Chuyện kể mãi không hết của cô giáo miền xuôi dạy trò miền ngược

GD&TĐ - Bước vào nghề giáo viên Tiểu học từ năm 24 tuổi, năm nay cũng được 4 năm trong nghề, hai vợ chồng cô giáo tận tụy công tác tại từng điểm trường lẻ xa xôi của vùng biên giới. Họ cách nhau 7 km đường rừng, muốn gặp nhau phải lội suối, băng rừng nên một tuần vợ chồng mới đoàn tụ 1 lần...

Cô giáo Hoàng Nữ Huyền Trang.
Cô giáo Hoàng Nữ Huyền Trang.

Đó là cô giáo Hoàng Nữ Huyền Trang, hiện đang dạy tại Trường Tiểu học Thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa, Quảng Bình). Nhưng câu chuyện mà cô muốn kể với chúng tôi là 3 năm tham gia giảng dạy, cắm bản, đem con chữ tới vùng biên giới tại điểm trường Si – Chacap, thuộc Trường Tiểu học Ma Rai (Nay là trường PTDTBT TH&THCS số 2 Trọng Hóa) .

Cô dạy tiếng Kinh, trò nói tiếng dân tộc

Đây là một trường thuộc khu vực biên giới, 100% là đồng bào dân tộc, cuộc sống người dân phụ thuộc vào nương rẫy, việc học tập của con em đặt sau những lo toan của việc chạy ăn từng bữa. Ngày đầu tiên cô Trang đi dạy cũng là lần đầu tiên cô giáo người Kinh này được thấy học sinh đến trường với đôi chân trần và quần áo cộc, sau lưng còn phải địu thêm em nhỏ.

Những khó khăn ban đầu tưởng chừng đã làm nhụt chí một giáo viên trẻ, nhưng rồi đó lại là điều giúp cô biết và hiểu tầm quan trọng của giáo dục đối với những đứa trẻ nghèo. Chỉ có học tập mới đem lại cho các em những cơ hội và tương lai tốt đẹp hơn. Cô Trang cùng đồng nghiệp động viên nhau để vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục.

Được phân công về giảng dạy tại điểm trường Si – Chacap - Trường mới mở lớp học tại bản được một năm. Lớp học dựng tạm, qua một năm giờ chỉ còn là mấy cọc tre và vài tấm gỗ cưa sơ sài gác lên các cọc gỗ để làm bàn cho các em viết.

Không cam chịu để học sinh phải thiệt thòi, các cô bắt đầu sửa chữa trường học từ tranh và nứa. Cùng với sự giúp sức của dân bản, hai phòng học đơn sơ được dựng lên. Nhưng những khó khăn về vật chất chưa thấm gì so với sự bất đồng ngôn ngữ của cô và trò.

Khi cô Trang bắt đầu giảng dạy, cô giáo nói tiếng Kinh các em không hiểu, mà trò nói tiếng dân tộc, cô cũng không biết. Thế là, cô giáo ấy ngoài dạy kiến thức, phải dạy học sinh biết tiếng Kinh, đồng thời cô cùng trò học tiếng dân tộc để dễ giao tiếp với bà con trong bản.

Khó khăn này chưa hết thì vất vả khác lại tới, các em thích thì đi học, hôm nào không thích thì theo bố mẹ lên rẫy. Có những ngày, cô Trang phải đi lên rẫy để đưa các em trở lại lớp.

Chuyện của vợ chồng làm nghề “bụi phấn dính đầy tay”

Nói về động lực để cô tiếp tục gắn bó với nghề, cô Trang chia sẻ: Sự hồn nhiên của các em, niềm tin yêu quý mến của bà con dân bản làm tôi vững tin vượt qua mọi khó khăn để bám bản, bám lớp, bám trường. Mọi khó khăn trong cuộc sống của chúng tôi được dân bản chia sẻ, giúp đỡ. Dần dần, tôi như một thành viên của bản.

Niềm vui lớn nhất của tôi đó là, hôm nay, các em biết thêm một chữ cái hay làm thêm được một phép tính. Ba năm công tác tại vùng biên giới, nhìn từng khóa học sinh háo hức với những điều mới mẻ mà các em vừa được học, tôi biết mình đã có chút đóng góp nhỏ trong nụ cười rạng rỡ của các em.

Năm 2009 – 2010, tuy là giáo viên mới nhưng cô Trang đã mạnh dạn tham gia giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đạt giải ba. Năm 2012 – 2013: đạt giải nhất giáo viên giỏi cấp huyện. Năm 2013 – 2014: đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh giải ba…là lần lượt những thành quả trả lời cho sự cố gắng vượt lên mọi hoàn cảnh của cô giáo trẻ.

3 năm dạy tại điểm trường Si-chacap, chồng cô Trang cũng tham gia giảng dạy tại điểm trường lẻ cách cô 7km. Những tưởng 7km ấy ngắn lắm, chỉ 15 phút đi xe máy là gặp được nhau. Nhưng với con đường mòn dốc núi, muốn đoàn tụ phải lội suối, băng rừng, gặp nhau cũng tối muộn mà sáng phải dậy thật sớm để lên lớp với các em. Vì vậy, họ cưới nhau 4 năm nhưng lúc nào cũng như đôi tình nhân đang hẹn hò, 7 ngày gặp nhau một lần.

Tuy muốn gắn bó với vùng đất biên giới còn khó khăn này,mẹ già đau ốm nên phòng Giáo dục Minh Hóa đã tạo điều kiện cho cô Trang được về công tác gần nhà hơn để tiện chăm sóc (Trường Tiểu học Thị trấn Quy Đạt - Nơi cô Trang hiện đang giảng dạy). Thế là vợ chồng lại cách nhau đến 70km.

Mỗi lần gặp nhau, họ lại kể chuyện học trò nghèo, chuyện người dân bản yêu quý thầy cô giáo như người thân ruột thịt…Thế là cuộc đời họ gắn bó với nhau từ những câu chuyện của đôi vợ chồng làm nghề “bụi phấn dính đầy tay”.

Cô Hoàng Nữ Huyền Trang là một trong 64 giáo viên đại diện cho thầy cô của 64 huyện nghèo đóng góp cho công tác giáo dục của các tỉnh khó khăn  được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

"Thông tin chi tiết về chương trình và lễ tuyên dương giáo viên, truy cập http://www.chiasecungthayco.com/

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ