Sinh viên làm thêm: Loay hoay chọn

GD&TĐ - Đầu năm học, rất nhiều việc làm thêm được các trung tâm giới thiệu việc làm của thành phố kết nối doanh nghiệp, công ty trên địa bàn, nhằm đón nhận sinh viên, từ đó giúp các bạn trẻ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, bảo đảm việc học hành. 

Sinh viên làm thêm:  Loay hoay chọn

Việc không thiếu, đó là một thực tế đáng mừng, nhưng rõ ràng để chọn được việc làm thêm phù hợp với thời gian học tập, năng lực và cả sức lực của từng cá nhân lại là vấn đề không đơn giản với phần lớn sinh viên.

Đa dạng đầu việc

Từ nhiều năm nay, Trung tâm Hỗ trợ đời sống học sinh – sinh viên (HS-SV) TPHCM là một trong những địa chỉ tin cậy, có đông SV đến tham khảo thông tin, lắng nghe tư vấn nhằm tìm kiếm việc làm thêm phù hợp.

Em Trần Kim Anh, SV năm thứ nhất Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết: “Quê em tận Quảng Nam, gia đình làm nông, nhà đông anh em nên hoàn cảnh rất khó khăn. Để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ, nên em chủ động tìm việc làm thêm ngay từ đầu năm học. Ở trường và các trung tâm hỗ trợ SV đều có người giúp đỡ, giới thiệu nhiều việc làm thu nhập khá, lại không ảnh hưởng đến việc học cho nên em rất yên tâm”.

Nhận thấy nhu cầu của HS - SV, đặc biệt là tân SV có hoàn cảnh khó khăn từ các tỉnh về TPHCM học tập, ngay từ đầu năm học mới, Trung tâm Hỗ trợ đời sống HS - SV đã liên hệ, kết nối các công ty, doanh nghiệp tìm nguồn việc làm.

Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống HS - SV Nguyễn Trọng Hoàng cho biết, việc làm bán thời gian đầu năm học mới dành cho SV rất nhiều. Hiện, trung tâm đã tiếp nhận hơn 2.000 việc làm từ hơn 300 đơn vị, doanh nghiệp với nhiều vị trí khác nhau.

Có rất nhiều công việc bán thời gian cần SV vào làm ngay như: Bán hàng thời trang, phục vụ, thu ngân tại các nhà hàng, quán ăn, quán cà-phê, trực tổng đài điện thoại, giới thiệu sản phẩm, giao hàng… Thu nhập của các công việc này dao động từ 22.000 - 50.000 đồng/giờ.

Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Thành Đoàn TPHCM), cũng đã kết nối 100 đơn vị có nhu cầu tuyển gấp hơn 2.000 chỉ tiêu tuyển dụng lao động thời vụ, bán thời gian; trong đó, chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, bảo vệ, kinh doanh...

Ngoài ra, hàng chục công ty nhờ tuyển gấp khoảng 500 việc làm dành cho những người đã tốt nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành nghề khác nhau như: Kế toán, nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, giao nhận, cơ khí, điện, tư vấn tài chính… Để hạn chế thời gian đi lại, các bạn cần chuẩn bị sẵn hồ sơ cần thiết mang theo, sau đó liên hệ trực tiếp nhân viên văn phòng giới thiệu việc làm để được hỗ trợ.

Tại Trung tâm Giới thiệu việc làm TP, có hàng nghìn việc làm thời vụ. Ngoài đầu công việc được đăng tuyển tại bảng thông tin, trung tâm còn tổ chức các sàn giao dịch việc làm để SV trực tiếp tới nộp hồ sơ và phỏng vấn xin việc từ các doanh nghiệp. Đây cũng là dịp để các bạn tiếp cận, định hướng những việc làm ổn định khi còn đi học.

Trung tâm giới thiệu việc làm của Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cũng là một nơi đáng tin cậy để người cần việc chọn cho mình những công việc phù hợp như: Thu ngân, nhân viên văn phòng, bán hàng, tạp vụ, phụ bếp, giúp việc nhà, may mặc, làm bánh...

Đặc biệt, phòng hỗ trợ SV của các trường đại học, cao đẳng cũng đã đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho SV. Từ kênh này, các doanh nghiệp có cơ hội tuyển dụng lao động thời vụ có đào tạo, SV cũng tiếp cận được với công việc gắn với chuyên ngành mình theo học…

Chọn việc phù hợp không đơn giản

Khó khăn lớn nhất đối với SV là tìm được một công việc phù hợp với lịch học ở trường. Nhiều hội chợ việc làm với cả ngàn đầu việc được giới thiệu nhưng có rất ít SV nắm bắt được cơ hội bởi yêu cầu thời gian, kinh nghiệm và cả phương tiện đi lại luôn là trở ngại lớn.

Cụ thể, một “Ngày hội việc làm” vừa được tổ chức đã thu hút hơn 10.000 lượt bạn trẻ tham dự, với khoảng 2.000 đầu việc được giới thiệu. Điều đó cho thấy quy mô và sự chuẩn bị kỳ công của đơn vị tổ chức.

Tuy nhiên, có rất nhiều SV đã háo hức đến rồi lại tay không ra về bởi không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đổi lại, các bạn lại tìm đến những công việc “lao động phổ thông” như bảo vệ, phục vụ nhà hàng, phụ việc nhà, phát tờ rơi… với mức lương thấp nhưng lại không có cơ hội học hỏi kinh nghiệm chuyên môn.

Em Nguyễn Văn Bá, SV Trường CĐ Công Thương, cho biết: “Với SV khi chưa có bằng tốt nghiệp, tìm được việc làm thêm đúng chuyên ngành đang học để tích lũy kinh nghiệm cực kỳ khó. Ngoài lý do chưa trang bị đủ kiến thức chuyên môn thì việc sắp xếp thời gian làm sao cho không trùng với lịch học là cả một vấn đề. Có những công việc yêu cầu làm theo ca kíp, bắt đầu từ 3 hoặc 4 giờ chiều thì càng khó bởi giờ đó SV còn học…”.

Thực tế, có những trường ĐH, CĐ liên hệ được nguồn việc làm cho SV vận dụng kiến thức chuyên ngành, tuy nhiên khả năng đáp ứng cho tất cả SV là rất ít.

Chủ tịch Hội SV của một trường ĐH không ngại cho biết: Thông qua hoạt động thực tập, nhà trường liên hệ với doanh nghiệp được khoảng 50 - 60% đầu việc xoay quanh các chuyên ngành là thế mạnh của trường như cơ khí, điện… Tuy nhiên, hạn chế về kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ là trở ngại không nhỏ đối với SV khi tiếp cận công việc, chưa kể đến vấn đề bố trí hài hòa thời gian giữa đi học và làm thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ