Robot phòng chống Covid đoạt giải Nhất thi “Sáng tạo robot và máy thông minh”

GD&TĐ - Tại cuộc thi “Sáng tạo robot và máy thông minh” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức (khu vực miền Bắc), Trường THPT số 1 TP Lào Cai (Lào Cai) đã xuất sắc giành 1 giải Nhất và 1 giải Tư.

Nhóm GV và HS Trường THPT số 1 Lào Cai tham dự cuộc thi “Sáng tạo robot và máy thông minh” khu vực miền Bắc đã giành giải Nhất và giải Tư. 	Ảnh: NTCC
Nhóm GV và HS Trường THPT số 1 Lào Cai tham dự cuộc thi “Sáng tạo robot và máy thông minh” khu vực miền Bắc đã giành giải Nhất và giải Tư. Ảnh: NTCC

Thành công sẽ tiếp thêm động lực để GV, HS nhà trường say mê, dấn thân với nghiên cứu khoa học kĩ thuật.

Biến kiến thức thành sản phẩm hữu ích

Thầy Nguyễn Trung Cao – người hướng dẫn nhóm HS Trường THPT số 1 Lào Cai đoạt giải Nhất tại cuộc thi “Sáng tạo robot và máy thông minh” cho biết: Trường có 2 đội tuyển tham dự và cũng là đơn vị duy nhất trong khối THPT đại diện tỉnh Lào Cai tham gia. 
Với chủ đề “Chế tạo robot phòng chống dịch Covid”, cuộc thi yêu cầu HS phải áp dụng kiến thức đã học tại trường, thiết kế, chế tạo và lập trình robot hoặc máy thông minh có tính năng chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng chống hoặc tiêu diệt virus, giữ gìn vệ sinh cho khu vực mình sinh sống. 

Đặc biệt, thí sinh THPT sẽ thiết kế, chế tạo và lập trình để robot khử khuẩn tự động. Robot phải có khả năng diệt khuẩn bằng ánh sáng và phun thuốc diệt khuẩn. Thuốc diệt khuẩn cũng phải do đội thi tự pha chế nhằm đạt hiệu quả cao nhất… 

Ở vòng thi đấu trực tiếp có 10 đội đến từ các trường THPT ở khu vực miền Bắc. Vượt qua nhiều đội, 2 đội thi của HS Trường THPT số 1 Lào Cai đã xuất sắc giành giải Nhất và giải Tư. 

Thầy Nguyễn Trung Cao chia sẻ: Robot của  HS Trường THPT số 1 Lào Cai giành giải Nhất vì thể hiện sự vượt trội trong việc xử lý dò đường. Đây là một bất ngờ và khó khăn mà đội đã xử lý thành công bởi bình thường việc thực nghiệm thường diễn ra trong nhà nhưng khi thi đấu lại tiến hành ở ngoài trời. Như vậy, cốt dò đường phải tối ưu hơn rất nhiều mới thực hiện tốt tính năng khi thi đấu. 

Mặt khác, sản phẩm cũng được đánh giá cao vì có thiết kế đường cua không lệch, robot không bị đi lại nhiều lần. Hơn thế, góc cua để robot đi phun thuốc được tính toán tối ưu nên có thể tăng tốc và bảo đảm thời gian đi tốt nhất…

Đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi, song thầy Nguyễn Trung Cao cho rằng, sản phẩm vẫn có thể cải tiến tốt hơn khi có thời gian nghiên cứu dài hơn. Đội sẽ khắc phục để robot có thể đi nhanh hơn mà không bị trôi…
Chia sẻ về khó khăn khi tham gia cuộc thi, em Phạm Đăng Khuê – Đội trưởng chia sẻ: Với lập trình robot, điều kiện cơ sở vật chất, bộ dụng cụ để HS thực tập và thực hành phải đầy đủ, hiện đại. Tuy nhiên với điều kiện nhà trường còn hạn chế, việc trang bị chưa đầy đủ. Mặt khác, chỉ một vài nội dung lập trình robot chúng em được tiếp cận trước nên khi tham dự cuộc thi phải tự tìm kiến thức và nghiên cứu rất nhiều. Nếu nhà trường có điều kiện thuận lợi hơn về phòng học STEM, Lap… chắc chắn HS sẽ được tăng khả năng, thời gian thực hành nhiều hơn. Như vậy, HS sẽ dễ dàng giải “bài toán” lập trình robot trước khi dự thi. 

Thầy Nguyễn Trung Cao cũng cho rằng: Với HS vùng cao, điều kiện làm quen với robot hoặc tiếp cận ứng dụng khoa học kĩ thuật cao còn hạn chế. Mặt khác, cuộc thi diễn ra vào thời điểm nhóm HS bước vào kiểm tra giữa kỳ. Các em phải đầu tư thời gian nhiều hơn cho học tập, nên việc hoàn thiện sản phẩm diễn ra trong thời gian ngắn. Những tuần cuối cùng trước khi sản phẩm hoàn thành, nhóm gần như không có thời gian nghỉ, phải tranh thủ cả buổi trưa để hoàn thiện robot.
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Trung Cao, may mắn nhóm nghiên cứu nhận được sự quan tâm, động viên và tạo điều kiện từ nhà trường. Ngay sau khi nhóm đưa ra đề xuất tham dự cuộc thi, nhà trường đã ủng hộ và mua linh kiện để nhóm có thể lắp ráp 2 robot tham dự cuộc thi.

Thúc đẩy giáo dục STEM

Nhóm HS Trường THPT số 1 Lào Cai (Lào Cai) tại cuộc thi “Sáng tạo robot và máy thông minh” khu vực miền Bắc. Ảnh: NTCC
Nhóm HS Trường THPT số 1 Lào Cai (Lào Cai) tại cuộc thi “Sáng tạo robot và máy thông minh” khu vực miền Bắc.     Ảnh: NTCC

Theo cô Phạm Thị Tuyết Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 TP Lào Cai: Với HS phổ thông, việc theo học các môn học STEM có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, HS sẽ chủ động, thích thú với việc học tập thay vì thái độ e ngại hoặc tránh né một lĩnh vực nào đó…

Mặt khác, những HS học theo cách tiếp cận giáo dục STEM đều có ưu thế nổi bật như: Kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn; khả năng sáng tạo, tư duy logic; hiệu suất học tập và làm việc vượt trội; và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm...
Theo cô Phạm Thị Tuyết Thanh: Sau khi đoạt giải Nhất, nhóm HS đề xuất mong muốn được đến các trường học vùng sâu, xa, khó khăn để hướng dẫn, giúp đỡ cho các bạn biết cách lập trình và tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật ở cấp huyện hoặc giao lưu giữa các trường. Ý tưởng này nhà trường sẽ giúp nhóm triển khai vào học kỳ II bởi không chỉ giúp HS tăng thêm trải nghiệm, mà còn lan tỏa tinh thần, cách học STEM trong thực tế.

Đặc biệt, hiện nay ngoài các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật do Sở GD&ĐT Lào Cai triển khai, tại các cuộc thi cấp toàn quốc, Trường THPT số 1 Lào Cai đều quan tâm tham dự. Bởi “Mỗi sân chơi khoa học là 1 cơ hội tốt để GV, HS được trải nghiệm, thực hành, học hỏi…” - cô Thanh bày tỏ.

Được dạy học trong môi trường ứng dụng STEM, mỗi người thầy phải không ngừng học hỏi, tự nâng cấp chính mình. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và sự phát triển toàn diện của HS. Giáo dục STEM là động lực, cơ hội để GV được học, thực nghiệm và phát triển. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ