Kỹ năng cho học sinh trong thế kỷ 21 – Khuyến nghị ở Mỹ và khả năng áp dụng tại Việt Nam

GD&TĐ - Trương Phạm Hoài Chung là cái tên khá nổi tiếng trong giới học sinh chuẩn bị du học Mỹ. Anh là tác giả nhiều bài tư vấn bổ ích về du học và khát vọng mở rộng chân trời kiến thức ở nước ngoài. 

Kỹ năng cho học sinh trong thế kỷ 21 – Khuyến nghị ở Mỹ và khả năng áp dụng tại Việt Nam

Hoài Chung mới tốt nghiệp Thạc sĩ chính sách và quản lý giáo dục (Trường Cao học Giáo dục, ĐH Harvard, Mỹ). Hoài Chung gửi bài viết tới báo Giáo dục và Thời đại nêu lên một số kiến nghị đổi mới dựa trên những đề xuất của nhóm P21 tại Mỹ.

Sau hơn 10 năm thành lập, những tư vấn của P21 (Partnership for 21st Century Learning - Hội Hợp tác vì giáo dục thế kỷ 21, được thành lập năm 2002 bởi đại diện từ Bộ Giáo dục Mỹ và các công ty danh tiếng như Apple, Cisco, Microsoft) đang có ảnh hưởng ngày càng lớn đến nền giáo dục tại Mỹ.

P21 nhận định, thành công trong thế kỷ 21 cần phải dựa trên một tập hợp các kỹ năng: Giao tiếp, chia sẻ và sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề; thích nghi và tạo đột phá để đáp ứng những nhu cầu mới không ngừng thay đổi; điều khiển và mở rộng sức mạnh của công nghệ để tạo ra kiến thức mới. Vì thế trường học cần được đổi mới để tạo điều kiện cho học sinh trau dồi kỹ năng suy nghĩ sáng tạo, giải quyết vấn đề linh hoạt, hợp tác cùng đột phá.

Tôi cho rằng, một số nội dung mà P21 khuyến nghị có thể áp dụng tại Việt Nam để trang bị cho học sinh kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21. Bên cạnh các môn học chính như Toán, Khoa học, Ngôn ngữ và Xã hội, P21 cho rằng, học sinh trong thế kỷ 21 cần được trang bị những kỹ năng khác.

Thứ nhất là kỹ năng hiểu biết công dân (cập nhật và hiểu biết về quy trình tổ chức nhà nước cùng với tham gia hoàn thành bổn phận công dân).

Thứ hai là kỹ năng nhận thức toàn cầu (học hỏi và giao lưu với cá nhân từ nguồn gốc văn hóa, tôn giáo, lý tưởng và lối sống đa dạng trong một môi trường cởi mở và tôn trọng lẫn nhau cùng với hiểu và tham gia thảo luận về những vấn đề toàn cầu trong một cộng đồng học thuật phong phú).

Thứ ba là kỹ năng hiểu biết tài chính (kỹ năng để đưa ra quyết định đúng đắn về kinh tế bao gồm quản lý tiền, hiểu về ngân hàng, sử dụng tín dụng, hiểu thuế và bảo hiểm, hiểu đầu tư và sở hữu nhà, hiểu về lừa đảo khách hàng và đánh cắp danh tính).

Thứ tư là kỹ năng hiểu biết sức khỏe (tìm hiểu và sử dụng thông tin có chất lượng để đưa ra những quyết định liên quan đến sức khoẻ: Kiến thức về cách tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe cùng với kiến thức về biện pháp bảo vệ sức khỏe).

Thứ năm là kỹ năng hiểu biết môi trường (tìm hiểu và thảo luận vấn đề môi trường tự nhiên và nhân tạo đưa ra giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề).

Để học sinh Việt Nam cũng đạt được những kỹ năng tương tự, theo tôi, chương trình phổ thông, thay vì bắt buộc tất cả học sinh cùng học tất cả các môn, từ cấp THCS học sinh sẽ học một số môn bắt buộc và một số môn tự chọn theo độ khó khác nhau. Bên cạnh đó, nội dung sách có thể lồng ghép các bài học về hiểu biết công dân, tài chính, sức khỏe, môi trường trong giáo trình Toán, Lịch sử, Khoa học và Xã hội. Trường học còn có thể tổ chức các chương trình giao lưu cho học sinh giữa các vùng miền khác nhau và giữa các nước khác nhau. Việc giao lưu có thể là từ Việt Nam tới các nước hoặc đón học sinh các nước tới Việt Nam.

P21 còn nhấn mạnh kỹ năng tư duy và tạo đột phá thông qua giao tiếp và hợp tác, phân tích sáng tạo và giải quyết vấn đề. Trường học ở Việt Nam có thể khuyến khích sự hình thành và phát triển kỹ năng này bằng cách tạo điều kiện cho các em làm việc nhóm và được đánh giá thành tích tập thể. Trường cũng có thể đánh giá học sinh thông qua những dự án áp dụng kiến thức đã học vào việc giải quyết vấn đề thực tiễn thay cho một phần các bài kiểm tra giấy. Hơn nữa, trường có thể tạo điều kiện cho học sinh thiết kế, xây dựng và thử nghiệm sản phẩm mới trong quá trình học.

P21 hết sức quan tâm đến kỹ năng sống và làm việc thông qua khả năng lãnh đạo và hiểu biết trách nhiệm vì lợi ích cộng đồng đa văn hóa. Để hỗ trợ học sinh nâng cao kỹ năng sống và làm việc, trường học có thể tổ chức để học sinh dành thời gian ít nhất 10 giờ/tuần cho các câu lạc bộ trong trường và ít nhất 100 giờ/năm cho các hoạt động thiện nguyện. Với mục đích tăng nhận thức cộng đồng, trường cũng có thể tổ chức các chương trình giao lưu với khách mời từ bên trong và ngoài trường học từ những hoàn cảnh khác nhau.

Cuối cùng, P21 đề cao tầm quan trọng của kỹ năng thông tin, truyền thông và công nghệ. Sự khác biệt lớn giữa thế hệ này với thế hệ trước là kỹ năng xử lý thông tin từ nhiều nguồn truyền thông, đặc biệt là từ Internet. Học sinh cũng cần trau dồi kỹ năng hiểu biết các vấn đề kinh tế, luật pháp, xã hội thông qua việc tiếp cận và sử dụng thông tin một cách có đạo đức và hợp pháp.

Bên cạnh đó, học sinh cần nâng cao kỹ năng xử lý thông tin và giao lưu thông qua nhiều hình thức khác nhau: Email, diễn đàn, blog, chat và video. Nhằm đạt được những lợi ích trên, trường học ở Việt Nam có thể tạo điều kiện cho học sinh tự tiếp cận và đối chiếu thông tin giúp cho việc giải quyết một vấn đề thực tiễn cùng với trang bị công nghệ trong trường và khuyến khích việc học tập và đánh giá bằng công nghệ, thay vì trên giấy.

Tóm lại, có 3 phương pháp P21 đề nghị giúp trường học ở Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển kỹ năng thế kỷ 21 là học dựa trên việc thực hiện dự án (project - based learning), học dựa trên việc giải quyết vấn đề (problem - based learning) và học dựa trên thiết kế sản phẩm mới (design - based learning).

Tôi cho rằng, nếu áp dụng 3 phương pháp này vào chương trình phổ thông của Việt Nam sẽ giúp học sinh dần dần phát huy kỹ năng học đa dạng, kỹ năng tư duy sáng tạo và tạo đột phá, kỹ năng sống và làm việc hiệu quả và kỹ năng liên quan đến công nghệ. Đây chính là những kỹ năng then chốt để một người trẻ có thể trưởng thành và thành công trong thế kỷ 21.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.