Lao động di cư: Dễ tổn thương vì sức ép mưu sinh

GD&TĐ - Lao động tự do lên thành phố kiếm sống đang là thực trạng khá phổ biến tại các đô thị lớn. Phần lớn trong số họ chưa qua đào tạo nghề, hoặc chỉ được đào tạo ngắn hạn.   

Lao động tự do di cư dễ bị tổn thương do thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Ảnh nguồn ILO Việt Nam.
Lao động tự do di cư dễ bị tổn thương do thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Ảnh nguồn ILO Việt Nam.

Để có thể tìm được một công việc cho thu nhập tốt và bền vững thì nhu cầu học nghề là điều tất yếu, những cũng chính là khó khăn mà người lao động di cư phải đối mặt. Vấn đề an sinh xã hội này đang cần có những giải pháp thích hợp.

Sự thúc ép của đồng tiền

Vì gia cảnh khó khăn nên chị Nguyễn Thị Loan, 42 tuổi, quê ở Nghệ An, ra Hà Nội kiếm sống từ khoảng 5 năm nay. Công việc của chị khá đa dạng, gặp việc gì làm việc đó.

Ban đầu mới ra Hà Nội, được bạn bè rủ ra “chợ người” Mai Động chờ người đến thuê việc gì, làm việc đó. Công việc chủ yếu là khiêng vác hàng hóa, đất cát, vật liệu xây dựng, dọn dẹp, tháo dỡ công trình cũ nát… dụng cụ lao động mang theo thường là thúng mủng, cuốc xẻng.

Cứ từ 6 giờ sáng là mấy chị em lại tập trung ở đầu ngã tư để chờ người đến thuê đi làm, ngày nào nhiều việc thì làm đến tối mịt mới về, thế nhưng cũng có những ngày không có việc gì, lại ngồi vạ vật, lo lắng, mệt mỏi vì sự thúc ép của đồng tiền.

Làm ở chợ lao động một thời gian thấy không ổn, chị lại tìm kiếm công việc phụ bếp cho một hàng cơm bình dân. Tuy ổn định hơn nhưng thu nhập vẫn eo hẹp, ngoài những chi phí sinh hoạt, thuê trọ… cố lắm cũng chỉ để dành được 1,5 triệu đồng mỗi tháng để gửi về quê.

Cho đến nay, chị Loan đang làm giúp việc bán thời gian cho một vài gia đình, tuy nhiên công việc cũng không ổn định nên mức thu nhập cũng lúc được lúc không, may mắn có tháng nhiều nhất thì được khoảng 6 - 7 triệu đồng, còn bình thường chỉ được 4 – 5 triệu đồng.

Chia sẻ về cuộc sống của mình, chị Loan cho biết: Trước kia ở địa phương chị học nghề may và làm trong doanh nghiệp tư nhân, tuy nhiên công việc không đều, lại thấp nên chị nghỉ việc. Không có nghề khác nên đành ra Hà Nội kiếm sống, chị mong muốn được học một nghề nào đó để có thể tìm kiếm một công việc ổn định hơn.

Tại Hà Nội cũng như tại các đô thị lớn hiện nay, những lao động tự do như chị Loan rất phổ biến, họ cũng có nhu cầu học nghề, việc làm. Tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện tại thì điều đó dường như rất khó thực hiện, bởi nhu cầu cơm, áo, gạo, tiền là ngay trước mắt.

Thiếu kỹ năng, dễ tổn thương

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa cao nhất, ước tính tới 86% lao động trong ngành dệt may, da giày và 75% lao động trong ngành điện tử.

Trong đó, lao động nữ và lao động không có kỹ năng sẽ là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Một khảo sát mới đây của Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, lao động nữ chưa qua đào tạo chỉ nhận được mức lương khoảng 4,8 triệu đồng/tháng so với lao động qua đào tạo là 6,1 triệu đồng/tháng.

Nhìn chung, thu nhập của lao động di cư thấp, chỉ đủ trang trải cho các nhu cầu căn bản của cuộc sống. Những người phải thuê nhà và có con nhỏ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Thời gian làm việc của họ thường kéo dài, hơn 9 giờ/ngày, có những trường hợp tới 12 - 14 giờ/ngày và trong điều kiện hết sức khắc nghiệt.

Lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức còn không được hưởng các chính sách bảo hiểm ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trước những thách thức mà lao động nữ đang gặp phải, các chuyên gia cho rằng, nếu không được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, lao động nữ càng dễ bị tổn thương hơn.

Giải pháp được khuyến nghịlà phải liên tục đào tạo và đào tạo lại cho người lao động, giúp họ nắm bắt được những kỹ năng mới, công nghệ mới để có thể thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của xã hội.

Hiện có khoảng 70% lao động nữ di cư làm việc không có hợp đồng lao động hoặc chỉ ký hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng. Chỉ khoảng 30% lao động nữ di cư được tham gia BHXH, 39% tham gia BHYT và 21% tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại nơi làm việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.