Sinh viên sư phạm khởi nghiệp từ cây chuối

GD&TĐ - Trải qua gần 2 năm thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc tạo ra giấy từ thân cây chuối có độ dai, mỏng phù hợp nhu cầu tiêu dùng.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Với ý tưởng sản xuất giấy từ thân cây chuối, dự án “Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì” của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM xuất sắc vượt qua hơn 600 dự án khác để giành giải Nhất cuộc thi SV Startup 2020.

Trưởng nhóm Trịnh Ngọc Vân Anh cho biết: Dự án hướng đến các sản phẩm giấy từ phế phẩm nông nghiệp của Việt Nam, sau thu hoạch có đến 80% bị thải bỏ. Từ đó, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt giấy bao bì của ngành giấy, đồng thời sản phẩm giấy từ phế phẩm nông nghiệp có thể dùng làm bao bì thay thế cho túi nilon, nhựa sử dụng một lần. 

Từ những ý tưởng ban đầu, Vân Anh cùng các bạn trong trường là Bích Phượng, Thái Bình, Tường Vân tiếp tục nghiên cứu sâu hơn dưới dự hướng dẫn của TS Hoàng Thị Tuyết Nhung - giảng viên khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm. Từ những ý tưởng trên giấy, các em được hỗ trợ làm trong phòng thí nghiệm để tạo ra sản phẩm thật.

Sản phẩm nhận được sự quan tâm và đơn đặt hàng của các cơ sở thông qua buổi giới thiệu sản phẩm tại Techfest 2020. 

Sản phẩm giấy từ thân cây chuối nhắm vào mục tiêu thân thiện môi trường nên hạn chế sử dụng hóa chất trong các khâu sản xuất giấy. Ngoài ra, giấy tạo từ thân cây chuối được sản xuất có cấu trúc vân hoa, màu sắc tự nhiên, phụ thuộc từng giống chuối mang lại trải nghiệm mới cho người tiêu dùng về sản phẩm mới. Đặc biệt, với xu hướng tiêu dùng ngày càng gần gũi thiên nhiên hiện nay của giới trẻ, những sản phẩm có thiết kế mới, độc lạ dễ thu hút người tiêu dùng.

Theo Vân Anh cho biết, để làm được giấy từ thân cây chuối cần trải qua nhiều công đoạn. Ban đầu, chuối được cắt nhỏ, phơi hoặc sấy khô rồi đem nấu ở nhiệt độ cao cùng một chút soda. Hỗn hợp này sau đó được mang đi rửa để bảo đảm độ trung tính, thân thiện với môi trường, rồi trộn với bột keo - loại làm từ phế phẩm nông nghiệp như khoai bị hư. Sau khi trộn, chúng được trải ra khuôn để tạo hình sản phẩm rồi mang sấy khô hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Do nhóm làm thủ công ở quy mô phòng thí nghiệm nên mất nhiều thời gian, đặc biệt khâu sấy khô sản phẩm. Nhiều hôm, các thành viên phải ở phòng thí nghiệm qua đêm bởi nấu từ sáng đến tối thì hết ánh nắng, không phơi tự nhiên được mà sấy nên phải canh nhiệt độ để giấy không bị giòn, dễ rách.

Sau khi giành giải thưởng của WWF, nhóm có 100 triệu đồng để phát triển dự án. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng hỗ trợ 100 triệu đồng và máy móc kiểm nghiệm, mô hình nghiên cứu. Vì vậy, nhóm chuyển dần từ thủ công sang dùng máy. Khoa Cơ khí của trường đang hỗ trợ làm máy module nhỏ, dự kiến hoàn thành trong năm tới.

“Sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất bằng máy, chúng em muốn chuyển giao công nghệ tới địa phương để tiết kiệm giá thành vận chuyển. Chúng em mong muốn ở tỉnh trồng nhiều chuối có một cơ sở sản xuất nhỏ, kiểu như làng nghề, để thu gom thân cây chuối của người nông dân, sản xuất tại đó rồi bán những sản phẩm này”, Vân Anh nói.    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ