Sáng tạo để khởi nghiệp thành công

GD&TĐ - Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những định hướng chiến lược quốc gia. Tại Việt Nam, mặc dù đã có những thành công bước đầu, nhưng nhìn chung hoạt động khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. 

Sáng tạo để khởi nghiệp thành công

Trong đó, nguồn nhân lực vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Đáp ứng những kỳ vọng về khởi nghiệp, các em HSSV cần có sự sáng tạo ngay trong học tập. Bên cạnh đó, các trường cần phải đồng hành trong vai trò kiến tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo.

Sáng tạo luôn cần thiết

Nói về khởi nghiệp trong HSSV, ông Lại Hoàng Dương - Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng - cho rằng: Mục đích cuối cùng của các em HSSV đều là sau khi ra trường có được việc làm ổn định cho bản thân và đóng góp cho xã hội.

Tuy nhiên, bản thân các em không biết nên bắt đầu từ đâu, khi mới tốt nghiệp ra trường, kinh nghiệm thực tế gần như con số 0. Chính vì vậy, những ý tưởng sáng tạo có vẻ như là mấu chốt của vấn đề.

Trong học tập thì tính sáng tạo cũng rất cần thiết, nhưng lại không có nhiều em để ý, ngay từ những việc nhỏ nhất như tìm hiểu bài, làm bài tiểu luận của thầy cô giao hoặc làm báo cáo môn học, tất cả các việc đó đều đòi hỏi tính sáng tạo hay rộng hơn, đó chính là thực tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

Hàng năm có rất nhiều nhóm SV tham gia đề tài nghiên cứu khoa học và đạt giải cao ở các cấp. Đây được xem là những ví dụ sát thực nhất về kinh nghiệm nghề nghiệp đã được đúc rút nhờ các hoạt động nghiên cứu căn bản, giúp ích cho quá trình làm việc sau này.

Về hoạt động phong trào, trong các chương trình văn nghệ của HSSV, có rất nhiều tiết mục hay và độc đáo không hề thua kém các vũ đoàn chuyên nghiệp, kết quả đó chính là nhờ có tinh thần cố gắng cùng với sự năng động, sáng tạo của các em.

“Mọi công việc đều cần đến sự sáng tạo. Khi gặp khó khăn, nó sẽ giúp tìm ra những giải pháp mới để tháo gỡ. Đồng thời, những ý tưởng thông minh sẽ khiến cho công việc trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều quan trọng nhất là mục đích khởi nghiệp của SV không phải là kiếm được nhiều hay ít tiền, mà đó là tư duy, tinh thần sáng tạo, tự lập, chinh phục thử thách, khắc phục và vượt qua khó khăn”- ông Dương chia sẻ.

Trách nhiệm của nhà trường

Thầy Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: Trong đào tạo, các trường mới chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến kỹ thuật mà chưa chú trọng trang bị cho SV những kiến thức cần thiết trong lĩnh vực khởi nghiệp như: Lập kế hoạch kinh doanh, đánh giá nhu cầu thị trường, thuyết trình kêu gọi đầu tư... Đó là lý do số đông các SV chưa thể thực hiện được ý tưởng khởi nghiệp ngay, mà phải cần có thời gian làm việc rồi mới có thể khởi nghiệp.

Điều này đặt trách nhiệm lên các trường ĐH, CĐ với vai trò rất quan trọng không chỉ trong việc kiến tạo môi trường khơi nguồn cho mọi hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà còn đồng hành, hỗ trợ, cung cấp các thông tin, chính sách cho HSSV khi khởi nghiệp.

HSSV có thể đi theo con đường khởi nghiệp chung, nhưng nếu muốn khởi nghiệp sáng tạo thì cần có thêm những tố chất khác, đặc biệt là năng lực nghiên cứu. Nghiên cứu ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường để khi tốt nghiệp có thể nhận được cơ hội của thị trường cho nghiên cứu của mình.

Khởi nghiệp sáng tạo phải gắn với tiềm năng đặc thù của xã hội, góp phần tạo sự phát triển đột phá của đất nước. Do đó, các trường ĐH, CĐ nên đẩy mạnh khuyến khích SV nghiên cứu, qua đó nắm bắt nhu cầu thị trường và tiếp cận với các doanh nghiệp hiệu quả.

Các trường ĐH, CĐ là cầu nối để giúp HSSV liên kết với các trung tâm, doanh nghiệp bên ngoài để có cơ hội học tập, thực hành và cơ hội đầu ra sau khi đã hoàn thành chương trình học tập. Từ đó tạo nên các mạng lưới doanh nghiệp vì xã hội, tạo lập khối sáng tạo xã hội và quan trọng hơn chính là cơ hội thu hút nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp của HSSV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ