Nữ họa sĩ 9X vẽ bộ lịch chuột độc đáo kể chuyện triều Nguyễn

Nữ họa sĩ 9X vẽ bộ lịch chuột độc đáo kể chuyện triều Nguyễn

Rúc rích tích xưa

Bằng cách tạo hình ngộ nghĩnh, sinh động, những chú chuột trong tranh của Tuyết Tuyết hóa thân vào các nhân vật lịch sử và rúc rích kể tích truyện xưa theo suốt 12 tháng. Đấy là những tích truyện gắn liền với các vị vua nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thành Thái, Duy Tân, Tự Đức, Thiệu Trị và Khải Định.

Tích truyện “Gia Long đế và sự tích Lấp Vò” được kể ngay ở tháng đầu tiên của năm mới 2020. Tranh kể về đêm Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) bị quân Tây Sơn truy đuổi, dẫn quân về Lấp Vò, để lại nhiều dấu chân trên đất ẩm. Nguyễn Ánh khấn: “Nếu số mạng của quân ta chưa tận, xin hãy lấp dấu chân đi để kẻ địch không truy tìm” và ở phía sau là bóng dáng những người lính truy đuổi. Dường như trời đất linh thiêng, đến sáng mưa to, mọi vết tích của đoàn quân đều mất.

Sang đến tháng 2, tích “Gia Long kể chuyện hậu phi” được tái hiện một cách sinh động. Đấy là vua Gia Long mặc hoàng bào ngồi trên sập gụ tâm sự với triều thần gốc Pháp là J.B. Chaigneau, cũng đội khăn xếp nhưng mặc áo kiểu nhà binh, đeo gù trên vai về những bà vợ ở chốn hậu cung là “một lũ quỷ sứ thật sự”. “Chúng cãi vã nhau, ngược đãi nhau, phỉ báng nhau và sau đó, tất cả chạy đến cầu xin trẫm phân xử. Nếu làm đúng, trẫm sẽ luôn luôn khiển trách tất cả. Trẫm không biết ai chịu nhường nhịn ai trong cơn giận dữ”.

Chuyện về vua Gia Long khép lại ở hai tháng đầu tiên để bước sang chuyện của vua Minh Mạng với những tích “Minh Mạng đế cầu mưa”, “Minh Mạng đế nhét vàng vào tay hiền phi” và “Minh Mạng đế và Cao Bá Quát” được kể ở tháng 3, tháng 4 và tháng 5. Ở tháng 3, họa sĩ đã khéo léo “phân tầng” sự việc: Phía trên vua Minh Mạng thành tâm cầu mưa còn ở dưới là đám cung nữ không khỏi ngạc nhiên khi bị đuổi về quê. Hình ảnh này khiến người xem bật cười với chỉ dụ cầu mưa có “1-0-2”: “Hai ba năm trở lại đây, hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ tự đâu đến thế nhưng chưa tìm ra nguyên nhân, hoặc là thâm cung cung nữ quá nhiều, âm khí uất tắc mà nên như vậy ư? Nay bớt đi, cho ra 100 người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai từ đây”.

Bật cười như thế để rồi không khỏi xúc động trước tình phu thê của ông vua đào hoa này với bà phi Ngô Thị Chính, được thể hiện ở bức tranh tháng 4 “Minh Mạng đế nhét vàng vào tay hiền phi”. Vua Minh Mạng có nhiều phi tần, nhưng yêu thương bà Chính hơn cả. Khi còn son trẻ, bà phi thường nũng nịu với vua: “Dù vua có thương thiếp bao nhiêu đi nữa thì đến khi chết, thiếp cũng chỉ ra đi hay tay không mà thôi”. Khi bà mất, vua nhớ câu nói xưa liền đến chỗ bà nằm, truyền thái giám mở hai bàn tay bà ra, vua đặt hai nén vàng vào đó rồi nắm lại.

Riêng ở tháng 5, “Minh Mạng đế và Cao Bá Quát”, khi vua đi kinh lý, dạo chơi hồ Tây, dân chúng không ai dám tới gần. Nhưng có một người là Cao Bá Quát bơi lội bì bõm trên hồ làm hỏng cảnh đẹp của vua. Lính bắt người đó lôi lên bờ, người đó khai là học trò. Vua bèn ra vế đối, nếu “học trò” đối được thì tha: “Nước trong leo lẻo, cá đớp cá”. Cao Bá Quát đối ngay: “Trời nắng chang chang, người trói người”. Vua Minh Mạng dù giận nhưng vẫn tha cho Cao Bá Quát ra về.

Đến tháng 6 và tháng 7, bộ lịch kể liền hai tích về các hoàng đế Tự Đức và Hàm Nghi cùng để người đời nay soi vào lòng hiếu kính với tổ tông, cha mẹ, với người thầy dạy dỗ mình của các vị vua với những tích “Tự Đức đế dâng roi chịu phạt” và “Hàm Nghi đế kính cẩn chào thầy”. Năm 1888, vua Hàm Nghi 17 tuổi bị Pháp bắt sau 3 năm vào rừng kháng chiến. Quân Pháp tổ chức chào đón vua long trọng nhưng vua tỏ ra không hiểu, không nhận mình là Hàm Nghi. Quân Pháp dùng nhiều cách để thử vua nhưng không thành. Đến khi người Pháp đem thầy của vua là Nguyễn Nhuận đến thì nhà vua vô tình đứng dậy vái chào. Thế là nhà vua bị Pháp nhận ra, bị đày đi Algérie.

Có hai câu chuyện tình được kể trong bộ lịch này qua những nét vẽ rất ngọt, rất duyên tuy nhiên cái kết trái ngược nhau. Nếu như ở tháng 8 là chuyện tình viên mãn, thơ mộng của “Thành Thái đế và cô lái đò” thì ở tháng 11 là chuyện tình ban đầu tưởng đơm hoa trái ngọt giữa vua Duy Tân và bà Hồ Thị Chỉ nhưng sau là cái kết buồn…

Tháng 9 có bức tranh “Thành Thái đế cắt tóc”. Vua Thành Thái có tinh thần duy tân, đã cắt tóc để làm gương cho các sĩ phu trong nước. Cắt tóc xong, vua dạo một lượt qua các bà phi hỏi có đẹp không. Bà nào cũng khen đầu vua đẹp, chỉ riêng bà tài nhân Dương Thị Ngọt không khen còn bảo: “Trong giống như kẻ cướp”. Vua nổi giận bèn xử bà tội chết. Trong khi đó, cuộc đối đáp giữa vua Duy Tân và cha cố Pháp của tháng 10 được họa sĩ thể hiện bằng bút pháp khá khôi hài ở sự đối lập. Dáng hình nhỏ bé của vua Duy Tân lúc 12 tuổi bị dáng hình hộ pháp của cha cố lấn át. Thế nhưng đối lập lại là tài trí của vị vua thiếu nhi khi đối đáp khiến cha cố bẽ bàng.

Chỉ dành tháng 12 để kể chuyện vua Khải Định, Tuyết Tuyết đã chọn tích “Khải Định đế thiết kế trang phục”. Vua Khải Định tự thiết kế trang phục cho mình, thích trang điểm, chít khăn vàng, đội nón, đeo hạt xoàn. Khi vua mặc trang phục mình tự thiết kế sang Pháp dự Hội chợ thuộc địa, Phan Chu Trinh đã viết Thất điều trần, trách vua 7 tội trong đó có tội “ăn mặc lố lăng”. Trong đó viết: “Bệ hạ tự chế ra một thứ lễ phục kiểu mới. Kiểu ấy là trên áo cẩm bào cũ, thêu vào cái cầu vai kiểu Âu, còn cổ áo và tay áo thời đính vài ngọc lòe loẹt, Âu không ra Âu, Á không ra Á”.

Thành công được dẫn lối từ đam mê

Tích truyện “Hàm Nghi đế kính cẩn chào thầy” được kể ở tháng 7 của bộ lịch đón năm mới Canh Tý 2020.
Tích truyện “Hàm Nghi đế kính cẩn chào thầy” được kể ở tháng 7 của bộ lịch đón năm mới Canh Tý 2020.  

Hỏi chuyện Tuyết Tuyết về nguyên nhân nào để nữ họa sĩ 9X thực hiện bộ lịch đón năm mới 2020 bằng những bức tranh đầy ấn tượng, cô vui vẻ chia sẻ đấy là một sự tình cờ. Trong một lần được tặng cuốn lịch, mỗi trang là hình minh họa một câu chuyện cổ tích, Tuyết Tuyết nhận ra đấy là ý tưởng rất hay, cô liền đặt câu hỏi cho riêng mình: “Sao không vẽ một cuốn lịch về những tích truyện của Việt Nam, nước mình cũng có rất nhiều truyện hay mà?”.

Tuy nhiên, việc lựa chọn các tích truyện đối với Tuyết Tuyết không hề dễ dàng, bởi lẽ trong dân gian cũng như trong sách sử có cả kho truyện, giai thoại về các vị vua. Chính sự phong phú này mà người họa sĩ phải cất công tìm kiếm để lựa chọn ra chỉ 12 tích truyện với những tiêu chí: Phải thực sự nổi bật, được nhiều người biết đến... Một tiêu chí đặc biệt quan trọng nữa là những tích truyện ấy phải có thể biểu đạt bằng tranh vẽ, nghĩa là nội dung tích truyện cần ôm chứa màu sắc hội họa. Thêm một yếu tố khó khăn nữa cần phải kể đến là để hợp với bộ lịch dành cho năm Canh Tý, các nhân vật kể chuyện sẽ là các chú chuột.

Bên cạnh đó, ý tưởng của nữ họa sĩ trẻ Tuyết Tuyết còn vấp phải rất nhiều khó khăn. “Có nhiều người vừa nghe tôi kể về việc vẽ tranh chuột kể chuyện lịch sử đã bày tỏ thái độ không ưa. Điều này cũng dễ lý giải vì xưa nay trong suy nghĩ của nhiều người hình ảnh con chuột thường không tốt đẹp cho lắm. Đã có người khuyên tôi nên chọn phương án khác. Thế nhưng tôi vẫn muốn giữ ý tưởng của mình, nên đã cố gắng vẽ tranh sao cho thật dễ thương, mọi người khi xem bộ lịch này sẽ cảm thấy hình ảnh chú chuột cũng đáng yêu vô cùng” - Họa sĩ Tuyết Tuyết chia sẻ.

Với quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng của mình một cách mãnh liệt, Tuyết Tuyết bắt tay vẽ bộ tranh lịch chào đón năm mới Canh Tý bằng digital painting (vẽ trên máy tính) một cách hào hứng, say mê. Nhận ra đây là các tích truyện cổ và cũng vì mong muốn bộ tranh có màu sắc cổ trang, cô thường sử dụng các tông màu trầm cùng cách vẽ của tranh dân gian. Thế nên, bộ lịch của nữ họa sĩ 9X Tuyết Tuyết với “thần thái” rất hiện đại phần lớn được thể hiện qua ánh mắt to tròn long lanh nhưng dường như cử chỉ, điệu bộ, động tác và cả màu sắc lại khiến người xem như gặp lại dáng dấp của những chú chuột trong tranh dân gian Đông Hồ, tranh dân gian Hàng Trống năm xưa. Họa sĩ còn mời một nhà nghiên cứu tư vấn về lịch sử trang phục triều Nguyễn.

Nếu tính cả thời gian lúc lựa chọn tích truyện và thực hiện, cô đã mất gần 2 tháng. Thật thà chia sẻ, Tuyết Tuyết cho biết: “Bộ tranh lịch được thực hiện trong cảm hứng nhất thời nhưng chưa khi nào tôi lơ là với từng nét vẽ, từng ý tưởng, từng câu chuyện. Thêm nữa, trong suốt thời gian đó, tôi gác hết những công việc khác cũng như không tham gia dự án nào khác mà dành toàn tâm sức cho vẽ tranh lịch”. Vừa hoàn thành bộ tranh lịch đón năm mới 2020, Tuyết Tuyết lại bắt tay tiếp tục thực hiện bộ truyện tranh “Cánh hoa trôi giữa hoàng triều”. Đây là bộ truyện tranh lịch sử kể về mối tình giữa Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng đang rất thu hút sự quan tâm của công chúng. Với Tuyết Tuyết, dự án đã và đang cuốn cô vào những sáng tạo đầy bất ngờ và lý thú trong mùa xuân mới Canh Tý 2020.

Họa sĩ Tuyết Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1993, đang làm việc tại công ty Comicola. Từ nhỏ, cô rất thích đọc truyện tranh và mơ ước sau này trở thành họa sĩ truyện tranh. Vì muốn được học vẽ, Tuyết Tuyết thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Các bài tập trên lớp, tiếp xúc nhiều với mọi người, cô nhận ra truyện tranh ở Việt Nam chưa phát triển và làm họa sĩ truyện tranh khó có tương lai. Vì thế, Tuyết đã nghĩ mình theo nghiệp kiến trúc, làm một công việc bình thường. Nào ngờ có một cuộc thi vẽ truyện tranh, Tuyết tham gia và được giải. Lúc ấy, Tuyết nhận ra niềm yêu thích thực sự của mình và quyết tâm sẽ đi theo nghiệp vẽ truyện tranh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ