Sinh viên nội thực tập hưởng lương… ngoại

GD&TĐ - Liên kết đào tạo với các cơ sở nước ngoài để cấp bằng song ngữ đang là mục tiêu phát triển của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sinh viên Trường CĐ Cơ điện Hà Nội trong xưởng thực hành.
Sinh viên Trường CĐ Cơ điện Hà Nội trong xưởng thực hành.

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chú trọng chương trình thực tập hưởng lương cho sinh viên tại nước ngoài.

Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội về vấn đề này.

Tạo lối mở cho tương lai người lao động

- Theo ông, việc liên kết đào tạo cho sinh viên thực tập và làm việc tại nước ngoài đem lại những lợi ích gì đối với người học và nhà trường?

- Mô hình liên kết đào tạo với các cơ sở nước ngoài cho sinh viên thực tập hoặc tạo cơ hội về việc làm sau khi ra trường là mối quan tâm của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thực tập tại nước ngoài được xem là một trong những cơ hội đem bạn đến với môi trường chuyên nghiệp. Ở đó, bạn được làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi. Nhờ đó, bạn cũng hiểu rõ hơn về tính chất công việc và đưa ra những quyết định sáng suốt cho hành trình tương lai của mình.

Ngoài ra, thời gian thực tập ở nước ngoài còn giúp sinh viên được trau dồi trình độ với các thiết bị hiện đại, tiên tiến mà đôi khi, các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa có.

Đồng thời, kết quả thực tập ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích học tập hoặc quyết định tốt nghiệp của sinh viên. Rất nhiều sinh viên có cơ hội được nhận vào làm ở công ty mà mình đã thực tập sau khi ra trường. Đối với những sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, thực tập tại nước ngoài cũng mở ra lối đi cho các cơ hội tìm việc làm.

Đối với nhà trường, việc liên kết đào tạo với các doanh nghiệp nước ngoài có uy tín cũng chính là cơ hội góp phần nâng tầm thương hiệu của đơn vị. Từ đó sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp “để mắt” tới với mong muốn hợp tác trong đào tạo sinh viên, hỗ trợ cơ sở vật chất, tuyển dụng việc làm…

Qua kinh nghiệm mà Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã làm, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để đưa học viên đi ra nước ngoài là chủ trương mở giúp sinh viên có được đầu ra, có được lối đi hiệu quả cho tương lai.

Hiện, Việt Nam thường liên kết nhiều nhất với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Mới đây còn có thị trường châu Âu như Đức và Úc… Những quốc gia này đều là đất nước phát triển. Vì vậy, sau khi sang thực tập, làm việc, nếu không định cư ở nước ngoài thì khi về Việt Nam, họ cũng tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng và công nghệ ở các nước phát triển. Từ đó, họ sẽ cống hiến cho các doanh nghiệp ở nước nhà hoặc doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam. Mô hình liên kết đào tạo này mang lại hiệu quả để phát triển nguồn nhân lực nội địa, đáp ứng những đòi hỏi về nguồn lao động chất lượng cao của các doanh nghiệp đang mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Thầy Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện HN. Ảnh: NVCC
Thầy Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện HN. Ảnh: NVCC

Đổi mới đào tạo để đáp ứng doanh nghiệp nước ngoài

- Trong quá trình liên kết đưa sinh viên sang nước ngoài thực tập, các cơ sở GDNN đã có những đổi mới nào trong quá trình đào tạo để đáp ứng với nhu cầu người học và xu thế xã hội?

- Trường đã hợp tác với nhiều đơn vị nhưng thị trường Nhật Bản vẫn là hiệu quả nhất. Nhu cầu các doanh nghiệp ở Nhật cũng mong muốn tuyển chọn người Việt Nam đã qua đào tạo ở các trường học, các cơ sở GDNN để thực tập, làm việc.

Với quy định của Nhà nước là các cơ sở GDNN không được phép tự ý đưa sinh viên đã qua đào tạo ra nước ngoài mà phải thông qua một đơn vị ở Việt Nam. Chúng tôi luôn có sự bàn bạc giữa ba bên: Nhà trường – đơn vị cầu nối – doanh nghiệp nước ngoài.

Từ đó, nhà trường phải hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng như thế nào, yêu cầu về nhân lực ra sao… Qua đây, trường sẽ chủ động thay đổi chương trình, phương pháp đào tạo, bổ sung những nội dung mà trước đó nhà trường chưa có.

Ví dụ như hợp tác với Nhật Bản thì cần đưa các chương trình học về văn hóa, ngôn ngữ, đặc thù của người Nhật… Như vậy, các em sẽ được đào tạo ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động.

Như vậy, để việc liên kết được thành công, nhà trường phải bám sát với yêu cầu của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần hiểu về quá trình đào tạo của nhà trường một cách xuyên suốt.

Doanh nghiệp cũng có thể vào kiểm tra đánh giá quá trình đào tạo xem có phù hợp với mong muốn của mình hay không. Tránh tình trạng nhà trường vừa xây dựng chương trình, vừa tổ chức đào tạo, vừa giám sát thi, đánh giá khiến tính minh bạch và khách quan giảm đi. Điều này không đem lại hiệu quả cao trong liên kết đào tạo.

- Theo ông, thực tập hưởng lương tại nước ngoài và cấp bằng song ngữ giúp ích cho sinh viên như thế nào?

- Đây là vấn đề mà nhiều cơ sở GDNN quan tâm. Trường Cao Đẳng Cơ điện Hà Nội đang thực hiện dự án đào tạo theo nguyên bản chương trình của Đức. Chương trình này sinh viên đang theo học năm thứ hai. Theo chương trình các bên đã ký kết với nhau, phía trường sẽ đào tạo ở Việt Nam. Phía Đức sẽ tổ chức đánh giá và cấp cho sinh viên một bằng thứ hai, tức là song bằng. Như vậy, người học vừa có bằng ở trường nghề phía Việt Nam, vừa có bằng do phía Đức cấp. Những sinh viên này được đánh giá chất lượng tay nghề theo tiêu chuẩn của Đức và có thể sang Đức học tập và làm việc.

Trường cũng đã thực hiện mô hình đưa sinh viên thực tập hưởng lương từ 6 tháng đến 1 năm ở Đức, trước đó là Nhật Bản.

Thông thường, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp ở Việt Nam cũng cần thời gian đó. Nhưng nếu được thực tập có hưởng lương ở nước ngoài, các em sẽ có nhiều cơ hội cho bản thân như đã chia sẻ ở trên.

Sinh viên vẫn được doanh nghiệp trả lương, các chế độ sinh hoạt, bảo hiểm, được đánh giá quá trình làm việc… Bên phía trường ở Việt Nam sẽ lập hội đồng để công nhận kết quả đó. Nhiều em sau thời gian thực tập, không những có kiến thức thực tiễn, nâng cao tay nghề trong môi trường chuyên nghiệp mà còn có được số tiền lương tích cóp khoảng 200 triệu đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.