Để có thần tượng đúng nghĩa

GD&TĐ - Gần đây, những hình ảnh xuất hiện trên các trang mạng xã hội cho thấy một bộ phận giới trẻ đang có cái nhìn lệch lạc về thần tượng. Vấn đề đặt ra là “làm sao để các em có một thần tượng đúng nghĩa?”. 

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn.

Xung quanh vấn đề này, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Khả năng minh định còn chông chênh

- Ông có suy nghĩ gì về hiện tượng một bộ phận giới trẻ có sự lệch chuẩn về thần tượng?

Thực tế việc thần tượng một người xuất phát từ nhiều lý do: người ấy nổi bật, gây hiệu ứng cảm xúc; vì áp lực của đám đông hay nhóm - tập thể; vì sự tương đồng với một mong đợi sâu thẳm bên trong của đời sống tâm lý chúng ta… Nên khi bắt gặp những dấu hiệu tương đồng thì ta dễ ấn tượng ngay; hoặc cũng có thể vì ta thích do người ấy là đối trọng với những gì ta ẩn ức lâu nay...

Thần tượng ai đó thường rơi vào hai trường hợp: một là hiểu về người ấy, đánh giá đúng đắn hay nhận thức khá rõ ràng về tác động tích cực của họ đối với mình, và như thế việc thần tượng họ là có cơ sở và phù hợp. Nhưng nếu không hiểu về người ấy khá đủ, hoàn toàn lệ thuộc vào cảm xúc, không xác lập cơ sở để thần tượng thì đó là biểu hiện của sự mê muội...

Cũng cần mổ xẻ thêm về chủ thể thần tượng. Ngoài sự nhìn nhận như đã nói ở trên, trong thực tế cuộc sống hiện nay có nhiều người thích được người khác, được cộng đồng, nhất là giới trẻ quan tâm, ưu ái đến mình nên đã sử dụng nhiều thủ thuật truyền thông để lan tỏa hình ảnh cá nhân.

Khi cái bẫy của sự độc, lạ giăng lên, sẽ có nhiều nhóm vào theo dõi, tham gia, like, share... mà không hẳn chủ thể đó thật sự là thần tượng của họ. Các bạn trẻ tham gia, qua hình thức đó, được giải tỏa và được bung xõa sẽ cảm thấy thích thú nên dần dần chiếc bẫy trở thành cái “gông”. Thích trên mạng xã hội rồi dần thích thật. Các em vô tình đã chọn nhầm thần tượng mà không ý thức hết.

- Thực tế cho thấy khả năng minh định hiện tượng nào là tốt, xấu của học sinh chúng ta đang có vấn đề. Ông lý giải thế nào?

Phải nhìn nhận rằng khả năng minh định hiện tượng nào là tốt, hiện tượng nào là xấu của học sinh còn chông chênh bởi thế giới quan của các em chưa ổn định. Nhận thức cũng như thang chuẩn giá trị của các em còn mỏng, chưa đủ đầy, nên sự lựa chọn thiếu luận cứ.

Ngoài ra, cũng có thể thấy, một bộ phận các em không hẳn không minh định được cái tốt và chưa tốt, nhưng thích thử xem thế nào, điều gì sẽ xảy ra; hoặc cho người ta chú ý tới mình, cho người thân biết mình đang phản kháng…

Khoan đánh giá những điều trên là tốt hay xấu bởi nhiều em nhận thức theo chuẩn của mình chứ không phải chuẩn của xã hội hay chuẩn được nhiều người công nhận. Các em dễ cho rằng đó là điều đáng làm, nên thử làm, mới được xem là có cá tính. Đây cũng chính là hệ lụy của một xã hội mở, của sự tác động đa chiều bởi Internet, mạng xã hội…

Với những hành động tích cực hoa hậu H’Hen Niê ngày càng được các bạn trẻ yêu mến.

Với những hành động tích cực hoa hậu H’Hen Niê ngày càng được các bạn trẻ yêu mến.

Thần tượng tích cực là cần thiết

- Từ góc độ một nhà tâm lý học, quản lý giáo dục, ông thấy giới trẻ có nên có thần tượng cho riêng mình hay không?

Tại sao không? Bởi thần tượng là điểm tựa, là động lực để chúng ta phấn đấu, vui sống; là nguồn cảm xúc cũng như là sự khơi gợi cho chúng ta có định hướng trong cuộc sống... Tất nhiên, đó là thần tượng tích cực, phù hợp đúng nghĩa.

Tôi thấy chúng ta nên giúp giới trẻ chọn thần tượng đúng thay vì đặt ra câu hỏi có nên thần tượng ai hay không, bởi đó là nhu cầu tự thân của con người nói chung, của các em nói riêng. Sự va đập giữa các giá trị trong cuộc sống; sự chới với để hướng đến các chuẩn mực cao làm nhiều em cảm thấy căng thẳng; nhu cầu nổi loạn có thể làm không ít em tìm gặp nguồn khơi gợi..., và nhiều khi chọn để giải trí chơi chứ cũng chẳng nghĩ sâu điều gì, dẫn đến việc tìm chứ không chịu hiểu, nhận chứ không chủ động chọn... Điều này phản ánh thêm sức mạnh của truyền thông mạng, sức mạnh của hiệu ứng đám đông.

Tôi nghĩ vấn đề đặt ra là chúng ta cần cho các em thấy nhiều hơn về thế giới xung quanh để mà khám phá. Chúng ta cần cho các bạn trẻ hiểu về chúng ta một cách công bằng, không chỉ có cảm xúc tiêu cực mà còn cảm xúc tích cực. Do đó, chúng ta nên chân thật, thoải mái và cân bằng hơn cũng như công bằng hơn trong quan hệ với các em.

Mặt khác, cần xem lại cách quản lý truyền thông mạng, cách tác động khủng khiếp của những cái like, share vô cảm; cách đếm lượt view, cách cấp phát nút vàng nút bạc thiếu lý trí, thiếu tầm nhìn và vô định hướng của những người khai thác truyền thông mạng... Số kinh phí thu được khá nhiều, nhưng số kinh phí phải đầu tư để điều chỉnh kỹ năng, điều chỉnh những định hướng sai về giá trị sẽ trả rất nhiều, gấp nhiều lần... Và viễn cảnh thật đáng lo nếu chúng ta thiếu sự tỉnh táo và chiến lược dài hơi...

- Vậy, làm sao để các em có một (hay nhiều) thần tượng đúng nghĩa?

Vấn đề đặt ra là chúng ta chưa thể hiện sự tư duy biện chứng của việc khai thác, sử dụng Internet. Chúng ta hoàn toàn đồng thuận về việc khai thác, kinh doanh, trao đổi, học tập trên Internet nhưng lại chưa đánh giá sát sườn về lợi nhuận đúng nghĩa của nó.

Chúng ta cần đầu tư cho người dùng và cần minh bạch quỹ thu để đào tạo, bồi dưỡng cho giới trẻ về vấn đề văn hóa... sử dụng Internet, mạng xã hội. Sự thiếu biện chứng còn thể hiện ở vấn đề chúng ta phát hiện nhưng không có trách nhiệm để tìm nguyên nhân đến nơi, đến chốn và xử lý rốt ráo, triệt để.

Nếu cần điều chỉnh nhận thức về thần tượng, sự định hướng giá trị chuẩn khi chọn thần tượng, kỹ năng chọn thần tượng và thể hiện sự ngưỡng mộ... thì ai sẽ thực hiện, thời gian, kinh phí, và những yếu tố khác.

Nếu Internet đã ảnh hưởng chưa tích cực đến giới trẻ, phải có chế tài để buộc người khai thác chịu trách nhiệm. Đó là sự đầu tư xã hội, công ích để đảm bảo chịu trách nhiệm đúng, đủ. Như thế mới là việc vào - ra công bằng; tạo ra sự phát triển bền vững, tạo ra chiến lược khai thác công nghệ có lương tâm. Điều này gián tiếp làm người lọc thông tin từ đầu phải cân nhắc.

Chúng ta không khắt khe để yêu cầu biến mạng xã hội, Internet thành trường học hoàn hảo nhưng ai là người sẽ đánh giá môi trường ấy, kiểm định, đề xuất giám sát... Tất cả quá thiếu, yếu bởi thiếu biện chứng và thiếu sự quán triệt trước - sau, gần - xa...

Cần nhìn nhận thêm vấn đề ở một góc cạnh nữa: diễn tiến tâm lý căng thẳng dẫn người ta thích đi tìm cái dễ xem, dễ nghe, cái lạ, cái quái... và những clip độc, những hình ảnh phá cách, chọc ngoáy, thể hiện ta đây, v.v... vô hình chung đáp ứng điều đó cho các em học sinh. Như thế, chúng ta cần tham gia điều chỉnh trạng thái tâm lý của học sinh, cần giữ cho các bạn trẻ luôn ở thế cân bằng, biết cách thư giãn hơn và biết chọn lựa để tránh hữu khuynh...

Thần tượng bất kỳ ai, muốn phù hợp cần được sự tác động, dẫn đường. Liệu rằng ai là người thân sẽ được con em mình thần tượng? Liệu thầy cô có đối diện thẳng thắn với các em để nói mình từng chọn sai thần tượng thế nào? Câu hỏi tôi sẽ đặt ra sau cuộc trao đổi này, sẽ là hành động gì để tiếp tục giúp các bạn trẻ chọn thần tượng phù hợp đúng nghĩa, chắc chắn là câu hỏi không khó trả lời.

- Xin cảm ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ