Đường tới Harvard của cô gái Việt chọn môn thi Lịch sử

 Lã Hồ Thị Minh Khuê - Ứng viên Việt Nam duy nhất giành suất học bổng toàn phần “khủng” trị giá 320.000 USD của ĐH Havard - có những chia sẻ thú vị về hành trình “chạm tay” vào cánh cổng ngôi trường danh giá thế giới.

Hành trình chinh phục Harvard của Khuê luôn có mẹ đồng hành
Hành trình chinh phục Harvard của Khuê luôn có mẹ đồng hành

Mẹ là người mở ra cánh cửa Harvard

Nhận được tấm vé của Harvard, ngoài bí quyết xuyên suốt Khuê chia sẻ là sắp xếp các nhiệm vụ và hết mình vì chúng, bạn còn “tuyệt chiêu” gì không?

- Tuyệt chiêu lớn nhất của em có lẽ chính là mẹ (cười). Mẹ chọn lựa 6 môn học trụ cột cho em theo triết lí của giáo dục Mỹ. Mẹ nói, mẹ không quan tâm em có chỉ số IQ cao hay thấp, gia đình mình có ai là nghệ sĩ dương cầm, là họa sĩ hay không.

Đây cũng chính là quan điểm giáo dục của Harvard: “Chúng ta phát triển tố chất, chứ không phải vì có tố chất chúng ta mới học”. Mẹ đã cho em học để sự học hạnh phúc, thoải mái chứ không kì vọng vào tương lai em trở thành ai cả.

Việc mẹ cho Minh Khuê học các môn nghệ thuật (piano, hội họa) từ rất sớm là một phần làm nên “sự hạnh phúc” mà bạn nói đến?

- Nghệ thuật đã tạo hiệu ứng kép “Học mà chơi, chơi mà học”, giúp em rèn luyện tính bền bỉ, kiên nhẫn, biết yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp… Khi có sự thuần thục nghệ thuật tương đối, em tăng cường học Toán, Văn, Anh để thi lên THCS. 

Đây lại là một tuyệt chiêu của mẹ: Học toàn diện nhưng thay đổi mức độ đầu tư ở từng giai đoạn và có những “điểm rơi” cần thiết trước các cuộc thi. Mỗi cuộc thi là một lần tập dượt khiến em tự tin vào mình hơn và bạo gan đăng kí vào ĐH Harvard (cười).

Con đường chinh phục Harvard đầy thuyết phục

Các bạn muốn đi du học thường cố gắng chuẩn bị một hồ sơ “sáng” bằng nhiều hoạt động xã hội, còn Khuê thì sao?

- Khi tham gia hoạt động xã hội em chỉ nghĩ đó là những việc mà em muốn làm. Năm lớp 11, em muốn đóng góp cho chương trình “Sách hóa nông thôn” nhưng lại không muốn dùng tiền của mẹ. Mẹ bảo em nên bắt đầu từ chính khả năng của mình. Và em hiểu mình có nghệ thuật.

Nhiều bạn chọn cách du học THPT trước khi gửi hồ sơ vào ĐH Harvard vì như vậy sẽ dễ dàng thuyết phục hội đồng tuyển sinh hơn. Tại sao Minh Khuê không chọn cách này?

Em chọn một con đường khác để thuyết phục hội đồng tuyển sinh bằng cách tự học rồi đăng ký thi nhiều môn SAT II (Chuẩn hóa của Mỹ) dù Hội đồng Tuyển sinh không yêu cầu. Tuy không được điểm tuyệt đối nhưng em đều đạt rank (xếp hạng) theo tiêu chuẩn.

Em nghĩ các điểm số như SAT, TOEFL, GPA… là yếu tố đầu tiên giúp Hội đồng thấy em là học sinh thế nào. Nhưng cái người ta quan tâm hơn chính là con người, tính cách, đam mê của em thể hiện qua bài luận và phỏng vấn.

Rất nhiều ứng viên bị “rớt” vì bài luận nhàm chán. Theo Khuê, đâu là điểm sáng trong bài luận của mình?

- Em đã viết đi viết lại đến 50 lần, đây quả là thử thách vô cùng thú vị. Với 650 chữ, em cần thể hiện trình độ tiếng Anh, cách lập luận và đặc biệt nói được em là ai. 

Đó là một đề “mở” về phông nền văn hóa và câu chuyện quan trọng làm nên con người mình. Em viết về lịch sử gia đình mình với 3 thế hệ phụ nữ là bà ngoại, mẹ và em cùng truyền thống vươn lên, vượt qua khó khăn.

Em đã kể một câu chuyện giản dị: Sau cơn mưa hè, nước lênh láng, rác rưởi bồng bềnh khắp nơi, em cố tìm cách bước lên cao để nhìn xuống. Em xúc động bởi hình ảnh những cô lao công chịu mưa đứng chặn ở những đầu cống để rác không làm tắc cống.

Em nghĩ em đã nói được điều mình muốn: Chúng ta phải dấn thân để trải nghiệm nhưng cũng đủ can đảm bước lên cao để hàm ơn nó, để thay đổi nó. Chúng ta không nên chấp nhận bất cứ cái gì mà cuộc sống mang đến mà phải tự tạo cơ hội cho mình để đạt được điều ấy.

Còn cửa ải phỏng vấn thì sao?

- Trước cuộc hẹn với vị giáo sư lớn tuổi, em khá lo lắng nhưng mẹ dặn em dù thế nào cũng nên thành thật với tất cả những gì mình có. 

Việc bất ngờ nhìn thấy bức tranh lụa đẹp trên tường vốn do vợ ông vẽ như một cái cớ để em nói về tình yêu nghệ thuật. Cuộc gặp kéo dài từ 45 phút thành hơn 2 giờ.

Lúc em bước ra, mẹ toát mồ hôi, còn giáo sư cười nói với em: “Đồng hồ không còn ý nghĩa nữa”. Em nghĩ, nếu có, ông đã bị thuyết phục bởi sự chân thành chứ không phải tài năng của em.

Nếu đúc rút về bí quyết “săn” học bổng “khủng” của mình, Khuê sẽ nói gì?

- Nhìn lại quá trình giành học bổng em không coi như đó là một cuộc đi săn vì hiếu thắng. Em nghĩ, cuộc sống hàng ngày của mình quan trọng hơn nhiều một bộ hồ sơ. 

Đầu tiên mình phải có ước mơ, kiên trì bền bỉ theo đuổi nó. Em quên đi cả tác động có tính cạnh tranh, ganh đua bên ngoài vào để tìm được con đường phù hợp với mình nhất.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Harvard, Minh Khuê có dự định quay về Việt Nam làm việc không?

- Chắc chắn em sẽ quay về quê hương. Em đã chọn thi tốt nghiệp THPT bằng môn Lịch sử và học được rằng: “Nếu đi đến tận cùng của dân tộc, ta sẽ gặp nhân loại”. 

Để trở thành công dân toàn cầu không chỉ cứ vươn ra thế giới mà phải hiểu nơi mình sinh ra, lớn lên, nơi có những người thân của mình với cả điều tự hào và hạn chế.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ