Đoạt giải thưởng quốc tế nhờ học đi đôi với hành

GD&TĐ - Một công trình nghiên cứu của thầy trò Trường THPT Kim Anh (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã đoạt Huy chương Vàng trong Cuộc thi sáng tạo và đổi mới quốc tế INOVA. Cuộc thi này mang tầm cỡ và uy tín thứ 2 tại châu Âu.

Đinh Thùy Linh và Vũ Thu Hằng. Ảnh: Thanh Tuấn.
Đinh Thùy Linh và Vũ Thu Hằng. Ảnh: Thanh Tuấn.

Cuộc thi mang tên “Phát minh sáng chế quốc tế INOVA năm 2019”, do Hiệp hội Phát minh Sáng chế Croatia phối hợp cùng Hiệp hội Phát minh Sáng chế thế giới WIIPA tổ chức tại Zagreb (Croatia), có 31 nước tham dự với hơn 500 sản phẩm dự thi. Các sản phẩm tham dự cuộc thi là những sản phẩm có tính đổi mới, ứng dụng thực tiễn cao, có khả năng thương mại hóa và gần gũi với môi trường.

Đề tài “Tạo màng bọc thực phẩm có khả năng phân hủy sinh học” (The Process of making biodegradable food wrapping film) của Đinh Thùy Linh và Vũ Thu Hằng (học sinh lớp 12 C, Trường THPT Kim Anh) xuất sắc giành Huy chương Vàng, cùng 1 giải Đặc biệt cho đề tài xuất sắc nhất về tính ứng dụng, Huy chương sáng chế châu Âu do Hiệp hội các nhà sáng chế Romania trao tặng.

Để làm ra sản phẩm màng bọc thực phẩm có khả năng phân hủy sinh học, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Phạm Thị Lan Hương, Linh và Hằng đã sử dụng nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên rẻ tiền, rất sẵn trong đời sống hàng ngày như chè xanh, nước vo gạo, làm môi trường nuôi cấy giúp vi sinh vật sản sinh ra màng cellulose vi khuẩn, để sản xuất vật liệu đa năng thân thiện với môi trường. Điều thú vị là vật liệu này có khả năng cản khuẩn, có thể ăn được và tự hủy sinh học.

Nói về ý tưởng thực hiện đề tài, Đinh Thùy Linh cho biết, gần chỗ em sinh sống có bãi rác Nam Sơn. Ở đấy có nhiều rác thải gây ô nhiễm môi trường không thể nào phân hủy được. Vì vậy, điều mong muốn và cũng là mục đích nghiên cứu của chúng em là tạo ra một sản phẩm thay thế túi nilon để bảo vệ môi trường.

Ý tưởng về sản phẩm công nghiệp nhưng lại thân thiện với môi trường xuất phát ban đầu từ những kiến thức hóa sinh mà Linh và Hằng được học trong sách giáo khoa. Từ đó, các em nghĩ ra cách dùng vi khuẩn lên men nước trà xanh và nước gạo để tạo ra một loại màng bọc thực phẩm tự phân hủy sinh học, góp phần thay thế túi nilon.

Sản phẩm đoạt giải thưởng quốc tế lớn lần này đã có một quá trình sản xuất sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường, không sinh ra chất độc hại. Đặc biệt, khi dùng để bao bọc thực phẩm, sản phẩm làm tăng thời gian bảo quản thực phẩm; an toàn cho người dùng và có khả năng tái sử dụng. Sau khi thải ra môi trường, vật liệu tự phân hủy sinh học, như các rác thải hữu cơ, không gây ô nhiễm môi trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ