Quyết tâm khởi nghiệp của chàng trai hội chứng Down

GD&TĐ - Tại Mỹ, những chiếc vớ (tất) mang thương hiệu Crazy Socks không chỉ đặc biệt vì thiết kế mà đằng sau nó còn là câu chuyện của chính người sáng lập - John Cronin, chàng trai 21 tuổi đến từ thị trấn Huntington, thành phố New York, Mỹ mắc hội chứng Down từ khi còn bé.

Quyết tâm khởi nghiệp của chàng trai hội chứng Down

John Cronin tốt nghiệp trung học vào tháng 5 vừa qua. Cũng như nhiều bạn bè cùng lớp, anh hồi hộp và phấn khởi bắt đầu một chương mới trong cuộc đời của mình. Tuy nhiên, John không giống như những bạn vừa rời mái trường trung học.

Trong khi phần đông trong số họ bàn tính việc chọn học ở các trường đại học nào, thì John lại có kế hoạch hoàn toàn khác. Chàng trai 21 tuổi này vốn bị ám ảnh với những đôi vớ bắt đầu điều hành một doanh nghiệp.

Sẽ không có gì đáng nói nếu John không mắc phải hội chứng Down. Tuy nhiên, tình trạng bệnh này không làm anh nản chí. Anh là người đồng sáng lập John’s Crazy Socks, một cửa hàng bán vớ online và hiến tặng một tỷ lệ phần trăm doanh số bán hàng cho các tổ chức từ thiện giúp những người khuyết tật.

Với doanh số bán bùng nổ chỉ sau 4 tháng hoạt động, câu chuyện của John là một điển hình tạo cảm hứng về doanh nghiệp sáng tạo. “Tôi yêu những đôi vớ, bởi vì chúng nhiều màu sắc, dễ thương và giữ ấm cho bàn chân của chúng ta”, John nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí MONEY.

John sống với cha mẹ, Mark và Carol Cronin ở Huntington, New York, Mỹ. Anh học trường trung học Huntington một buổi, sau đó bắt xe buýt đến Wilson Tech vào buổi chiều để học về các nghiệp vụ giao tiếp khách hàng và bán lẻ. Anh cũng tham gia thi đấu trong đội thể thao trượt tuyết của trường.

Được hỏi về kế hoạch sau khi tốt nghiệp trung học và anh đã bàn bạc với cha mẹ ra sao về đường hướng tương lai, John cười nói đùa: “Tôi muốn mở một cửa hàng bán thức ăn trên xe tải (với bố tôi) nhưng vấn đề chính là chúng tôi không biết nấu nướng”.

Thực tế là John và bố hình thành ý tưởng và quyết định thực hiện điều mà anh yêu thích nhất, đó là những đôi vớ. Và John’s Crazy Socks đã ra đời vào tháng 12-2016. Những chiếc vớ đầu tiên được bán cho chính những người dân sống trong khu vực lân cận.

Kể từ khi đi vào hoạt động, Mark và John luôn bận rộn. Trong khi John sắp xếp phiếu đặt hàng và là khuôn mặt trên video giới thiệu, xúc tiến quảng cáo của công ty thì Mark chăm lo các khía cạnh kỹ thuật của doanh nghiệp, như kế toán, kiểm kê và quản lý nhân viên.

Cùng với nhau, họ đã đưa tổng doanh số bán hàng từ 14.700 USD vào tháng 12-2016, đến 350.000USD vào tháng 3 năm nay, mà không có bất cứ hoạt động tiếp thị nào, bởi Shopify, diễn đàn mà John và Mark dùng để bán những đôi vớ của họ. Thực tế, John’s Crazy Socks phát triển rất nhanh đến mức gia đình Cronin phải chuyển đến một tòa nhà lớn hơn.

“Khi mở doanh nghiệp, tôi nghĩ chúng tôi sẽ nhận không nhiều đơn đặt hàng nhưng không ngờ ngay ngày đầu, hàng hóa chuyển đi rất nhiều. Thực tế, chúng tôi hầu như không có hàng tồn kho”, Mark nói.

Để đáp ứng làn sóng đặt hàng ồ ạt trong tháng đầu tiên, Mark mua và bán lại những đôi vớ từ các siêu thị Kmart ở địa phương để giữ mối khách hàng. Ngày nay, hai cha con đã có những sự chuẩn bị kỹ càng. Nguồn hàng của họ đến từ các nhà sản xuất trên toàn thế giới và John đã tự mình thiết kế một đôi vớ, được sản xuất ở Mỹ.

Trong khi hầu hết doanh số bán ban đầu của họ đến từ phương thức truyền miệng, cả hai có một cơ hội thuận lợi để quảng bá vào tháng Ba vừa rồi. The Mighty, một cộng đồng online chuyên kể những câu chuyện về người khuyết tật và bệnh tật, đã đề cao John’s Crazy Socks trên Facebook của họ, với đầu đề “Chỉ trong 2 tháng anh ta đã bán hơn 1.000 đôi”.

Mark có những thông báo thiết lập trên điện thoại của mình để khi một đơn hàng được đặt, ông sẽ biết được ngay qua âm thanh mặc định. “Ngày đó, chúng tôi không biết post video lên mạng, do đó điện thoại cứ báo liên tục cả ngày và đêm”, Mark nói.

Video mà ông đề cập hiện có 19 triệu lượt xem và đã giúp cho gia đình Cronin đạt 10 ngàn đơn đặt hàng trong tháng Ba, theo số liệu ghi nhận bởi MONEY. Trong khi đó, vào tháng Hai, công ty chỉ có 900 đơn hàng.

Tuy nhiên, John và Mark mỗi người đều cố gắng tăng doanh số cá nhân. Cả hai tự giao hàng đến các ngôi nhà ở khu vực Long Island. Với bất cứ ai sống xa hơn, John làm một cái gì đó thật đặc biệt. “Trong mỗi hộp, tôi để một miếng giấy viết tay nhỏ, một vài cái kẹo và hai thẻ giảm giá 10%. Một cái cho khách hàng và một cho người bạn của họ”, John nói.

Khẩu hiệu của John’s Crazy Socks là “Lan truyền hạnh phúc qua đôi vớ” và công ty lan truyền hạnh phúc đến những người có nhu cầu. Năm phần trăm lợi nhuận của John chuyển cho đội tuyển trượt tuyết ở trường và anh cũng tặng tiền cho tổ chức Hội chứng Down quốc gia và Hiệp hội trẻ em với hội chứng Down.

Ngoài ra, công ty cũng đóng góp vào các quỹ từ thiện và các tổ chức như: Nhận thức tự kỷ, nghiên cứu ung thư vú, Bảo tàng cá voi và trung tâm giáo dục cảng Cold Spring.

“Tôi yêu công việc của tôi. Tôi muốn duy trì nó. Tôi muốn phát triển. Bố tôi là người truyền cảm hứng cho tôi và tôi muốn làm việc với ông”, John nói. Trong khi đó, Mark hi vọng câu chuyện của John sẽ truyền cảm hứng cho những bậc phụ huynh khác có con mắc hội chứng Down và giúp họ hiểu rằng không có gì là không thể.

Những đôi vớ đã giữ cho bàn chân của bạn ấm áp và John đã cho thấy rằng chúng cũng có thể giữ ấm con tim của bạn nữa.

Theo Time

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ