Khảo sát tỉ lệ sinh viên có việc làm: Cần có chế tài để kiểm chứng

GD&TĐ - Công bố tỉ lệ SV có việc làm sau một năm tốt nghiệp là yêu cầu bắt buộc trong đề án tuyển sinh của các trường ĐH trong mùa tuyển sinh 2018. 

Khảo sát tỉ lệ sinh viên có việc làm: Cần có chế tài để kiểm chứng

Đây là một trong những chủ trương tốt để các trường công khai chất lượng đào tạo của trường, thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với xã hội và cũng là một trong những thông số để học sinh phổ thông và phụ huynh tham khảo trong lựa chọn ngành nghề.

Thế nhưng, tỉ lệ SV có việc làm công bố tại của các cơ sở giáo dục đại học đều là những con số đẹp và ấn tượng. Từ đây, đã đặt ra vấn đề nên chăng cần có một tổ chức độc lập đảm nhận việc khảo sát tỉ lệ SV có việc làm?

“Công khai” nhưng khó tìm

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hầu hết website của các cơ sở giáo dục đại học đều có mục ba công khai, hoặc thông tin công khai. Thế nhưng, công bố tỉ lệ SV có việc làm thì mỗi trường thực hiện theo mỗi kiểu khác nhau. ĐH Đà Nẵng công bố tỉ lệ SV có việc làm của các trường ĐH, CĐ thành viên chi tiết đến từng ngành đào tạo.

Trường ĐH Quảng Bình, ở mục thông tin tốt nghiệp, có báo cáo tình hình việc làm của SV tốt nghiệp năm 2015 và bảng biểu kết quả điều tra theo ngành đào tạo. Nhưng sang đến năm 2016, ngoài kết quả điều tra còn kèm theo danh sách SV tốt nghiệp được khảo sát theo trình độ đào tạo.

Thế nhưng, website của trường ĐH Quang Trung lại không có mục Ba công khai. Ở mục Việc làm sinh viên thì cũng chỉ đăng duy nhất một thông báo tuyển dụng của một công ty mía đường. Trong Đề án Tuyển sinh năm 2018 của ĐH Quang Trung, ở mục tình hình có việc làm, nhà trường cũng gộp cả số liệu của 2 khóa tốt nghiệp gần nhất theo nhóm ngành chứ không chia theo từng năm một.

Trên website của trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, thông tin về khảo sát tỉ lệ SV có việc làm lại được đăng ở mục Khảo thí và đảm bảo chất lượng chứ không nằm ở phần Ba công khai. Trường ĐH Đông Á chỉ công bố tỉ lệ SV có việc làm của từng ngành đào tạo chứ không có bảng biểu thống kê số SV tốt nghiệp, số lượng SV được khảo sát, số SV phản hồi, và cũng chỉ có số liệu của các năm 2014, 2013, 2011 và 2010.

Muốn tìm được số liệu liên quan đến tỉ lệ SV có việc làm của trường ĐH Duy Tân trên website thì phải xem trong các báo cáo các nội dung thực hiện quy chế công khai đối với các cơ sở giáo dục đại học của trường gửi về Bộ GD&ĐT để báo cáo được nhà trường tải lên, và không phải HS, phụ huynh nào cũng biết để tìm đọc.

Tin cậy đến đâu?

Giữa số liệu về số lượng SV có việc làm mà trường ĐH Quy Nhơn công bố trong Đề án tuyển sinh năm 2018 về tỉ lệ SV có việc làm của 2 năm 2016 và 2015 có sự chênh lệch nhau rõ rệt.

Theo đó, tổng số SV tốt nghiệp của năm 2015 trong Đề án tuyển sinh 2018 là 2.910SV, số SV có việc làm sau một năm tốt nghiệp là 2.577 nhưng số liệu tại mục Ba công khai thì có đến 4.506 SV tốt nghiệp, có 2.799 SV có việc làm trong tổng số 3.148 SV phản hồi, đạt tỉ lệ SV có việc làm là 88,91%.

Con số của năm 2016 cũng có sự chênh lệch tương tự. Giải thích về điều này, TS Huỳnh Công Tú – Phó trưởng phòng Đào tạo Đại học Quy Nhơn cho biết, do trước đây, nhà trường thống kê số lượng SV của cả hai đợt tốt nghiệp theo khóa tuyển sinh, nhưng khi xây dựng đề án tuyển sinh, nhà trường chỉ lấy số lượng SV tốt nghiệp đợt 1 (được xem là tốt nghiệp đúng tiến độ) nên có sự chênh lệch về số liệu.

Tỉ lệ SV có việc làm là một trong những tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục đại học để phục vụ cho việc đánh giá ngoài. Theo đó, để xác định tỉ lệ này, cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục độc lập sẽ khảo sát trực tiếp và ngẫu nhiên vài trăm người trong danh sách SV của nhà trường đã tốt nghiệp do trường cung cấp.

GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng khảo sát SV vừa tốt nghiệp, sau tốt nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm để tính tỉ lệ SV ra trường có việc làm và báo cáo ĐH Đà Nẵng để có tỉ lệ trung bình.

Việc khảo sát này, theo lãnh đạo ĐH Đà Nẵng, là không thể thực hiện với 100% SV tốt nghiệp, mà dựa trên một số lượng vừa đủ. Chính vì vậy, trong bảng thống kê báo cáo tình hình việc làm của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng, tỉ lệ SV có việc làm được chia làm hai cột: tỉ lệ có việc làm so với tổng số SV tốt nghiệp đúng hạn và tỉ lệ có việc làm so với số SV tốt nghiệp trả lời phiếu khảo sát.

Thế nhưng, không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng minh bạch trong thông tin này. Đơn cử, báo chí đã từng phản ảnh trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP Hồ Chí Minh công bố tỉ lệ SV ngành Việt Nam học tốt nghiệp năm 2015 là 100% nhưng thực ra đây chỉ là tỉ lệ của 2 người phản hồi trong tổng số 28 SV đã tốt nghiệp, tức mẫu khảo sát chỉ tương ứng 7,1%.

Thậm chí, ngành công nghệ kỹ thuật điện – điện tử bậc CĐ của trường ĐH Sài Gòn đạt tỉ lệ 100% SV có việc làm chỉ từ 1 người phản hồi.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Ngoài việc học sinh phổ thông tham khảo để lựa chọn ngành nghề, thông số này là một trong những kênh để các trường điều chỉnh quy mô tuyển sinh, chương trình đào tạo... Chẳng hạn, như từ phân tích kết quả khảo sát việc làm của SV tốt nghiệp năm 2015, 2016, nhà trường đã giảm chỉ tiêu tuyển sinh 2018 và chủ trương đẩy mạnh giảng dạy trực tuyến và capstone trong toàn trường: thực hiện thực tập tốt nghiệp và làm đồ án tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của doanh nghiệp; chú trọng cải tiến chương trình đào tạo theo hướng chú trọng thực hành, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp”.

Cho dù thông tin tỉ lệ SV có việc làm sau khi ra trường là một kênh để nhà trường theo dõi những biến động của thị trường lao động nhưng sự tích cực trong phản hồi của SV thường là không cao, phải có điều kiện ràng buộc mới thu thập được.

Có nhiều ý kiến cho rằng, dữ liệu tỉ lệ SV có việc làm cũng góp phần giúp SV thấy được sức cạnh tranh của trường mình theo học trên thị trường lao động, cũng như xu hướng việc làm, ngành nghề theo học.

Phải chăng đây là một trong những lý do khiến cho nhiều trường công bố không đầy đủ; chưa kể là những con số về tỉ lệ SV có việc làm không phản ảnh được trung thực tình trạng việc làm của SV sau khi ra trường.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho rằng, về lâu dài, cần có biện pháp chế tài mạnh đối với công tác “3 công khai”. Bộ GD&ĐT cũng cần xây dựng bộ các tiêu chí công khai chặt chẽ, khoa học hơn nữa.

Bộ GD&ĐT đã quy định, tỉ lệ SV khảo sát cần có phản hồi tối thiểu trên tổng số SV tốt nghiệp theo từng ngành đào tạo. Ví dụ, với ngành học có từ 51-60 SV tốt nghiệp thì kết quả khảo sát chỉ đạt yêu cầu khi có 87% số SV khảo sát có phản hồi, tương đương 44 - 52 người. Nếu không đạt tỉ lệ này thì báo cáo của trường không đạt yêu cầu. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.
Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.
Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.