Chuyện học của du học sinh Lào ở phố núi

Chuyện học của du học sinh Lào ở phố núi

(GD&TĐ) - Những năm qua, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh này đã thực hiện tốt công tác đào tạo cho lưu học sinh Lào. Từ đây, nhiều thế hệ lưu học sinh Lào đã trưởng thành, góp phần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước bạn, đồng thời, qua đó cũng góp phần hun đúc và củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và Lào.

Bỡ ngỡ ban đầu

Trước khi sang Kon Tum học tập, hầu hết các lưu học sinh Lào đều tìm hiểu khá kỹ về phong tục, tập quán nhưng khi bước vào trải nghiệm thực tế thì những ngày đầu quả thực có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Mặc dù trước khi  vào học chuyên ngành tại các trường chuyên nghiệp, các sinh viên Lào đều phải trải qua 1 năm học tiếng Việt tại Trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum nhưng đối với các em để học, viết, nói tiếng Việt một cách lưu loát là cả một hành trình nỗ lực.

Thầy Nguyễn Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường CĐSP Kon Tum cho biết: Từ năm 2002, Trường bắt đầu dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và đào tạo một số chuyên ngành sư phạm. Đến nay, trường đã đào tạo tiếng Việt cho gần 100 lượt sinh viên và đào tạo chuyên ngành cho 40 lượt sinh viên. Gần đây nhất là năm 2010, nhà trường đã đào tạo tiếng Việt cho 38 em; sau khóa học, các em được phân về các trường: Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum (10 em), Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (13 em), Trung học Y tế (8 em) và Cao đẳng Sư phạm (7 em).

Với vai trò là cơ sở đầu mối trong việc đào tạo tiếng Việt, nhà trường đã biên soạn các tài liệu, giáo trình học đảm bảo phù hợp với năng lực, khả năng nắm bắt kiến thức của các em. Ở trên lớp, nhà trường bố trí một giáo viên dạy tiếng Việt và một phiên dịch viên tiếng Lào để giúp việc học được dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các em còn được giáo viên  hướng dẫn đọc các tài liệu, xem các loại sách báo để nhanh chóng nâng cao vốn tiếng  Việt.

Lưu học sinh Lào (Trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum) học bài tại ký túc xá
Lưu học sinh Lào (Trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum) học bài tại ký túc xá

Em Sulita Xay Nha Vông Sã (Sinh viên năm 2, Khoa giáo dục mầm non, trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum) tâm sự: Học tiếng Việt quả thực là một thách thức đối với chúng em vì cách phát âm của tiếng Việt khác tiếng Lào, vốn từ tiếng Việt lại phong phú, đa dạng. Ngay cả sau khi hoàn thành khóa học tiếng Việt, chuyển qua học chuyên môn, việc tiếp thu những thuật ngữ chuyên ngành cũng rất khó.

Tuy nhiên, được sự giúp đỡ tận tình của các giáo viên, các bạn sinh viên Việt Nam, chúng em đã nhanh chóng bắt nhịp được với việc học tập và cuộc sống ở Kon Tum. Bên cạnh đó, để khắc phục hạn chế về mặt ngôn ngữ, cùng với việc học ở lớp, chúng em tăng cường giao tiếp, chăm đọc sách báo, xem thời sự trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Quê hương thứ hai 

Vượt qua những khó khăn ban đầu, sau một thời gian học tập và sinh sống, hầu hết các sinh viên Lào đều cảm thấy gắn bó với Kon Tum như quê hương thứ hai; ngôi trường theo học trở thành mái nhà chung, những người bạn Việt Nam đã trở thành anh em trong một gia đình.

Em Đuông Bua Ngâm Xú Năn (lớp K511QT, Khoa quản trị kinh doanh, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum) bày tỏ: Sau một thời gian sinh sống, học tập, giờ đây, em thấy mọi thứ ở Kon Tum đã trở nên thân quen, gắn bó, thân thương như chính quê hương của em. Những tên đường, những món ăn đều đã trở nên quen thuộc, nhất là người dân, bạn bè rất thân thiện, quý mến vì thế mà nỗi nhớ nhà, nhớ quê cũng vơi bớt.

Còn em Phệt Sổm Xây (sinh viên năm 2, Khoa công tác xã hội, Trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum) thì chia sẻ: Sau gần 3 năm học tập, giờ thì Kon Tum đã trở thành quê hương thứ hai của em. Ở Kon Tum thì nhớ nhà mà mỗi lần về nhà lại thấy nhớ Kon Tum.

Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các lưu học sinh Lào, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã quan tâm chăm lo cho các em chỗ ở ký túc xá.  Vào những ngày lễ, tết của hai nước, ngoài việc tạo điều kiện để các em được về nhà đón tết truyền thống và thăm gia đình, Trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum còn tổ chức cho các em vui xuân, đón tết cổ truyền dân tộc Việt Nam sớm.

“Còn với Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum ngoài việc bố trí cho các em được ở ký túc xá, các giáo viên còn thường xuyên quan tâm tới việc ăn, ở giúp các em mau chóng quen với nếp ăn, nếp ở trong trường. Trong học tập, các giáo viên cũng rất quan tâm, chú ý, luôn sẵn sàng giúp đỡ khi các em có nhu cầu học hỏi” - cô Đình Thị Thanh, cán bộ Phòng công tác sinh viên, Chủ nhiệm lớp lưu học sinh Lào cho biết. 

Chính những việc làm đó giúp các lưu học sinh Lào yên tâm học tập và gắn bó với trường, với lớp. Từ việc bồi dưỡng, đào tạo cho các thế hệ lưu học sinh Lào đã góp phần thắt chặt và củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào nói riêng và Việt Nam – Lào nói chung.

Thùy Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ