Nghị lực vượt khó học giỏi của cô học trò nghèo

GD&TĐ - Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành với nụ cười thân thiện và tự tin - đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về Nguyễn Thị Hạnh, cô học trò nghèo với thành tích học tập đáng khâm phục.

Dù gia cảnh nghèo khó nhưng Nguyễn Thị Hạnh luôn vươn lên trong học tập và là học sinh giỏi nhiều năm liền
Dù gia cảnh nghèo khó nhưng Nguyễn Thị Hạnh luôn vươn lên trong học tập và là học sinh giỏi nhiều năm liền

Hạnh vừa học hết lớp 12 Toán, Trường THPT chuyên Biên Hòa (Hà Nam) và đang trong quá trình ôn thi chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia tới đây.

Tài sản lớn nhất là những tờ giấy khen của con

Mẹ của Hạnh là cô Vũ Thị Hào (45 tuổi) là một người phụ nữ kém may mắn trong cuộc sống. Năm 24 tuổi, cô kết hôn và vào Nam cùng chồng làm kinh tế.

Nhưng sau đó 3 năm, hạnh phúc gia đình tan vỡ, cô đưa 2 con là Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Thị Hạnh về quê ngoại ở Phủ Lý (Hà Nam) sinh sống.

Gia đình bên ngoại cũng nghèo khó nên cũng không giúp đỡ được gì cho 3 mẹ con đáng thương. Cô Hào dựng tạm một căn nhà nhỏ kề sát bên sông Đáy làm nơi ở cho mình và 2 con.

Hạnh và anh trai lớn lên trong căn nhà nhỏ, chật hẹp, không có công trình phụ và ngập lụt mỗi khi mùa mưa lũ kéo về. Gia đình em thuộc hộ nghèo của tổ 13, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý (Hà Nam).

Hàng ngày, để có tiền xoay xở chi tiêu trong gia đình, mẹ em phải đi chao cua, bắt ốc, hái rau ở ven sông đem bán. Công việc vất vả và nguy hiểm nhưng cũng chỉ kiếm được 20.000 đồng mỗi ngày.

Ngoài ra, 3 mẹ con chỉ biết trông chờ vào 8 miếng ruộng đang canh tác và 2 sào đất xin cấy thêm của hàng xóm. Bản thân cô Hào do lam lũ nhiều nên bị thoái hóa gần hết các đốt sống cổ.

Đi khám bác sĩ nói có tế bào ung thư nhưng gia đình không có hi vọng chữa trị bởi hoàn cảnh quá khó khăn. Một mình nuôi 2 con ăn học rất vất vả nhưng các con cô đều chịu khó học giỏi và đạt thành tích cao nên gia đình vinh dự nhận bằng khen “Gia đình hiếu học” của thành phố và tỉnh trao tặng.

Cô Hào cho biết: “Gia đình cô chẳng có gì đáng giá ngoài những tấm giấy khen của các con và bằng khen của gia đình. Bản thân cô nghèo khổ, thất học nhưng nhất định cô không để các con mù chữ. Dù cô có vất vả hơn bây giờ mà các con ngoan ngoãn học giỏi là cô mãn nguyện rồi”.

Ước mong giản dị trong khát vọng lớn

Thương mẹ, Hạnh chỉ biết học và phấn đấu hơn nữa để mẹ yên tâm. Thời gian rảnh rỗi, em phụ giúp mẹ công việc gia đình và cùng mẹ đi mò cua bắt ốc kiếm bữa cơm qua ngày. Anh trai Hạnh là Nguyễn Văn Đức, sinh viên năm 2 Đại học Bách khoa, khoa Công nghệ thông tin cũng rất nghị lực vượt khó. Học xa nhà nhưng Đức tự kiếm việc làm thêm nuôi mình ăn học vì biết mẹ quá vất vả để nuôi 2 anh em.

 Hơn 20 năm nay, cô Hào tần tảo sớm khuya, không ngại cực nhọc mong sao 2 anh em Hạnh được ăn học nên người.

Thấu hiểu được nỗi lòng của mẹ, Hạnh quyết tâm cho việc học, chỉ mong sau này trưởng thành lập nghiệp đưa gia đình thoát khỏi cảnh nghèo túng như hiện nay.

12 năm đèn sách là 12 năm Hạnh đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Trong các kì thi học sinh giỏi Hạnh luôn giành những giải thưởng cao. Năm lớp 9, em đạt giải Nhì môn Toán cấp thành phố và giải Ba cấp tỉnh.

Yêu thích môn Toán nên em cũng cố gắng và đã thi đỗ vào lớp Toán của trường chuyên Biên Hòa với kết quả rất cao (Toán 10; Anh 10; Hóa 9,5; Văn 8). Đó là những món quà đầy ý nghĩa mà Hạnh mang về cho mẹ của mình.

Chia sẻ về việc học tập, Hạnh hào hứng nói: “Em rất thích môn Toán, cũng chẳng biết tại sao em lại đam mê môn học này đến thế. Mỗi khi làm Toán em đều thích thú, đặc biệt là với những bài khó.

Tìm ra lời giải cho những bài Toán đó em lại có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm bài nhanh hơn. Không chỉ làm những bài tập trong sách giáo khoa mà em còn mượn sách nâng cao của bạn bè trong lớp mang về làm và chỉ khi tìm ra lời giải em mới thôi”.

Sự miệt mài, kiên nhẫn của Hạnh trong những năm qua thực sự khiến gia đình, thầy cô và bạn bè hết lòng khen ngợi. Mẹ của Hạnh chia sẻ: “Hạnh là con gái út trong gia đình nhưng em rất rắn rỏi và biết phấn đấu. Hoàn cảnh khó khăn, nghèo túng nhưng em luôn ngoan ngoãn và biết nghe lời mẹ.

Nhiều lúc thấy con thua kém bạn bè cùng trang lứa nhiều quá mà cô xót xa nhưng bản thân chẳng thể cho con được nhiều hơn nữa”.

Mục tiêu lớn nhất của Hạnh bây giờ là cố gắng trau dồi kiến thức để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia tới đây. Em cho biết đã đăng ký tuyển sinh vào Trường Đại học Y Hà Nội, khoa Bác sĩ Đa khoa, với mong mỏi sẽ trở thành một bác sĩ y đức trong tương lai và có thể chữa trị được căn bệnh thoái hóa xương khớp cho mẹ mình.

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).