Chương trình xóa mù chữ của chiến sĩ trẻ

GD&TĐ - 30 tuổi và là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2018 ở lĩnh vực quốc phòng, Trung úy Vàng Lao Lừ không khỏi xúc động khi được vinh danh tại Lễ tuyên dương do Trung ương Đoàn TNCS tổ chức.

Trung úy Vàng Lao Lừ (thứ hai từ trái qua phải) được vinh danh tại Lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018. Ảnh: Sỹ Điền.
Trung úy Vàng Lao Lừ (thứ hai từ trái qua phải) được vinh danh tại Lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018. Ảnh: Sỹ Điền.

Anh từng nhận nhiều giải thưởng, danh hiệu như: Thầy giáo quân hàm xanh và danh hiệu Chiến sĩ tiêu biểu trẻ ở lực lượng bộ đội năm 2017, Chiến sĩ tiêu biểu trẻ toàn quân năm 2018...

Lớp học đặc biệt: Học sinh lớn tuổi hơn thầy

Chia sẻ tại Lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018, Trung úy Vàng Lao Lừ cho biết: anh là thành viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La. Anh đang tham gia xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới ở xã Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La).

Trung úy Vàng Lao Lừ (thứ 3 từ phải sang) giao lưu với khán giải tại Lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018 tối 19/3. Ảnh: Sỹ Điền.
Trung úy Vàng Lao Lừ (thứ 3 từ phải sang) giao lưu với khán giải tại Lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018 tối 19/3. Ảnh: Sỹ Điền.

Chia sẻ về lý do trở thành thầy giáo quân hàm xanh, Trung úy Vàng Lao Lừ cho biết: “Trong một lần đi tuyên truyền, thấy bà con tự ti, e dè, tôi hỏi vì sao mọi người ngại tiếp xúc với cán bộ, bà con trả lời rằng: “Vì không biết chữ nên không biết nói gì?” Câu nói của bà con khiến tôi trăn trở và quyết định xin cấp trên mở lớp xóa mù chữ cho bà con”.

Ngày 18/1/2017, lớp học xóa mù chữ tại bản Co Muông được khai giảng, Trung úy Lừ trực tiếp đứng lớp dạy học. Lớp học nằm chênh cheo leo trên đỉnh núi.

“Đường sá đi lại khó khăn, chủ yếu là đường đất. Trời nắng thì bụi mù đất đỏ, còn trời mưa thì trơn trượt và lầy lội. Quãng đường từ đơn vị tới trường khoảng 13km, nếu đi xe máy mất khoảng 1 giờ. Những hôm mưa gió, đường sá rất khó đi, tôi đã phải bỏ xe lại và đi bộ 3 - 4 tiếng mới đến được lớp học” - Trung úy Lừ cho hay.

Chia sẻ về kỷ niệm trên quãng đường 13km để đến lớp dạy học, Trung úy Lừ kể lại: “Vào tháng 8/2017, đúng dịp mưa lũ, sạt lở đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các gia đình. Vì thế tôi rất lo không duy trì được lớp học.

Hôm đó, tôi vẫn quyết tâm đến lớp. Đi xe máy được một đoạn thì tôi để xe bên đường rồi cuốc bộ đến lớp. Sau 3 tiếng đồng hồ, cuối cùng tôi cũng đến được bản. Sau đó tôi đến từng gia đình vận động bà con trở lại lớp học. Vậy là lớp học vẫn được diễn ra trong niềm vui và tràn đầy hy vọng”.

Niềm vui khi được chào là thầy!

Trung úy Vàng Lao Lừ (thứ 3 - hàng 1 từ trái qua phải) thể hiện quyết xung kích của tuổi trẻ. Ảnh: Sỹ Điền.
Trung úy Vàng Lao Lừ (thứ 3 - hàng 1 từ trái qua phải) thể hiện quyết xung kích của tuổi trẻ. Ảnh: Sỹ Điền.

“Niềm vinh dự lớn nhất của tôi là một chiến sĩ quân hàm xanh, còn niềm vui lớn nhất là mỗi khi vào lớp được bà con dân bản chào tôi bằng thầy. Đó là động lực để tôi quyết tâm bám trường, bám lớp mang con chữ về với bà con dân bản” - Trung úy Lừ bộc bạch.

Cũng theo Trung úy Lừ, các gia đình vùng cao rất trân quý các thầy, cô giáo. Mỗi dịp lễ, tết họ thường tặng cho các thầy, cô giáo những món quà rất thân thương.

“Tôi còn nhớ, ngày 20/11 và ngày sinh nhật, tôi được học sinh tặng quà là những loại hoa quả do họ trồng được, đó là chuối và đu đủ. Những món quà rất đỗi giản đơn nhưng chất chứa biết bao tình cảm của người tặng, còn người nhận thì vô vùng trân quý và xúc động” - Trung úy Lừ tâm sự.

Không chỉ tham gia xóa mù chữ cho bà con dân bản, Trung úy Vàng Lao Lừ còn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đặc biệt là phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm; đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giúp bà con dân tộc nâng cao nhận thức cuộc sống, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và chủ động đấu tranh, tố giác các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm buôn bán người sang Trung Quốc.

Năm 2018, Trung úy Lừ đã giải cứu thành công học sinh nữ V.T.S bị lừa bán sang Trung Quốc. Trung úy Vàng Lao Lừ kể lại: “Hôm đó, tôi đang dạy học bản Cò Muông. Thấy V.T.S không đến lớp, tôi đã hỏi em gái của học viên này thì được biết, V.T.S có khách nên không đi học được.

Ngày hôm sau thì người nhà V.T.S hỏi tôi về em ấy. Biết là chuyện chẳng lành, tôi đã cùng gia đình đi tìm V.T.S ở nhà người thân nhưng không thấy. Gọi điện nhiều lần nhưng V.T.S không nghe máy. Khi anh trai V.T.S gọi thì có một người lạ nghe máy và nói rằng “lấy V.T.S về làm vợ”.

Ngay sau đó, tôi đã gọi điện về đơn vị để báo cáo chỉ huy và thông báo cho các cơ quan chức năng, tổ chức ngăn chặn đối tượng đưa V.T.S qua biên giới. Kết quả là V.T.S đã được giải cứu thành công”.

Theo Trung úy Lừ, khó khăn lớn nhất hiện nay mà thầy, trò đang gặp phải là không có lớp học. Phòng học tạm bợ khi phải đi mượn, bàn ghế cũ kỹ, ọp ẹp, đường sá xa xôi, gập ghềnh khó đi...

“Tôi hy vọng, thời gian tới sẽ có sự chung tay giúp sức của các cấp bộ Đoàn, các cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội để xây dựng điểm trường cho cháu nhỏ; đồng thời hỗ trợ trang thiết bị để các cháu được tiếp cận với thông tin. Bởi đến tháng 5 tới đây, dự kiến điện sẽ về đến bản” - Trung úy Lừ đề xuất.

Ngay sau lời đề xuất của Trung úy Lừ, ông Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ đã trao tặng chiếc tivi cho thầy Lừ với mong muốn, học sinh của thầy sẽ được tiếp cận thông tin về mọi mặt của đời sống.

Ông Sưởng chia sẻ: “Trung úy Lừ đã có nhiều đóng góp để mang con chữ về với bà con vùng cao. Hành trình xóa mù chữ của Trung úy khiến nhiều người xúc động. Đó là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. Chúng tôi gửi tặng chiếc tivi, hy vọng rằng khi thôn bản có điện học sinh sẽ được nhìn thấy hình ảnh thầy giáo của mình trên chiếc tivi này”.

Trung úy Lừ cho biết, hiện lớp học có 43 học sinh ở nhiều lứa tuổi khác nhau, chủ yếu là trong độ tuổi lao động. Học sinh nhiều tuổi nhất là 38 tuổi và nhỏ nhất là 9 tuổi. Lớp học được duy trì vào buổi tối từ 7 giờ đến 10 giờ. Mong muốn lớn nhất của Trung úy  Lừ là đem con chữ về với bà con dân bản, để mọi người có thể biết đọc, biết viết, từ đó nâng cao kiến thức và chất lượng cuộc sống; đặc biệt không còn tự ti mỗi khi gặp người lạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ