Cô giáo hot girl cảm hóa học trò cá biệt

Bất ngờ nổi tiếng từ bức ảnh học sinh chụp lén trên lớp, cô giáo Vũ Thị Phương nhận được sự yêu mến từ cộng đồng mạng. Nữ giáo viên 9x có nhiều kinh nghiệm dạy trò cá biệt.

Cô giáo hot girl cảm hóa học trò cá biệt

Bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội

Cô giáo Vũ Thị Phương (sinh năm 1991) là giáo viên môn Địa lý tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 8 (TPHCM). Trước đó, cô Phương tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM. Cô được học trò gọi biệt danh quen thuộc là “cô giáo đẹp”, “cô giáo hot girl”.

Cuối năm 2014, cô giáo trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội sau khi bức ảnh mặc áo dài đứng trên bục giảng mang tên tiêu đề "Cô giáo em" được chia sẻ chóng mặt. Cô Phương tâm sự: "Bức ảnh được học sinh chụp lén. Nhận được sự quan tâm của mọi người, mình khá bất ngờ”.

Gần đây, một clip được quay lại trong khi nghỉ giữa giờ, cô bị học trò trêu đùa, gọi là "cô giáo hot girl" và đòi so chiều cao. Đáp lại học sinh, cô chỉ mỉm cười. 

Ngay sau khi đăng tải, clip lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội. Hình ảnh cô giáo đáng yêu từ câu nói đến những biểu cảm trên gương mặt khiến nhiều người khen ngợi. 

Thêm một lần bất ngờ nổi tiếng, cô Phương kể: "Học trò lớp 10B2 quay clip nhưng mình không hề biết. Chỉ sau vài giờ đồng hồ, mình nhận được hàng trăm tin nhắn, lời mời kết bạn trên Facebook. Mọi người đều nói chuyện rất dễ thương và lịch sự".

Hiện tại, mỗi hình ảnh, dòng chia sẻ của Phương trên Facebook cá nhân thu hút hàng nghìn lượt like (thích) và hàng trăm bình luận. Tuy nhiên, việc xuất hiện nhiều tài khoản giả mạo khiến Phương phiền lòng.

Dạy trò cá biệt bằng tình cảm

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM, cô Vũ Thị Phương dạy học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận 8. Ở đây, cô giáo có nhiều kỷ niệm và trải nghiệm cùng học trò. 

Cô giáo 9x kể: "Các em đa phần đều cá biệt, có hoàn cảnh khó khăn, tự bươn trải kiếm sống nhưng rất thương giáo viên".

Thời gian đầu mới vào nghề, Phương từng bị stress nặng vì học sinh quá nghịch ngợm, hay nói chuyện trong giờ, cãi lời cô giáo. Cô giáo trẻ chia sẻ: “Mình từng khóc, bỏ chạy ra ngoài lớp học". 

Sau một năm làm việc, cô giáo trẻ vui vẻ cho biết: "Hiện tại, việc học tập của các em đã ổn hơn. Có thể do học sinh đã qua thời gian nghịch ngợm, hoặc thương cô giáo nhỏ quá, sợ bắt nạt cô sẽ bị suy dinh dưỡng". 

Từng đau đầu về học trò nhưng Phương chưa bao giờ bất lực hay nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Đối với cô, cá nhân nào cũng có cách thấu hiểu và định hướng. 

Phương kể: “Mình dùng tình cảm để cảm hóa các em. Nhiều khi học trò nghịch quá, mình hoàn toàn ""bó tay"" với các phương pháp như hạ hạnh kiểm, mời phụ huynh, đuổi học. Sử dụng biện pháp mạnh, các em không sợ mà ngược lại sẽ chống đối. Mình lại nhắn tin, trò chuyện với từng em như: “Em à, em có thương cô không? Nếu thương cô thì bớt quậy nhé”.

Cô Phương kể, bạn Hoài Ân lớp 10A2 ban đầu là học sinh cá biệt nhưng có nội tâm sâu sắc. Cô sử dụng mạng xã hội để tiếp cận, trò chuyện, đồng cảm học trò. 

Dần dần thấu hiểu, cô Phương có cách ứng xử sao cho khéo léo, giúp Ân trở thành học sinh ngoan. “Rồi em Dinh siêu quậy và lì lợm, có thể chống đối bất kỳ thầy cô nào. Tuy nhiên, nếu dùng tình cảm, em sẽ không hỗn hào nữa” – Cô cho biết.

Sau hơn một năm trong nghề, cô giáo 9x có rất nhiều kỷ niệm cùng học trò: "Mình vui nhất mỗi khi được các em làm quà handmade tặng. Những lúc mình bị ốm hay mệt mỏi, học trò thường rất chu đáo như mua cháo cho cô tẩm bổ. Học sinh lớp 12 sắp ra trường, tuy không chủ nhiệm, các em nhưng mình rất buồn".

Theo Zing News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ