Nữ sinh 18 tuổi tại diễn đàn của Liên Hiệp Quốc

GD&TĐ - Đang là sinh viên y khoa năm đầu, Poorva trở thành đại biểu nhỏ tuổi nhất tham gia một diễn đàn quan trọng của Liên Hiệp Quốc.

Nữ sinh 18 tuổi tại diễn đàn của Liên Hiệp Quốc

Học sinh cá tính

Đó là giây phút hãnh diện nhất đối với bác sĩ phẫu thuật nhãn khoa, Radharani Patil, khi cô con gái 18 tuổi của bà, Poorvaprabha Patil, trở thành người trẻ nhất đại diện cho châu Á-Thái Bình Dương tại Diễn đàn đa ngành lần 2 về Khoa học, Kỹ thuật và Sáng tạo (STI) vì những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York hồi tháng năm vừa qua.

Để có được như hôm nay, người mẹ đơn thân này phải trải qua một chặng đường dài đầy chông gai, vất vả.

Khi Poorva mới lên 10 tuổi, vợ chồng bà ly dị và Radharani nhận nuôi 2 con của mình, trong đó Poorva là một cô bé đang tuổi hồn nhiên và tỏ ra thông minh so với bạn bè cùng lứa tuổi.

Poorva cho biết: “Một bác sĩ tại Mumbai đã ra bài kiểm tra IQ của tôi khi tôi còn nhỏ. Kết quả tôi đã đạt được 145 điểm. Mẹ tôi đã nói rằng sớm hay muộn, tôi sẽ không phù hợp với bất cứ trường học bình thường nào”, Poorva nói. Dự báo của người mẹ đã thành sự thật, Poorva đã gặp những rắc rối ở trường học khi cô bước vào tuổi teen.

Cô nhớ lại những trải nghiệm đau thương nhất trong trường học đầu tiên của mình. “Đó là một trường công lập và mọi thứ dường như rất dễ dàng đối với tôi. Trong giờ học, khi giáo viên mới giải thích đoạn văn đầu tiên, tôi đọc và hiểu toàn bộ chương đó. Tôi nhớ một lần ở lớp 7, khi được dạy về điểm sôi và điểm đóng băng, tôi đã hỏi giáo viên điều gì sẽ xảy ra với thủy ngân ở điểm sôi. Cô giáo đã tảng lờ và nói rằng câu trả lời có ở cuối chương này và tôi cần phải kiên nhẫn. Tôi nói với cô giáo rằng tôi đã đọc toàn bộ chương và không thấy gì cả. Điều này khiến cô giáo tức giận và tôi bị đuổi ra khỏi lớp. Thế là tôi trở thành người nổi loạn, bởi vì tôi không bao giờ xin lỗi về những gì tôi cảm nhận là đúng”.

Dần dần mọi thứ bắt đầu trở nên phức tạp hơn đối với Poorva ở trường. Cô thường bị trừng phạt vì những điều nhỏ nhặt, như không buộc tóc lên, mặc dù cô có mái tóc ngắn. Các giáo viên luôn kéo váy của cô lên để kiểm tra xem cô có mặc quần soóc bên trong không, thậm chí cô còn được yêu cầu mặc thêm chiếc áo lót bên trong, bởi theo một giáo viên, các đường áo ngực của cô bị lộ rõ dưới đồng phục.

Ngay sau những việc này, Poorva nghỉ học vì cảm thấy bị tổn thương sâu sắc và cũng vì có những thay đổi đột ngột trong cuộc sống. Kinh tế gia đình cô đi xuống, mẹ cô cần nhiều khoản phải chi tiêu cho gia đình, bà không thể nghỉ phép, thậm chí trong một ngày. Mặc dù vậy, bà vẫn hỗ trợ Poorva và bắt đầu dạy cô học ở nhà. 

Poorva luôn hoàn thành công việc của tuần chỉ trong một ngày và dành thời gian rảnh học thiết kế đồ hoạ tại một trung tâm. Cô hoàn thành khóa học ba tháng chỉ trong một tháng. Thời gian còn lại, cô đến thăm một tổ chức phi chính phủ ở gần đó và quan sát họ chăm sóc những loài vật bị bỏ rơi. Cô cũng bắt đầu dành nhiều thời gian hơn với mẹ tại phòng khám của bà. Điều này cũng cho cô thấy một khía cạnh khác của mẹ mình.

“Trong một ngày, mẹ tôi chữa trị mà không nhận thù lao của ít nhất 5 hay 6 bệnh nhân, những người không đủ khả năng về tài chính. Tôi chưa thấy một nhà hoạt động từ thiện nào như vậy, bà làm việc thiện trong lúc còn rất nhiều khoản nợ phải trả và hai đứa trẻ phải nuôi. Tôi đã nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của bệnh nhân, khi họ được chữa khỏi. Đó là điều còn quý hơn tiền bạc rất nhiều. Và tại nơi này, tôi quyết định về tương lai của mình. Tôi muốn trở thành một bác sĩ giống như mẹ tôi và làm việc giúp đỡ những người kém may mắn”, Poorva nói.

Khó khăn không chùn bước

Trong thời gian một năm, Poorva đã lấy lại sự tự tin của mình và đã sẵn sàng để đi học trở lại. Nhưng tiếc là ở Ratnagiri chỉ có hai trường học mà cô thì không được nhận vào trường nào cả. Vì vậy Poorva được gửi đến trường CBSE ở Kolhapur, tại đây cô sắp xếp và định hướng con đường sắp tới của mình, học tập với thành tích xuất sắc và hăng say với các hoạt động ngoại khóa. Cô đại diện cho trường mình tại các sự kiện khác nhau và luôn đạt điểm cao trong lớp 10.

 “Đó là một bầu không khí mới. Không có ai phán xét và thành kiến với tôi, cũng không ai biết tôi từ đâu đến. Chỉ trong sáu tháng, tôi được làm chủ tịch hội học sinh của trường. Từ đó, tôi đã quên hết những điều đau buồn cũ”, cô nhớ lại.

Tuy nhiên, Poorva không hề biết rằng cuộc đấu tranh của cô vẫn chưa kết thúc. Cô tập trung hoàn toàn vào việc học của mình để vượt qua kỳ thi đại học. Do không có thời gian cho cuộc sống riêng tư của mình nên cô đã bị trầm cảm. Poorva bị suy sụp tinh thần và mất hầu hết những người bạn trong giai đoạn này. Cô luôn buồn bã và có thể bị kích động bởi những điều nhỏ nhặt, nhưng ngay cả với tình trạng tâm thần như vậy, cô vẫn đạt điểm rất cao trong lớp 12.

Tuy nhiên, cô đã phải đối mặt với một rào cản khác, khi đạt điểm tốt đáp ứng tất cả các điều kiện để đi học tập ở nước ngoài, nhưng cô không thể vì không có tiền. Điều này làm Poorva suy sụp, cô không ra khỏi nhà trong suốt 32 ngày.

Cuối cùng, Poorva đến bác sĩ tâm thần và được chẩn đoán là bị trầm cảm nặng. Cô được cho uống thuốc để thoát khỏi các vấn đề về tâm thần. Với tình yêu mãnh liệt, sự tin tưởng và sự ủng hộ từ những người thân yêu của mình, Poorva đã vượt qua tình trạng này và hồi phục trong vòng chưa đến nửa năm.

Tuy nhiên, đối với cô, những thách thức dường như chưa kết thúc ở đây. Chỉ vài ngày sau khi nộp đơn xin thi vào trường ĐH Y Kasturba (KMC), cô được thông báo là trường không còn chỉ tiêu và cách duy nhất để tìm một chỗ ở đại học này là vượt qua Kỳ thi tuyển sinh quốc gia với điểm xuất sắc.

Nhưng cuộc sống đã làm cho Poorva thực sự mạnh mẽ… Cô không bỏ cuộc và hiện nay đã đạt được mục đích là vào KMC.

Hiện tại, đang theo học chương trình cử nhân y học và cử nhân phẫu thuật của KMC, Poorvaprabha cũng là nghiên cứu viên của Diễn đàn Nghiên cứu Sinh viên, thành viên của Tổ chức Dịch vụ Tình nguyện viên, của Red-X, của Cutting Edge, của Ủy ban Bioethics, nhà thiết kế đồ hoạ hàng đầu tại Scientia Medicina, thành viên ban chấp hành của hội nghị Lindo Alumni-Ấn Độ-Đức, và cũng là thành viên của hội đồng sinh viên của KMC ở Manipal.

Cô cũng là tình nguyện viên chính của Wildlife Survivors, một tổ chức phi chính phủ hoạt động để bảo vệ và bảo tồn động vật hoang dã, hoạt động tại các vùng duyên hải của Maharashtra. Cô cũng đã thực hiện rất nhiều dự án và đã tham gia tích cực vào nhiều tổ chức phi chính phủ cùng các tổ chức tập trung vào các vấn đề y tế và vệ sinh, đói nghèo, phúc lợi trẻ em, bình đẳng giới, bảo tồn động vật hoang dã và biến đổi khí hậu.

Không có gì ngạc nhiên khi một tổ chức như Liên Hợp Quốc đã nhận ra được năng lực của Poorvaprabha Patil. Tài năng, sự đấu tranh và thành công của cô như là huyền thoại.

Có mặt tại một diễn đàn quan trọng, cô là đại biểu duy nhất được lựa chọn từ khu vực cho cuộc gặp gỡ này. Poorva cho biết: “Đây là một trải nghiệm lớn lao mà tôi có được từ chuyến đi này. Là người duy nhất được chọn từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương khiến cho tôi vô cùng hạnh phúc”.

Theo Thebetterindia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...