Giáo viên trẻ đoạt giải thưởng Lý Tự Trọng

Giáo viên trẻ đoạt giải thưởng Lý Tự Trọng

Con đường phấn đấu từ một học sinh trung cấp trở thành giáo viên trẻ tiêu biểu của anh thật đáng ngưỡng mộ.

Phấn đấu thành giáo viên

Hành trình đi đến nghề giáo hôm nay đối với Nguyễn Quốc Đoàn là cả một quá trình nỗ lực không ngơi nghỉ. Năm 2006, Đoàn từng thi rớt đại học. Gia đình Đoàn khi ấy khó khăn lắm. Cha theo những chuyến ghe đánh bắt ngoài biển, có khi hơn 1 tháng mới về. Mẹ thì ở nhà làm thợ may thu nhập không ổn định. Em trai cũng bắt đầu vào học cấp 3.

“Không đủ điểm vào đại học, cảnh nhà khó khăn nên tôi chọn học trung cấp tại Trường TCKT - KT Nguyễn Hữu Cảnh. Bởi cũng ham cơ khí máy móc, sửa xe nên chọn nghề cơ khí động lực. Trong suốt 2 năm liền, sáng đi học tối tôi đi phục vụ tại một cửa hàng ăn uống ở Cửa Đông chợ Bến Thành để trang trải chi tiêu phụ cho gia đình. Tuy học trung cấp nhưng tôi luôn ấp ủ quyết tâm tiếp tục con đường học tập để có cơ hội phát triển bản thân để giúp ích cho bản thân và gia đình”, Nguyễn Quốc Đoàn cho biết.

Giữa năm 2008, tốt nghiệp ra trường được xếp loại giỏi, đang làm được vài tháng ở một công ty xe khách, nhưng khi nghe trường thông báo tuyển người quản lý học sinh, Đoàn nộp hồ sơ quay về. Với mong muốn được đứng lớp, trở thành giáo viên, anh vừa làm nhiệm vụ quản lý học sinh, vừa tranh thủ học liên thông lên cao đẳng, rồi liên thông đại học, hoàn thành cao học (nhận bằng Thạc sĩ quản lý giáo dục năm 2019), và đang học văn bằng 2 ngôn ngữ Anh. Hiện Đoàn là một trong các ứng viên được chọn và hoàn thành chương trình đào tạo 500 thạc sĩ, tiến sĩ của TPHCM,

Gương sáng “thủ lĩnh” Đoàn

Với cương vị là “thủ lĩnh” Đoàn, anh luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, chủ động, sáng tạo, có nhiều sáng kiến và ý tưởng được ứng dụng hiệu quả. Đó là các hội thi giỏi nghề duy trì tổ chức hằng năm, tạo môi trường rèn nghề, kích thích niềm yêu nghề trong mỗi bạn trẻ; Đó là các chuyến đi thực tế tại nhà máy, công ty giúp học sinh gắn với nghề nghiệp, công việc sẽ làm sau khi ra trường; Đó là những hành trình về nguồn, câu lạc bộ học thuật hấp dẫn… 

Những hoạt động do thủ lĩnh Nguyễn Quốc Đoàn khởi xướng đã góp phần để liên tục những năm qua, ngôi trường này luôn có nhiều học sinh đạt chuẩn “Học sinh 3 rèn luyện” được cấp thành phố và Trung ương tuyên dương.

Đổi mới phương pháp

Ở cương vị Phó Trưởng khoa Cơ khí, giáo viên Nguyễn Quốc Đoàn luôn tìm những phương pháp dạy học hiệu quả để nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Anh thường cho HS làm bài tiểu luận, mô hình, học cụ về vấn đề môn học thay cho bài thi cuối kỳ hoặc tốt nghiệp. Qua đó, anh đã cải tiến chương trình học, giúp các em xác định rõ việc học tập - thành tích - kiến thức phải gắn liền với học thuật.

Ngoài ra, anh luôn chủ động sáng tạo xây dựng một số giải pháp tổ chức các hoạt động sáng tạo học thuật trong HS trường trung cấp như: Xây dựng diễn đàn học thuật cho giáo viên và HS trong khoa, trường; Tạo phong trào sáng tạo cho HS bằng cách tổ chức nhiều cuộc thi, sân chơi trí tuệ nhằm thu hút HS tham gia, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức. Cụ thể, anh đã tổ chức cho HS khoa Cơ khí tham quan thực tế tại Nhà máy Ô tô SAMCO, nhà máy Ajinomoto Biên Hòa, tham quan, học tập thực tế tại các doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề đang học. Để giúp học sinh trang bị kỹ năng mềm, anh đã tổ chức các lớp kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trang bị tác phong công nghiệp, thu hút hàng trăm HS tham gia.

Song song với các hoạt động giảng dạy và ngoại khóa, anh còn tham gia nghiên cứu khoa học, nhằm cập nhật những công nghệ mới, tăng tính trực quan hóa trong quá trình giảng dạy và học tập. “Thiết kế và thi công Mô hình phun xăng – đánh lửa Toyota 3S-FE” do anh xây dựng đã góp phần đổi mới phương pháp dạy học, đề cao vai trò tự học của học viên kết hợp với sự hướng dẫn của giáo viên. Mô hình này được thiết kế và thực hiện đầy đủ gồm phần sa bàn với đầy đủ hệ thống phun xăng và đánh lửa của một động cơ, giúp HS dễ dàng tiếp thu để việc học đạt hiệu quả cao hơn…

“Đối tượng nhà trường đào tạo chủ yếu là HS tốt nghiệp THCS đi học nghề, vì thế cần phải có những thiết bị, mô hình dạy nghề trực quan, sinh động để thu hút các em tham gia học tập. Mô hình phun xăng – đánh lửa Toyota 3S-FE có vai trò là giáo cụ trực quan trong môn học phun xăng điện tử, giúp giáo viên tổ chức dạy học hiệu quả hơn”, ThS Đoàn cho biết. 

Ngoài giải thưởng Lý Tự Trọng được nhận dịp 26/3 năm nay, Nguyễn Quốc Đoàn còn vinh dự là một trong những gương mặt “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương lần đầu tiên giải được bình chọn với quy mô toàn quốc năm 2019. Anh cũng được Trung ương Đoàn tặng Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ, nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vì đóng góp xuất sắc vào công tác giáo dục nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ