Thất nghiệp vì chọn nghề theo xu hướng

GD&TĐ - Nếu thí sinh chỉ quan tâm tới ngành theo xu hướng ở thời điểm hiện tại thì vài năm sau, khi các em ra trường, có thể sẽ không còn nhiều nhu cầu lao động.

SV công nghệ điện hệ cao đẳng Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hành nghề.
SV công nghệ điện hệ cao đẳng Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hành nghề.

TS Lê Đình Kha – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng đã đưa ra những lưu ý cho thí sinh chọn ngành nghề năm học tới.

Không chỉ quan tâm tới xu hướng hiện tại

Theo TS Lê Đình Kha, rất nhiều học sinh năm cuối THPT chưa có định hướng nghề nghiệp cho mình. Thậm chí, một số cuộc khảo sát sinh viên năm thứ 2, thứ 3 tại một số cơ sở GDNN cho thấy, nhiều em còn không hiểu hay không hề thích ngành mình đang học, muốn chuyển một ngành khác, hoặc trường khác phù hợp hơn.

Chính vì những lý do trên khiến cho tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành thậm chí là thất nghiệp. Đây là một thiệt hại lớn cho xã hội khi làm tốn hao nguồn tài lực và lãng phí thời gian, công sức cũng như tiền bạc của sinh viên.

Vì vậy, thí sinh phải xác định năng lực, sự yêu thích ngành, nghề của bản thân để chọn học ngành, nghề cho phù hợp. Lựa chọn nên là ngành, nghề mà xã hội cần trong tương lai vài năm tới. Bởi, nếu thí sinh chỉ quan tâm tới ngành theo xu hướng ở thời điểm hiện tại thì vài năm sau, khi các em ra trường, có thể sẽ không còn nhiều nhu cầu lao động.

Sau khi đã chọn được ngành học, thí sinh hãy chọn trường đào tạo có uy tín, cam kết của trường về chất lượng đào tạo để sau khi tốt nghiệp có việc làm, được doanh nghiệp đánh giá cao và xã hội tín nhiệm.

Các em cũng cần ý thức rằng tương lai sau này chúng ta học một ngành nhưng có thể ra trường làm ở nhiều vị trí công việc. Vì vậy, để có thể làm tốt trong bối cảnh biến đổi yêu cầu công việc nhanh chóng cùng sự cạnh tranh của máy móc thì cần phải học tập nhiều kỹ năng ở nhiều ngành nghề.

TS Lê Đình Kha cũng cho biết thêm, khó khăn chung của các trường là làm sao để không những tuyển sinh được, mà còn phải tuyển được thí sinh có chất lượng vào học.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công tác tuyển sinh trong hệ thống GDNN khó khăn hơn rất nhiều. Dịch bệnh đã làm hạn chế lớn trong việc tiếp cận trực tiếp học sinh cuối cấp cũng như tổ chức các chương trình, hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp trực tiếp.

Để giải quyết vấn đề này cần được sự quan tâm từ các bộ, ngành, địa phương… để có các chính sách ưu đãi và đầu tư có trọng điểm, truyền thông định hướng và phân luồng. Đặc biệt phải có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương.

TS Lê Đình Kha cũng cho biết thêm, nền kinh tế phát triển, tác động của công nghệ 4.0 trong sản xuất và đời sống xã hội, giao thông thuận tiện, đời sống người dân được nâng cao. Do đó, các ngành, nghề sẽ được thí sinh quan tâm nhiều: Ô tô, công nghệ thông tin,tự động hóa… Ngoài ra còn có các ngành nghề có khả năng đem lại mức thu nhập cao.

TS Lê Đình Kha – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: NVCC
TS Lê Đình Kha – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: NVCC

Nhiều nhóm ngành vẫn khó tuyển sinh

Theo NGƯT.TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đằng nghề chất lượng cao Hà Nội: Hiện, cơ chế chính sách của Nhà nước đối với GDNN tuy đã có nhiều thay đổi. Song vẫn chưa có chính sách đầu tư để đáp ứng yêu cầu trong việc phát triển, nâng cao chất lượng GDNN. Điều này dẫn đến đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Đồng thời, chưa có cơ chế cho các doanh nghiệp có trách nhiệm với các cơ sở GDNN khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các trường nghề.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, công tác tuyển sinh trong hệ thống GDNN khó khăn hơn rất nhiều. Trong hệ thống GDNN hiện nay, mặc dù nhu cầu của xã hội cao ở một số nhóm ngành nhưng vẫn rất khó tuyển sinh.

Cụ thể như chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng ở các nghề thuộc nhóm ngành kinh tế (kế toán, quản trị KD...); mỹ thuật (kĩ thuật điêu khắc gỗ, điêu khắc). Các nghề thuộc nhóm ngành nghệ thuật trình diễn, mỹ thuật ứng dụng, công nghệ kĩ thuật mỏ; kĩ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường; nông – lâm nghiệp và thủy sản…

Theo TS Lê Đình Kha, muốn tuyển sinh được cần cả một quá trình xây dựng và phát triển. Giá trị cốt lõi phải đạt được là đảm bảo chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp phải được doanh nghiệp đánh giá cao. Có kỹ năng nghề nghiệp tốt. Đồng thời, có tác phong công nghiệp, có tư duy giải quyết các vấn đề.

Hơn nữa, các trường cần đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh. Các hoạt động tư vấn tại các trường phổ thông, tư vấn tập trung được tổ chức theo khu vực. Nhà trường tham gia tư vấn tuyển sinh đồng hành cùng các báo đài, phương tiện truyền thông đến học sinh THPT tại các tỉnh và các ngày hội tư vấn.

Những buổi tư vấn hướng nghiệp tại trường cần có sự tham gia, đồng hành của đội ngũ giảng viên nhằm giúp thí sinh hiểu về ngành, nghề mà mình muốn đăng ký học.

Sinh viên đang theo học tại trường cũng là kênh tư vấn hữu hiệu. Đối với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, thường vào mỗi dịp lễ, tết hoặc những ngày hè, sinh viên trở về trường phổ thông – nơi đã từng theo học để truyền cảm hứng, hỗ trợ tư vấn cho các khóa tiếp sau. Đồng thời, cần tận dụng mạng xã hội để tư vấn online, giải đáp thắc mắc của học sinh, phụ huynh cũng là giải pháp mà nhà trường đã và đang thực hiện trong những năm vừa qua.

Mọi hoạt động của nhà trường đều đem lại hiệu quả thực chất. Chính các thành quả này là kênh truyền thông rất tự nhiên, hữu ích mà không tốn chi phí. Sự tận tâm của đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, sinh viên được đào tạo bài bản về kiến thức, được uốn nắn kỹ năng… là cách truyền thông về chất lượng đào tạo tốt nhất.

Ngoài ra, các trường cũng có thể tổ chức các cuộc thi học thuật như: Minicar Racing, Robotic, Funny led, Olympic tin học… Một hình thức lồng ghép trong đào tạo kỹ năng mềm. Các cuộc thi này không chỉ trong khuôn khổ của nhà trường mà còn thu hút sinh viên các trường cao đẳng, đại học tham gia. Việc này cũng tác động tích cực đối với sinh viên không chỉ trong trường, mà còn gây dựng hình ảnh tốt đẹp từ phía nhà trường đối với sinh viên các trường bạn và xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ