Học sinh lớp 10 sáng chế “Máy ấp trứng cua đinh thông minh”

GD&TĐ - Từ thực tế ở địa phương, hai học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã có ý tưởng chế tạo ra máy ấp trứng cua đinh nhằm giúp các trang trại có thể giảm nhân công, tăng tỷ lệ trứng nở và nâng cao chất lượng con giống.

Dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” của em Khưu Dịch Tiến và Mai Trí Công, học sinh lớp 10VL Trường THPT chuyên Vị Thanh, vừa xuất sắc đoạt giải Nhất “Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học khu vực phía Nam, năm học 2018 - 2019”
Dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” của em Khưu Dịch Tiến và Mai Trí Công, học sinh lớp 10VL Trường THPT chuyên Vị Thanh, vừa xuất sắc đoạt giải Nhất “Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học khu vực phía Nam, năm học 2018 - 2019”

Dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” của em Khưu Dịch Tiến và Mai Trí Công, học sinh lớp 10VL Trường THPT chuyên Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, đã xuất sắc đoạt giải Nhất “Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học khu vực phía Nam, năm học 2018 - 2019”.

Giúp trang trại kiểm soát quy trình ấp trứng

Em Khưu Dịch Tiến cho biết: Ở địa phương có rất nhiều trang trại nuôi cua đinh, nhưng khi cua đinh sinh sản kể từ ngày ấp trứng đến ngày nơ cua đinh con, mất khoảng từ 80 đến 90 ngày, tỷ lệ nở được cua đinh con chỉ khoảng 50 - 80%. Từ thực tế này, nhóm quyết định xây dựng ý tưởng chế tạo ra máy ấp trứng cua đinh bằng công nghệ cảm biến Arduino, nhằm giúp người nông dân cũng như những chủ trang trại có thể ấp trứng một cách dễ dàng, không tốn công lao động, cũng như dễ dàng kiểm soát quá trình ấp trứng và đạt được tỷ lệ nở cao nhất.

Tính năng và nguyên lí vận hành máy là: Khi độ ẩm quá thấp thì cảm biến độ ẩm sẽ đo được, từ đó sẽ gửi số liệu về bộ mạch chính và sẽ tự động phun sương tạo ẩm cho hệ thống máy, đồng thời từ đó bật bóng đèn tạo nhiệt độ cho máy ấp. Hệ thống cảm biến chuyển động được lắp vào bể nước để khi cua đinh nở thì sẽ bò vào, hệ thống sẽ tự động bật còi và bật đèn giúp cho người nông dân biết đã có cua đinh nở.

Máy có gắn thêm camera để quan sát được toàn bộ quá trình sinh sản của con cua đinh. Đồng thời có gắn thêm một hệ thống loa để cua đinh hòa với thiên nhiên.

Với thời gian thực hiện dự án nhóm đã mất khoảng 9 tháng, từ khâu đi khảo sát thực tế, đến khi bắt tay vào thiết kế mô hình, tìm mua thiết bị, lắp ráp vận hành máy, ấp thử trứng… đợi đến khi trứng nở với tỉ lệ rất cao.

“Quá trình thực hiện dự án nhóm gặp không ít những khó khăn, nhưng nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình từ thầy hướng dẫn cũng như gia đình và các hộ nuôi cua đinh ở địa phương nhóm vượt qua những trải nghiệm, thử thách để hoàn thành ý tưởng dự án” - Khưu Dịch Tiến kể.

“Máy ấp trứng cua đinh thông minh” của học sinh giúp trang trại kiểm soát quy trình ấp trứng và cho tỉ lệ trứng nở cao. (Ảnh NVCC)
  • “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” của học sinh giúp trang trại kiểm soát quy trình ấp trứng và cho tỉ lệ trứng nở cao. (Ảnh NVCC)

Dự án có tính khả thi

“Trong thời gian tới nhóm sẽ cải tiến lại máy và trang bị thêm pin năng lượng mặt trời, giúp máy có thể hoạt động trong thời gian cúp điện và tạo dây chuyền giúp cua đinh mới nở có thể tự động bò xuống vị trí khu vực nuôi” - em Tiến chia sẻ thêm.

Khưu Dịch Tiến mong muốn với dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” sẽ giúp bà con nông dân cũng như chủ trang trại nuôi cua đinh có thể chủ động về giống, giảm nhân công, dễ dàng kiểm soát quy trình ấp trứng và đạt được tỷ lệ nở cao nhất.

Về kinh phí đầu tư cho dự án, Tiến “tiết lộ” nhóm đã đầu tư hết khoảng 3 triệu đồng. Khoản chi trên đều do nhóm vận động nguồn hỗ trợ của gia đình.

Thầy Huỳnh Sinh Lel, giáo viên hướng dẫn đánh giá: Đề tài “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” có tính thực tiễn rất cao, hiệu quả mang lại khá khả thi trong 2 lần thực nghiệm của nhóm học sinh. Đề tài khi dự thi được Hội đồng khoa học cấp quốc gia đánh giá rất cao và hoàn toàn mới. Với tính thực tiễn cao, đề tài có thể áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế tốt.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục giúp cải thiện dự án cho học sinh hướng tới thiết kế máy ấp trứng nhỏ, gọn, phù hợp với mô hình của từng hộ nông dân” - thầy Huỳnh Sinh Lel chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ