Lựa chọn ngành nghề của giới trẻ: Đổ xô tìm việc nhẹ, lương cao

Lựa chọn ngành nghề của giới trẻ: Đổ xô tìm việc nhẹ, lương cao

Bằng chứng, có khối ngành thừa lao động, trong khi một số ngành khác lại thiếu nhân lực.

Chỉ tiêu nhiều, đăng ký ít

Nhiều năm tham gia công tác tư vấn hướng nghiệp, TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Tình trạng mất cân đối trong việc chọn khối ngành của học sinh vẫn xảy ra và chưa có giải pháp căn cơ để hạn chế.

Theo TS Trần Đình Lý, nhiều năm nay, chỉ tiêu lớn nhất là khối ngành 5 (Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y). 

Tuy nhiên, khối ngành có tỷ lệ chọi nguyện vọng/tổng số chỉ tiêu cao nhất nằm ở khối ngành 7 (Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng).

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế - Giám đốc chương trình Dự báo nhân lực (thuộc Hiệp Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á - Việt Nam), việc chọn ngành nghề của học sinh trong thời gian qua cho thấy nhiều em còn đua theo ngành "hot", ngành thời thượng, hay chọn lựa theo xu thế đám đông. Mặt khác, nhiều em tuy thích ngành học này nhưng sợ học cực rồi nghe theo lời bạn bè chọn ngành khác.

Từ khía cạnh đào tạo, PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng - Trưởng Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cho rằng: Nhiều học sinh THPT thích chọn các ngành nghề thuộc KHXH&NV, kinh tế, nhà hàng khách sạn, dịch vụ, du lịch... hơn so với các ngành kỹ thuật, công nghệ vì chương trình, nội dung học rất nhẹ, ra trường nếu có công việc làm cũng nhẹ nhàng và dễ thăng tiến.

"Các ngành kỹ thuật, y học… sinh viên phải tập trung cao độ, học "lên bờ xuống ruộng" mới có thể ra trường. Khi ra trường lại theo các quy trình công nghệ tại công ty, nhà máy sản xuất, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu, cũng như làm việc tại bệnh viện... để giải quyết những bài toán thực tế hóc búa và thường xuyên đối mặt với áp lực" - PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Từ thực tế tuyển sinh, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết: Một số ngành liên quan kỹ thuật tại trường như Điện - Điện tử, Cơ khí, Công nghệ thông tin… có tỷ lệ chọi thấp, trong khi khối ngành Quản trị kinh doanh có chỉ tiêu tuyển 200 - 300 thì hồ sơ nộp lên tới 3.000. Điều này cho thấy nhận thức về chọn ngành của HS còn bất ổn.

Lựa chọn ngành nghề của giới trẻ: Đổ xô tìm việc nhẹ, lương cao ảnh 1
Nữ sinh Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong giờ học thực hành. Ảnh: NTCC.

Bất cập từ sự phát triển các khối ngành

Bên cạnh sự chênh lệch trong lựa chọn ngành học của học sinh, việc phát triển khối ngành đào tạo tại cơ sở GDĐH trong thời gian qua cũng bộc lộ một số bất cập. Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng (HCMUTE), nhiều trường đại học tư thục ra đời với phần lớn định hướng đào tạo theo các ngành nghề thuộc KHXH&NV, kinh tế, nhà hàng khách sạn, dịch vụ du lịch… 

Đây là điều dễ hiểu vì đặc điểm của các ngành này đầu tư rất ít về trang thiết bị, máy móc hoặc cũng có thể không cần đầu tư trang thiết bị, chính vì vậy dễ mang lại lợi nhuận lớn.

Một số liệu khảo sát, thống kê ở góc độ hẹp của PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng cho thấy: Cả nước có 22 - 23% kỹ sư được đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, còn lại 77 - 78% là cử nhân các ngành KHXH&NV, kinh tế, nhà hàng khách sạn, dịch vụ du lịch...

Từ góc nhìn này, PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng cho rằng: Trước sự chênh lệch trong lựa chọn khối ngành như hiện nay, rất khó để giải bài toán nguồn nhân lực phát triển khoa học công nghệ cho quốc gia.

"Số lượng cử nhân được đào tạo các ngành KHXH&NV, kinh tế, nhà hàng khách sạn, dịch vụ du lịch… sau khi ra trường quá nhiều dẫn đến thiếu chỗ làm, rồi thất nghiệp đi chạy Grab, Taxi... Trong khi đó tại nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thiếu trầm trọng kỹ sư công nghệ. 

Do đó, bài toán đưa nước ta trở thành một đất nước công nghiệp hiện đại gặp quá nhiều khó khăn và chưa thể thực hiện được. Nền công nghiệp phụ trợ quốc gia vẫn là con số không. Đây là rào cản ngăn chặn các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển về Việt Nam…" - PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ.

Theo TS Trần Đình Lý, việc định hướng nghề nghiệp rất quan trọng đối với từng cá nhân, các khối ngành, cũng như tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội. Các cơ quan quản lý, dự báo nguồn nhân lực cần quan tâm, công khai thông tin cho HS lựa chọn.

"Năng lực sở trường của các em là yếu tố mang tính quyết định. Nếu thí sinh chạy theo nghề hot, ngành lạ mà quên mất năng lực sở trường của mình là sự lãng phí cho bản thân, gia đình và xã hội…" - TS Trần Đình Lý chia sẻ. 

Trong các yếu tố chọn ngành theo tính cách, năng lực, điều kiện kinh tế xã hội..., TS Trần Đình Lý khuyên học sinh "hãy lấy gốc là năng lực sở trường của bản thân! Giao thoa cả 3 yếu tố này là điều tuyệt vời nhất".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ