Nghị lực của cô học trò mồ côi cha

GD&TĐ - Bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi 3 anh em ăn học, cô gái út Bùi Thị Thu Trang đã không phụ công kỳ vọng của gia đình, thầy cô, bạn bè khi giành được 26,25 điểm khối C (đã tính điểm cộng) trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, và trúng tuyển vào ĐH Sư phạm Hà Nội.

Bùi Thị Thu Trang tranh thủ giúp mẹ trước ngày nhập học
Bùi Thị Thu Trang tranh thủ giúp mẹ trước ngày nhập học

Cố gắng vì tâm nguyện của bố

Điểm xét tuyển khối C của Bùi Thị Thu Trang đạt 26,25 điểm, là kết quả khá bất ngờ ở ngôi trường miền núi THPT Quỳ Hợp 1 (Nghệ An) nơi điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn so với các trường miền xuôi.

Đến thăm Trang tại khối Hợp Châu (Thị trấn Quỳ Hợp)  tôi nghẹn lòng khi thấy ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé, nghèo nàn, chiếc cổng tre xiêu vẹo. Đón chúng tôi là nụ cười rất giản dị, pha chút ngại ngùng nhưng đầy nghị lực của cô học trò giỏi.

Là con gái út trong gia đình có 3 anh em, ngay từ nhỏ Trang đã có lực học khá so với 2 anh trai của mình. Liên tiếp trong 12 năm học, em luôn là học sinh giỏi toàn diện. Nhưng có được kết quả đó, không phải là điều dễ dàng.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà không có ruộng, chỉ có mảnh vườn nhỏ đất cằn đá sỏi, mùa trồng rau, mùa để cho cỏ mọc, bố mẹ Trang làm cửu vạn, ai thuê gì làm nấy. Nhưng sức khỏe bố em không được tốt, đau ốm thường xuyên, tiền của làm ra được vừa đủ cho anh em Trang ăn học và thuốc thang cho bố.

Năm Trang học lớp 6, thì bố em mất, để lại mấy mẹ con ngơ ngác giữa ngôi nhà cũ nát. Động viên các con cố gắng, mẹ Trang lại gượng dậy đi làm. 

Các anh của Trang học xong lớp 12, người đi học nghề, người nhập ngũ, trọn vẹn mong muốn “nên người, trưởng thành” của bố mẹ. Còn lại Trang, em lại càng cố gắng hơn trong học tập và phụ giúp mẹ việc nhà.

“Cũng có thời gian em rất suy sụp. Đó là lúc bố mới mất. Cứ nghĩ đến bố là em thương quá, lại khóc, không làm được gì. Ngày xưa bố em kéo xe bò lốp, ai thuê gì chở nấy, em vẫn thường đòi đi theo. Bố thương em nên sau mỗi buổi học cho em đi cùng...

Tuổi thơ của Trang là những ngày tháng vắt vẻo theo bố đi làm như thế, nên em rất gắn bó, và hiểu được nỗi nhọc nhằn, khó khăn, vất vả để kiếm được đồng tiền nuôi anh em Trang ăn học như thế nào.

“Bố nói, bố mẹ ngày xưa không được đi học đầy đủ, nên bây giờ các con phải cố gắng. Bố mẹ vất vả đến đâu cũng sẽ cố gắng không để các con thất học giữa chừng”.

Theo khối C vì mê Sử

Tự động viên mình và quyết tâm học tập, Trang luôn giành được những thành tích cao trong các kỳ thi HSG huyện, tỉnh và trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

“Em không đi học thêm ngoài, chỉ ôn tập ở trường theo hướng dẫn của thầy cô. Về nhà em hệ thống lại kiến thức, chia ra thành từng chủ đề để học. 

Thật ra không phải “cày cuốc” học thuộc lòng là có kết quả tốt, mà cần phải tư duy, có phương pháp học mới nhớ được lâu. Học theo các ý chính, nắm vững lý thuyết trước khi thực hành, thì sẽ làm chủ được các bài tập” - Trang chia sẻ.

Để có thêm kiến thức xã hội, thời sự, Trang dành thời gian để xem chương trình thời sự 19 giờ, và sang nhà chú ruột cạnh đó vào Internet. 

Có một điểm thú vị là Trang học giỏi đều tất cả các môn, đặc biệt là các môn tự nhiên có xu hướng nổi trội hơn. Nhưng cô học trò lại có niềm đam mê khó bỏ đối với môn Lịch sử.

Năm lớp 9, Trang giành giải Nhất ở kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử. Thế là, lên THPT, cô nữ sinh quyết định chuyển từ khối A sang khối C.

Cô Lê Thị Thanh Tâm - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 của Trang cho biết: Năm lớp 10, Trang vẫn đang học ở lớp A1, là lớp khối A của trường, nhưng lên lớp 11 em chuyển sang học C1, do cô chủ nhiệm. 

Đây là một quyết định khá khó khăn với em, nhưng em chia sẻ các môn xã hội, đặc biệt là Lịch sử là niềm đam mê thực sự của mình. Vì thế, tôi tin tưởng và ủng hộ và sự lựa chọn đó của em.

Thầy Hiệp - Phó hiệu trưởng trường THPT Quỳ Hợp 1 - cho biết: “Kết quả thi vừa rồi, cũng không phải là điều quá bất ngờ đối với nhà trường, bởi suốt 3 năm học qua, Trang là một học sinh rất ngoan, gương mẫu có ý thức học tập tốt, và năng nổ trong hoạt động của trường lớp. Tuy hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng em luôn giữ vững được thành tích học tập của mình”.

Học tốt, cũng cần phải có đam mê, với kết quả 26,25 điểm, Trang đăng ký xét tuyển vào ĐH Sư phạm 1 Hà Nội. Những ngày này, em đang chuẩn bị hành tranh trở thành tân sinh viên. Nhưng nỗi lo lớn nhất của Trang là làm sao có thể theo học, khi hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

“Dự định của em là sau khi ổn định ăn ở, nhập học, em sẽ đi làm thêm để cố gắng trang trải cuộc sống của mình, đỡ gánh nặng cho mẹ. Ước mơ lớn nhất lúc này của em, là có thể tự nuôi sống được bản thân và nuôi mẹ, bởi mẹ đã già yếu rồi…” Trang tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.