạc để phỏng vấn và sẵn sàng trả mức lương hấp dẫn.

- Tỉ lệ việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo. Thực tế tỉ lệ này ở ĐH Waikato ra sao?

Sau 1 năm tốt nghiệp, 90% sinh viên ĐH Waikato có việc làm. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa hài lòng với con số này mà hướng tới con số 100% các em có việc làm sau tốt nghiệp trong tương lai. Do vậy từ năm nay trở đi, trường ra quyết sách 100% sinh viên học tại trường bắt buộc có ít nhất 1 kì đi thực tập.

Trường sẽ bố trí các em sinh viên để đảm bảo trước khi tốt nghiệp các em có kinh nghiệm việc làm ở bất kì một nơi nào đó, kể cả làm tình nguyện viên ở một tổ chức dân sự xã hội hoặc từ thiện.

Thắt chặt mối quan hệ hợp tác giáo dục Việt Nam – New Zealand

- Ở ĐH Waikato hiện có bao nhiêu học sinh Việt đang du học tại đây? Các bạn thường học ngành gì? Ông có thể đưa ra nhận xét về các bạn sinh viên Việt?

Hiện có 50 sinh viên Việt Nam đang học tập tại ĐH Waikato, tập trung chủ yếu vào các ngành kinh tế, giáo dục và bậc Tiến sĩ (26 sinh viên). Trước khi làm hiệu trưởng ĐH Waikato, tôi có một thời gian dài tham gia thúc đẩy hợp tác giáo dục giữa New Zealand và Việt Nam. Vì vậy, tôi biết khá rõ chất lượng sinh viên Việt Nam đến New Zealand học tập.

Các trường đại học ở New Zealand đánh giá rất cao sinh viên đến từ Việt Nam. Các em rất chăm và có nền tảng tốt từ bậc phổ thông ở Việt Nam. Khi các em đến New Zealand các em hòa nhập tốt, đạt điểm số cao.

Một lí do nữa, gia đình thường đặt nhiều kì vọng vào các em khi đi du học, vì vậy các em rất nỗ lực và tập trung vào việc học tập chứ không bị xao nhãng. Với ĐH Waikato, sinh viên Việt Nam luôn là một phần quan trọng và chúng tôi muốn thu hút nhiều hơn nữa sinh viên Việt Nam đến học tập để tạo nên một môi trường đa văn hóa và có nhiều màu sắc văn hóa hơn nữa.

- Hiện nay, giáo dục là lĩnh vực mũi nhọn trong quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và New Zealand, xin ông cho biết, trường ĐH Waikato đã có những hợp tác ngắn hạn và dài hạn nào?

Trường ĐH Waikato hợp tác với Việt Nam ở nhiều nội dung như: Đào tạo cán bộ cho ngành Bảo Hiểm Xã hội Việt Nam và hiện đã có 60 cán bộ được cử sang đào tạo ngắn hạn tại trường; Bồi dưỡng các cán bộ cấp tỉnh theo Đề án 165; Thỏa thuận với Học viện An ninh Nhân dân - Bộ Công An, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Luật Hà Nội.

- Ông có thể cho biết về kết quả của các chương trình hợp tác trong thời gian qua? Trong thời gian tới, ông có kì vọng gì trong việc đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác về giáo dục đào tạo này?

Tôi nghĩ mỗi đối tác đều có thế mạnh riêng và tất cả đều có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên tôi nghĩ việc kí các thỏa thuận hợp tác mới chỉ là bước khởi đầu. Kết quả của sự hợp tác chỉ thành công nếu cả 2 bên cùng đồng lòng hợp tác để ra những quyết sách và hoạt động cụ thể, cũng như làm việc chặt chẽ với nhau để biến các thỏa thuận thành hành động cụ thể.

Các đối tác ở Việt Nam mà chúng tôi đang xây dựng quan hệ hợp tác đều là nhiều trường đại học uy tín và công việc chúng tôi triển khai hi vọng sẽ có độ thành công nhất định. Chúng tôi đã triển khai rất nhiều chương trình đào tạo cho cán bộ trong ngành bảo hiểm xã hội toàn quốc thông qua hợp tác với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tôi nghĩ đây là thành công rất lớn trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước khởi đầu và còn nhiều việc chúng tôi phải làm trong thời gian tới.

- Đây không phải là lần đầu tiên ông sang thăm Việt Nam. Trong những chuyến thăm của mình ông thường những địa điểm nào, ông ấn tượng gì về đất nước, con người Việt Nam?

Tôi may mắn có cơ hội thăm nhiều nơi ở Việt Nam, ngoài Hà Nội và TP.HCM. Nếu bạn hỏi tôi thích nhất nơi nào thì tôi thật khó trả lời bởi mỗi nơi đều có ấn tượng riêng khiến tôi thích thú. Tuy nhiên, có một địa điểm tôi rất mong muốn sẽ đến thăm trong tương lai đó là Điện Biên Phủ. Đối với tôi, không quan trọng bạn đến Việt Nam với mục đích gì bởi tôi luôn cảm thấy vui và thú vị khi được ở đây.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư đã trao đổi!

Theo dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.