Cơ duyên đến với nghề nặn tò he từ sở thích nếm bột

GD&TĐ - Có lẽ, hình ảnh nghệ nhân truyền thống nặn tò he Đặng Văn Tiên đã quen thuộc với nhiều em nhỏ trên các góc phố ở Hà Nội. Thế nhưng, câu chuyện về anh và cái duyên đến với nghề nặn tò he  thú vị ít người biết.

Nghệ nhân Đặng Văn Tiên bên sản phẩm tò he truyền thống.
Nghệ nhân Đặng Văn Tiên bên sản phẩm tò he truyền thống.

Cơ duyên đến với “tò he” từ nhỏ

Đặng Văn Tiên sinh năm 1984 ở Phú Xuyên, Hà Nội trong một gia đình thuần nông.

Từ nhỏ, anh Tiên đã đam mê với tò he bởi nó không chỉ là món đồ chơi với bọn trẻ mà còn là món đồ có thể ăn được. May mắn, ông ngoại cũng là người làm nghề và truyền cảm hứng cho anh. Anh thường xuyên ngồi học nặn và thi thoảng còn “nếm” bột ăn thử.

Năm học lớp 9, anh Tiên đã theo ông ngoại đi nặn tò he ở các lễ hội và địa điểm gắn bó với anh nhiều nhất có lẽ là công viên Thống Nhất. Đối với chàng trai trẻ thì đó không chỉ là đam mê mà nó còn là nguồn thu nhập chính giúp anh có tiền trang trải học phí.

Khi học hết THPT, buồn vì không đủ điểm đỗ Đại học, anh Tiên đã đôi lần quyết tâm đi học nghề, thế nhưng, chính ông ngoại lại truyền lửa cho anh và khuyên cháu trai hãy học nghề truyền thống mà cháu yêu thích. Kể từ đó, Tiên theo ông đi khắp các lễ hội các tỉnh thành từ Bắc Ninh, Đông Anh, Phú Thọ,…Thậm chí những khu vui chơi, bãi biển đều có dấu chân của hai ông cháu.

Yêu thích nghề nặn tò he từ đó và say mê với mỗi hình thù do chính bàn tay mình làm ra, anh Tiên còn ghi chép không thiếu nơi nào anh đã đến, lễ hội nào anh đã trải qua và những gì anh chưa làm được để trong hành trình tương lai, anh sẽ quyết tâm thực hiện.

Từ trăn trở với nghề đến thành công

Những tưởng nghề nặn tò he thật đơn giản, nhưng nghệ nhân Đặng Văn Tiên cho biết, hiện, rất nhiều nghệ nhân đang “loay hoay” tìm địa điểm để làm nghề nhưng rất khó khăn, nhất là khi có chỉ thị cấm bán hàng rong và ngồi ở vỉa hè thì nhiều người vì không biết đi đâu đã bỏ nghề.

Riêng đối với anh Tiên, điều anh trăn trở nhất chính là tìm ra nguyên liệu có thể để được lâu bởi tò he được làm bằng bột gạo nếp, không thể để qua đêm. Sau những tìm tòi và học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, trải qua nhiều lần thất bại, anh Tiên đã thành công khi chế được bột nặn có thể cất giữ từ 1 đến 2 năm. Hiện nay, có rất nhiều người tìm đến để mua bột của anh về làm nghề.

33 tuổi, gắn bó với nặn tò he cũng đã hai mươi năm, nhưng anh Tiên còn nhớ mãi kỉ niệm khi ngồi ở Cung thiếu nhi Hà Nội: "Hôm đó, có một em nhỏ đòi mẹ cho mua tò he nhưng lại không có mẫu sẵn. Sau đó, tôi đã bảo cháu tả lại để làm. Khi hoàn thiện sản phẩm, cháu đã vui mừng vì nó rất giống với hình ảnh mà cháu thích. Cũng từ đó, mấy chú bảo vệ ở Cung thiếu nhi thấy tôi đến đều ưu tiên cho tôi một chỗ để ngồi say sưa tạo hình”.

Mỗi một hình ảnh, con vật được tạo lên là một điều thích thú đối với nghệ nhân Đặng Văn Tiên. Có lẽ, những màu sắc, mùi vị của nguyên liệu đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của anh.

Nghệ nhân Đặng Văn Tiên cũng đã từng đạt rất nhiều danh hiệu cao quý như: Danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội năm 2015; Danh hiệu Nghệ nhân Hiệp hội Làng nghề Việt Nam năm 2013; Giải Nhất trong chương trình thi nặn Tò He trong khuôn khổ Hội chợ Nông sản và Thủ công Mỹ nghệ Khu vực phía Bắc năm 2012; Giải Nhì thi Liên hoan nặn Tò He trong “Hội hoa- Chợ tết tôn vinh làng nghề và hàng nông sản chất lượng cao” Xuân Quý Tỵ năm 2013; Giấy chứng nhận bàn tay Vàng làng nghề truyền thống năm 2015. Ngoài ra, anh còn cộng tác với nhiều báo đài để quảng bá hình ảnh nghề truyền thống đến với mọi người.

Thế nhưng, ấn tượng nhất với anh Tiên là giải khuyến khích mẫu thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Khi đó, anh đã thiết kế nặn tò he lên đầu bút bi và bút chì. “Nhờ có mẫu đó mà sản phẩm mình nặn ra bán rất đắt hàng. Đồng thời, mình cũng đã sáng tạo ra bức tranh được nặn bằng bột tò he, được Sở Công thương trao cho giải thưởng Sáng tạo. Khách quốc tế đã đến thăm gian hàng của mình rất đông, đó là niềm vui và hạnh phúc lớn đối với những người làm nghề như mình” – nghệ nhân Đăng Văn Tiên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ